Kế hoạch kiểm tra phương tiện của Cảnh sát giao thông Nghệ An

(Baonghean.vn)- Báo Nghệ An trao đổi với Thượng tá Lê Thanh Nghị - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Nghệ An) về kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

P.V: Theo ông, đâu là lý do để Cục CSGT ban hành Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ lần này và kế hoạch cụ thể như thế nào?

Thượng tá Lê Thanh Nghị: Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các phương tiện giao thông được phép hoạt động trở lại thì việc vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của người tham gia giao thông đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng chống người thi hành công vụ và đua xe trái phép diễn ra tại một số nơi, gây bức xúc trong dư luận.

Ảnh: Đ.C
Thượng tá Lê Thanh Nghị - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Nghệ An). Ảnh: Đ.C

Nhằm duy trì ổn định tình hình TTATGT, kiềm chế làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; phục vụ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo đó, từ ngày 15/5 - 14/6 lực lượng CSGT toàn quốc bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tập trung kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tập trung vào ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container, ô tô con và xe mô tô. Tập trung kiểm soát, xử lý vi nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, tránh vượt, vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, điều khiển xe thành đoàn...

P.V: Kế hoạch nêu rõ, ngoài kiểm soát trên các tuyến đường bộ cao tốc và Quốc lộ 1A, đối với các tuyến đường khác, căn cứ tình hình thực tế, từng địa phương có kế hoạch phù hợp. Vậy, tại Nghệ An, kế hoạch được đưa ra là gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Lê Thanh Nghị: Ngày 12/5/2020, Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-CAT-PC08 về việc tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; theo đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ đồng loạt ra quân trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị, đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đối tượng tập trung xử lý là các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tập trung vào xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container, ô tô con và xe mô tô.

Theo đó, sẽ tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, tránh vượt, vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, điều khiển xe thành đoàn...

Lực lượng phòng CSGT bố trí các tổ tuần tra, kiểm soát  mạnh về lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, kịp thời ngăn chặn các hành vi cản trở chống đối, hoạt động tội phạm trên các tuyến quốc lộ.

Công an cấp huyện chỉ đạo lực lượng CSGT tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trường hợp cần thiết huy động các lực lượng khác phối hợp thực hiện.

Lực lượng CSGT được dừng xe, thực hiện tổng kiểm soát tất cả các loại giấy tờ theo quy định như giấy đăng ký xe, bằng lái xe... Ảnh tư liệu
Lực lượng CSGT được dừng xe, thực hiện tổng kiểm soát tất cả các loại giấy tờ theo quy định như giấy đăng ký xe, bằng lái xe... Ảnh tư liệu

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang cấp để ghi lại các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các loại tội phạm khác làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ.

Ngoài ra, lực lượng CSGT phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình mở đợt tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, nội dung kế hoạch này là góp phần kiềm chế TNGT, bảo đảo TTATGT, TTXH phục vụ đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

P.V: Trong thời gian ra quân, CSGT được phép dừng tất cả phương tiện để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú ý những lỗi về nồng độ cồn. Vậy, ông có thể cho biết về kế hoạch, cách thức kiểm tra của lực lượng để vừa đảm bảo đạt kết quả cao kế hoạch lần này, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, bởi thực tế nhiều người lo ngại việc thổi nồng độ cồn có nguy cơ làm phát tán dịch bệnh?

Thượng tá Lê Thanh Nghị: Máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT khi tuần tra, kiểm soát là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được Bộ Công an trang bị, bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật (quy định tại Nghị định số 165/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ)

Ống thổi đo nồng độ cồn đều được thay sau mỗi lần thổi và được thu gom để loại bỏ đảm bảo vệ sinh. Ảnh tư liệu
Ống thổi đo nồng độ cồn đều được thay sau mỗi lần thổi và được thu gom để loại bỏ đảm bảo vệ sinh. Ảnh tư liệu

Máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT khi tuần tra, kiểm soát và xử lý đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, đảm bảo được các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn chặt chẽ về tiêu chuẩn như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.

Các loại máy này tích hợp với máy in, có 2 chức năng đo ống thổi và phễu thổi. Hiện nay, không sử dụng phễu thổi để đo định tính, mà sử dụng ống thổi riêng cho từng người để đo định lượng, bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo, ống thổi; mỗi ống thổi sau khi sử dụng xong bỏ vào túi nilon kín để xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Ống thổi mỗi người dùng 1 lần, nên người dân an tâm, không phải lo sợ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sỹ CSGT khi làm nhiệm vụ, trực tiếp tiếp xúc với người dân phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế để đảm bảo an toàn cho mình và người dân.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Tin mới