Israel có giữ thái độ trung lập khi Nga bị cáo buộc sử dụng UAV của Iran?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những cáo buộc gần đây cho rằng Nga dùng các máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất để tấn công Ukraine dường như đã làm phức tạp trạng thái trung lập của Israel giữa Moscow và phương Tây.

Yếu tố trung lập trong xung đột Nga - Ukraine

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Israel chủ yếu đứng bên lề để không làm tổn hại mối quan hệ chiến lược của họ với Điện Kremlin.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đã đánh chặn được 90% số rocket từ Dải Gaza. Ảnh: CNN

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đã đánh chặn được 90% số rocket từ Dải Gaza. Ảnh: CNN

Mặc dù Israel đã gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine, song nước này đã từ chối yêu cầu thường xuyên của Kiev về việc gửi các hệ thống phòng không và các thiết bị quân sự khác. Đồng thời, Israel cũng hạn chế thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Nga và nhiều nhà tài phiệt Nga gốc Do Thái có quê hương thứ hai ở Israel.

Hôm 18/10, Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Saar tuyên bố rằng Israel sẽ không hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, bất chấp đề nghị của Ngoại trưởng Nachman Shai về cung cấp vũ khí cho Kiev.

“Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine không bao gồm các hệ thống vũ khí, khí tài, và không có sự thay đổi nào với quan điểm đó”, ông Saar nói.

Tuy nhiên, khi xuất hiện nhiều những tin tức về mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Nga và Iran, “kẻ thù không đội trời chung” của Israel, áp lực đối với Tel Aviv trong việc hỗ trợ Ukraine ngày càng gia tăng.

Trung tá Richard Hecht, Người phát ngôn Quân đội Israel, cho biết, vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Ukraine đã làm dấy lên những lo ngại mới ở Israel.

“Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng và suy nghĩ về cách Iran có thể sử dụng những thiết bị này đối với các khu dân cư của Israel”, ông Hecht nói.

Chính phủ Iran đã phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga, nhưng giới chức Mỹ cho biết Tehran đã làm như vậy kể từ tháng 8.

“Không còn nghi ngờ gì về việc Israel nên đứng về phe nào trong cuộc xung đột này. Đã đến lúc Ukraine cũng phải nhận viện trợ quân sự từ chúng tôi, giống như những gì Mỹ và các nước NATO đã cung cấp”, ông Nachman Shai, Bộ trưởng Israel phụ trách cộng đồng người Do Thái ở nước ngoài, nói.

Nhận định của ông Shai đã khiến Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng Israel cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ gây tổn hại tới quan hệ song phương. Sau đó, Chính phủ Israel nói rằng quan điểm của ông Shai không phản ánh chính sách của Israel theo bất kỳ cách nào.

Trong nhiều năm, Nga và Israel có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và phối hợp chặt chẽ để tránh các cuộc đụng độ trên bầu trời Syria, nước láng giềng phía Đông Bắc Israel. Trong khi đó, Ukraine là đối tác kinh tế quan trọng của Israel cả về lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Đây cũng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn người Do Thái. Israel muốn giữ trạng thái trung lập trong cuộc xung đột hiện tại do lo ngại cho sự an toàn của cộng đồng Do Thái ở Nga.

Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett luôn duy trì thái độ trung lập sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, không lên án các hành động của Nga và thậm chí cố gắng đóng vai trò là người hòa giải trong cuộc xung đột. Khi Mỹ và EU gia tăng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, ông Bennett trở thành nhà lãnh đạo phương Tây duy nhất gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow.

Israel sẽ thay đổi lập trường?

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, lập trường thận trọng của Israel dường như đang bị lung lay.

Thủ tướng Israel Yair Lapid đã có những quan điểm mạnh mẽ hơn so với người tiền nhiệm. Sau khi Nga tiến hành các cuộc không kích Ukraine vào tuần trước, ông Lapid đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công và gửi “lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân và người dân Ukraine”, làm dấy lên phản ứng dữ dội từ Moscow.

Gần đây, cảnh báo của Israel về những cáo buộc cho rằng Nga đang sử dụng UAV do Iran cung cấp để tấn công Ukraine đã làm dấy lên các cuộc tranh luận.

“Tôi nghĩ Israel có thể giúp Ukraine nhiều hơn nữa”, Amos Yadlin, cựu Giám đốc Tình báo Quân đội Israel, cho biết. Ông Yadlin cho rằng “kiến thức về cách xử lý các cuộc tấn công trên không”, “thông tin tình báo về vũ khí Iran” và “khả năng gây nhiễu” của Israel là rất quan trọng đối với Ukraine.

Geoffrey Corn, chuyên gia về luật chiến tranh tại Đại học Luật Nam Texas ở Houston, cho rằng Iran đang thử nghiệm vũ khí có thể được sử dụng chống lại biên giới phía Bắc và phía Nam của Israel.

Ông Corn cho biết, nếu các máy bay không người lái tấn công mục tiêu hiệu quả ở Ukraine, Iran sẽ “tăng gấp đôi sự phát triển của chúng”, còn nếu các UAV bị bắn hạ, Tehran sẽ có “cơ hội để tìm ra cách khắc phục”.

Israel sở hữu hệ thống tên lửa phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) đạt tỷ lệ đánh chặn 90% trước hỏa lực tên lửa từ Dải Gaza. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích Israel vì không cung cấp cho Ukraine hệ thống chống tên lửa này.

Trước đó, Ukraine từng liên tục yêu cầu Israel cung cấp Vòm Sắt, nhưng Tel Aviv từ chối lời kêu gọi này vì cho rằng hệ thống này chỉ phù hợp với quốc gia có diện tích nhỏ như Israel, không thể phát huy hiệu quả ở nước có diện tích lớn như Ukraine nên không có tác dụng bảo vệ trước các tên lửa tầm trung và tầm xa mà Nga sử dụng.

Cựu Chủ tịch Cơ quan Do Thái của Israel Natan Sharansky đã chỉ trích sự miễn cưỡng của Tel Aviv trong việc giúp đỡ Ukraine. Tuy nhiên, một số quan chức khác lưu ý rằng Israel không nên tham gia vào cuộc xung đột Nga - Ukraine bởi họ khác với các đồng minh phương Tây.

“Chúng tôi không phải là Đức hay Pháp. Chúng tôi là một đất nước đang có chiến tranh”, Uzi Rubin, cựu giám đốc chương trình phòng thủ tên lửa của Israel, cho biết./.

Tin mới