JICA giúp Nghệ An xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

(Baonghean) - Tổ chức JICA hỗ trợ triển khai dự án Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An là một hướng đi tốt để nhằm giải quyết tồn tại trong sản xuất nông nghiệp.
Giải quyết tồn tại trong sản xuất nông nghiệp
Nghệ An có tiềm năng về đất đai, đặc biệt khí hậu, thổ nhưỡng tạo ra sự phát triển nông nghiệp đa dạng và đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh hàng hóa. Tuy nhiên, nông sản vẫn rơi vào tình trạng sản lượng nhiều, “được mùa rớt giá”, chế biến thô, chưa xuất khẩu được nhiều và chưa đáp ứng được thị trường khó tính. 
Nông dân Nam Đàn sản xuất rau bó xôi do tổ chức JICA hướng dẫn.   Ảnh:  Châu Lan
Nông dân Nam Đàn sản xuất rau bó xôi do tổ chức JICA hướng dẫn. Ảnh: Châu Lan
Những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Đội phó đội dự án thuộc Văn phòng điều phối JICA tại Nghệ An, ông Kotegawa là do tỉnh đang gặp nút thắt lớn khi chưa xây dựng được chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, gắn sản xuất, chế biến, thương mại với tiêu thụ để tối đa hóa lợi nhuận. Nghĩa là chưa có sự gắn kết giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị: nhà sản xuất (nông dân) -  nhà phân phối (thu mua) - nhà chế biến, bán lẻ và người tiêu dùng.
Theo đó, nhà sản xuất mặc dù sản xuất được sản phẩm chất lượng cao nhưng lợi nhuận mang lại không lớn, thậm chí là không có lợi nhuận; còn nhà chế biến, bán lẻ và người tiêu dùng không nhận biết được các sản phẩm phù hợp cho mình. Trên cơ sở nghiên cứu sản xuất nông nghiệp của Nghệ An, thông qua triển khai dự án Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, tổ chức JICA Nhật Bản bước đầu đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết.
Điều đáng quan tâm là thông qua thành lập Diễn đàn thị trường nông nghiệp tỉnh Nghệ An, dự án đã tạo điều kiện trao đổi, kết nối kinh doanh giữa các thành phần trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp; từ đó xác định nhu cầu thị trường (bên mua) để hỗ trợ kỹ thuật và giám sát quy trình bên sản xuất, đồng thời gắn kết giữa bên mua với bên sản xuất trên cơ sở một hợp đồng sản xuất và giao dịch thương mại sản phẩm nông nghiệp. 
Bằng phương pháp, cách tiếp cận đó, trong thời gian 2 năm triển khai dự án, tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ kết nối, triển khai trên địa bàn tỉnh 41 dự án thí điểm theo chuỗi giá trị, như cam, bưởi, gừng, chè matcha, khoai tây, gà,… Theo ông Trương Minh Châu - Trưởng phòng KHCN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, dự án đã tạo ra được 10 mô hình chuỗi giá trị có hiệu quả để nhân rộng. Trong đó, có một số dự án đã khẳng định kết quả với việc nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Chẳng hạn như mô hình thí điểm trồng khoai tây tại thị xã Hoàng Mai để cung ứng cho Công ty Koikeya của Nhật Bản đóng ở tỉnh Đồng Nai chế biến khoai tây chiên giòn đạt giá trị 200 triệu đồng/ha, trong đó chi phí sản xuất là 70 triệu đồng/ha, người sản xuất đạt tối đa lợi nhuận 130 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình đối chứng 13 triệu đồng; mô hình bảo quản cam nhằm nâng cao chuỗi giá trị thông qua phân phối cam trái vụ; mô hình trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè matcha ở huyện Anh Sơn… 
Tổ chức JICA Nhật Bản hướng dẫn chế biến các sản phẩm từ cam  ở Quỳ Hợp.	Ảnh: Châu Lan
Tổ chức JICA Nhật Bản hướng dẫn chế biến các sản phẩm từ cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Châu Lan

Cũng theo ông Trương Minh Châu, không chỉ nâng cao chuỗi giá trị mà điều quan trọng nhất, đó là thông qua thực hiện các dự án, mô hình thí điểm trên một số sản phẩm đã thực sự góp phần tăng cường năng lực hoạt động cho một số hợp tác xã nông nghiệp và kỹ thuật canh tác, nâng cao nhận thức tuân thủ giao dịch kinh doanh cho nông dân.
Những vấn đề đặt ra
Trên cơ sở triển khai dự án Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An bước đầu đã đưa ra được định hướng phát triển cho nông nghiệp Nghệ An. Ông Trần Quốc Thành -  Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Việc định hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất, chế biến, thương mại - tiêu thụ, kể cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm theo dự án mà tổ chức JICA đang triển khai là một cách tiếp cận mới. Đây cũng là hướng mà Sở Khoa học và Công nghệ đã, đang triển khai thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai một số dự án theo chuỗi giá trị. Riêng năm 2018 này, Sở đang xúc tiến hỗ trợ phát triển cây cam theo chuỗi giá trị nhằm củng cố một số giống cam sạch bệnh tại khu vực Thái Hòa, đồng thời kết nối với doanh nghiệp tham gia vào khâu bảo quản, từ đó nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cam. 
Định hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn ở Nghệ An, việc hình thành chuỗi giá trị mới chỉ dừng lại ở các mô hình nhỏ lẻ, chưa có kế hoạch mang tính tổng thể, bài bản. Đây cũng chính là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp Ủy ban điều phối chung dự án Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An diễn ra tại thành phố Vinh chiều 15/3 vừa qua. Trên cơ sở thảo luận của các đại biểu tại cuộc họp, ý tưởng kế hoạch tổng thể được phác thảo với 3 định hướng chính.
Đó là thiết lập hệ thống thu thập và chia sẻ thông tin nhu cầu thị trường; nâng cao dịch vụ hành chính nông nghiệp và cơ sở hạ tầng để phát triển chuỗi giá trị thực phẩm; phát triển năng lực cho cơ quan hành chính và nhân sự liên quan đến chuỗi giá trị. Trong đó nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ và hệ thống hành chính để hình thành các vùng sản xuất đáng tin cậy cho thị trường. Khi giải quyết được những vấn đề nêu trên sẽ có tác động thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Nghệ An phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của 75% dân số đang phụ thuộc vào nông nghiệp trong tỉnh.

Tin mới