Kẽ hở kê khai tài sản quan chức: Để dân giám sát!

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã chỉ ra một loạt những hạn chế trong quá trình kê khai tài sản cá nhân của công chức.

Kẽ hở kê khai tài sản công chức

Mới đây tại cuộc họp báo quý I/2016 tại Hà Nội, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã thừa nhận việc kê khai tài sản hiện nay còn mang tính hình thức, không hiệu quả. Vì thế trong thời gian tới nhằm khắc phục các tồn tại cần phải sửa cái quy định về kê khai tài sản, đặc biệt quan chức cũng sẽ phải kê khai tài sản.

Chia sẻ với Đất Việt về vấn đề này, ông Đạt cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác phòng chống tham nhũng gặp nhiều khó khăn, nhưng chủ yếu tập trung ở  6  vấn đề lớn.

Thứ nhất là các đối tượng kê khai tài sản còn nhiều quá, rộng quá. Chúng ta cần phải nghiên cứu xem có nên sửa hay không.

Thứ hai là phải công khai hơn. Trước có hình thức công khai ở cơ quan, đơn vị rồi nhưng giờ cần phải công khai cả ở nơi cư trú nữa để dân giám sát.

Thứ ba là chỉ đi xác minh thẩm định kê khai tài sản trong điều kiện cần thiết thôi chứ còn chưa kê khai hết những trường hợp cần công khai.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã chỉ ra một loạt những hạn chế trong quá trình kê khai tài sản cá nhân của công chức. Ảnh: Zing
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã chỉ ra một loạt những hạn chế trong quá trình kê khai tài sản cá nhân của công chức. Ảnh: Zing

Thứ tư là chưa có cơ quan thống nhất nào lưu giữ số liệu, tổng hợp lại để kiểm tra. Nó vẫn đang tản mạn quá, chủ yếu quản lý là các cơ quan có thẩm quyền và đội quản lý thông tin thôi chứ chưa có cơ quan chuyên trách có chuyên môn để thẩm định xử lý việc này.

Thứ năm là kiểm tra tính trung thực, giám sát và quản lý rất khó khăn nên chưa phát hiện được tham nhũng mà chỉ dựa trên kê khai, trên nguyên tắc tự giác và tự chịu trách nhiệm là chính thôi.

Thứ sáu, chưa có một chế tài thật sự mạnh mẽ để cắt giảm tài sản, tiến hành xử lý các vụ việc khi bị phát hiện.

“Với những hạn chế, bất cập trên nên kê khai tài sản lâu nay chỉ là hình thức. Vì thế sau này khi tiến hành sửa Luật sẽ phải tính toán lại để hoàn thiện, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về phòng, chống tham nhũng”, ông Đạt nhấn mạnh.

Công chức phải để dân  giám sát

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng kỳ vọng rằng, một khi những hạn chế, bất cập trong quá trình kê khai tài sản được khắc phục sẽ hạn chế tới mức thấp nhất việc quan chức, công chức tham nhũng, lấy lại niềm tin từ người dân.

“Việc này phụ thuộc nhiều vấn đề, chứ không phải chỉ riêng mình luật. Nhưng luật cũng là một cơ sở để thực hiện cho đúng, để công chức không thể tham nhũng được. Tất nhiên tham nhũng còn nhiều hình thức khác phải làm thì mới giảm được nhưng luật ra đầy đủ, tính khả thi cao cũng là một trong những yếu tố để quan chức không thể lợi dụng tham nhũng được”, ông Đạt nhấn mạnh.

Vị cục tưởng nhấn mạnh, việc người dân giám sát quá trình kê khai tài sản của công chức là hoàn toàn phù hợp và đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ nhà nước.

“Chúng ta cần phải công khai theo luật. Cái gì cần công khai, công khai như thế nào, thời gian địa điểm và đối tượng cần công khai theo luật thì tôi nghĩ không xâm phạm đời tư gì cả.

Thứ hai đã là quan chức thì phải chịu sự quản lý của nhà nước như thế thì mới là quan chức. Chứ quan chức không kê khai, không thực hiện thì làm sao dân tin được. Anh chấp nhận làm quan chức thì phải chấp hành, phải thực hiện quy định  của nhà nước về quản lý. Đã là cán bộ thì phải để nhân dân giám sát chứ”, ông Đạt khẳng định.

Theo Đất Việt

TIN LIÊN QUAN

Tin mới