IS giăng bẫy cả châu Âu!

(Baonghean.vn) - Những vụ tấn công vừa qua tại thủ đô Brussels của Bỉ cho thấy Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang dồn sức cho chiến lược chia rẽ các xã hội trong lòng châu Âu. Và lục địa già cần tỉnh táo để tránh rơi vào chiếc bẫy đã giăng sẵn…

Các tay súng IS. Ảnh: ZUMA Press.
Các tay súng IS. Ảnh: ZUMA Press.

Nhiều tháng qua, IS buộc phải rút quân dần. Từ khi liên minh Mỹ, châu Âu và các quốc gia Arập khởi động chiến dịch không kích 1,5 năm trước, IS đã thất thủ trên gần 40% lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát tại các sào huyệt ở Syria và Iraq.

Không chỉ có vậy, rất nhiều chỉ huy cấp cao của IS đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch của liên minh trên. Lượng chiến binh ngoại quốc gia nhập IS cũng giảm đột ngột sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy hoạt động tuần tra dọc biên giới với Syria.

Các lực lượng của người Kurd và Iraq cũng hỗ trợ đáng kể nhằm chấm dứt sự bành trướng lãnh thổ của tổ chức khủng bố khét tiếng. Dù ở góc độ nào, người ta đều thấy rằng âm mưu xây dựng một nhà nước riêng của IS đã bị đập tan, bởi không có sự mở rộng về mặt quân sự và đi kèm đó là hành vi cướp bóc tạo nguồn tài chính, IS sẽ không thể tồn tại.

Nhiều ý kiến nhận định có thể đánh bại IS tại khu vực chiếm đóng chủ yếu của chúng ngay trong năm nay, và công tác chuẩn bị cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tái chiếm Mosul đang được đẩy hết tốc lực. Tuy nhiên, khi IS càng bị dồn vào góc, chúng càng tìm cách đưa ra những phương pháp và chiến lược thêm phần đẫm máu và mất nhân tính.

IS đang tìm kiếm những địa điểm mới để hoạt động và tìm cách bám trụ tại các quốc gia Hồi giáo đứng trước nguy cơ sụp đổ, hầu hết là tại Bắc Phi. Từ đó, có thể giải thích chiến lược leo thang xung đột của IS như sau: các vụ tấn công mang tính sắc tộc tại các quốc gia Hồi giáo sẽ gieo mầm chia rẽ giữa người Sunni và Shiite, khiến tình hình chẳng khác nào chiến tranh loạn lạc giống như tại Iraq thời hậu Saddam. Loạt tấn công chưa từng có tại Tunisia, Saudi Arabia, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ đều mang dấu ấn của mạng lưới khủng bố này.

IS có một chiến dịch quan hệ công chúng khác biệt để hút thêm những người theo dõi mới tại châu Âu. Trên thực tế, các vụ tấn công tại Paris và Brussels cho thấy IS đang dồn hết khả năng để gây phân cực và chia rẽ những tín đồ theo đạo Hồi với những người không theo đạo Hồi.

Chiến lược của tổ chức này là buộc các chính phủ và xã hội phải phản ứng trước hành vi giết người của chúng theo cách có thể gây ra những rạn nứt văn hóa. Điều này có thể bao gồm việc đưa người Hồi giáo tại châu Âu nói chung vào vòng tình nghi hay hạn chế những quyền cá nhân của họ.

Nhiều nhà quyết sách và chuyên gia bình luận tại châu Âu sau loạt tấn công hồi tuần trước đã khẳng định: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh”. Tuy nhiên, cách diễn đạt đầy nguy hiểm này lại trực tiếp làm lợi cho chính IS.

Tổ chức khủng bố này muốn những tín đồ Hồi giáo tin rằng phương Tây đang phát động cuộc chiến chống lại đạo Hồi, chứ không chỉ chống lại một nhóm sát thủ đơn thuần. Trên những ấn phẩm trực tuyến, IS chẳng giấu diếm mục tiêu chiến lược của chúng: Người Hồi giáo tại châu Âu sẽ hứng chịu khổ sở sau những cuộc tấn công như vậy, đến nỗi họ không còn lựa chọn nào hơn là xin gia nhập IS.

Trong bối cảnh ấy, những phản ứng từ các nền dân chủ châu Âu chính là yếu tố định đoạt liệu âm mưu thâm độc của IS có thành công hay không.

Thu Giang

(Theo DW)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới