Kẻ Tràm - trầm mặc nét xưa

Kẻ Tràm - trầm mặc nét xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Kẻ Tràm là tên gọi xưa của làng Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) ngày nay. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm, nơi đây vẫn còn lưu lại những nét cổ xưa của một vùng đất nằm trong di chỉ khảo cổ Cồn Điệp Quỳnh Văn. Đó là cây thị di tích hàng trăm năm tuổi; những đền đài, miếu mạo; những giếng cổ và tích ổi làng Tràm gắn với vị tướng dòng họ Đặng nổi tiếng.

Nét xưa còn lại

Một góc vườn nhà của ông Đặng Ngọc Kim, làng Tràm, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Phúc
Một góc vườn nhà của ông Đặng Ngọc Kim, làng Tràm, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Phúc

Chúng tôi về Kẻ Tràm vào một ngày đầu Thu, khi cái nắng mùa Hạ vẫn còn vương vấn chưa chịu rời đi. Mùi thị chín thơm lừng trong gió, những rặng cây chần chà tỏa bóng xanh mát như làm dịu đi cái nắng hãy còn oi ả. Bước vào vườn nhà ông Đặng Ngọc Kim mà ngỡ mình lạc giữa một vườn cổ tích.

Là cán bộ văn hóa lâu năm, trong khu vườn rậm rạp cây cối, ông Kim dành không gian riêng cho những chum sành, vại sành, đồ sứ và những chiếc xe đạp cũ, với ông đó là “Di sản của gia đình mình”. Đặc biệt, phía sau hồi nhà ông là cây thị có tuổi đời hàng trăm năm, được công nhận cây Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cây thị cao, tán rộng, gốc cây nhiều u, cục, phủ đầy rêu mốc dày lên theo thời gian.

Ông Đặng Ngọc Kim, chủ nhân khu vườn có cây thị di sản cho biết: “Theo lời kể của các bậc cao niên làng Lam Cầu, tức Kẻ Tràm xưa kia có cư dân của 3 dòng họ gồm Nguyễn, Phan và Đặng sống bên sườn dãy núi Thất Sơn. Dân Lam Cầu trồng ở 7 ngọn núi Thất Sơn 7 cây thị, hàng năm cho ra hoa kết trái sum suê, quả ngọt, nhưng đặc biệt cây thị hiện nay đang tồn tại cho ra 2 loại quả hình dáng và hương vị khác nhau.

Cây thị cao, tán rộng, gốc cây nhiều u, cục, phủ đầy rêu mốc dày lên theo thời gian. Ảnh: Thanh Phúc

Cây thị cao, tán rộng, gốc cây nhiều u, cục, phủ đầy rêu mốc dày lên theo thời gian. Ảnh: Thanh Phúc

Trong thời kỳ phong kiến, qua nhiều triều đại, các vua quan trên đường đi kinh lý hay nhân sỹ về kinh ứng thí từng nghỉ bên gốc cây thị này khi người và ngựa đã thấm mệt. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cây thị với căn hầm bí mật dưới gốc cây là nơi trú ẩn và là cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng; gốc thị cũng là nơi chứng kiến lớp lớp cha anh -những người con Kẻ Tràm lên đường cứu nước. Năm 2015, cây thị được cấp bằng “Cây Di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam”.

Kẻ Tràm nay vẫn còn dấu vết của hệ thống đình, đền, miếu, nghè… phản ánh đời sống tín ngưỡng, tâm linh phong phú của người dân nơi đây. Cùng với đó là nhiều giếng cổ vừa được trùng tu, tôn tạo. Nay trong làng còn đền Hạ được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014. Theo sử sách ghi lại, đền được xây dựng từ thế kỷ XVII ở phía Nam của làng.

Đền Hạ Lam Cầu. (Chụp lại ảnh tư liệu của xã Quỳnh Thạch)

Đền Hạ Lam Cầu. (Chụp lại ảnh tư liệu của xã Quỳnh Thạch)

Trước chính điện có 2 nhà dọc 2 bên thờ các vị hậu thần có công đóng góp xây dựng, bảo vệ làng. Trong đền trang trí: Hương án, gươm, đao, tấu, tàn lọng, hai bên có 2 nghê chầu, hổ phục, ngày đại lễ được trưng bày thêm hoành phi, cửa vọng, cờ, quạt... Năm 1906, đền được trùng tu nâng cấp. Năm 1940, xây tường bao, phía trước xây 2 cột hình trụ to và cao, 2 bên có quan văn, tướng võ, voi, ngựa chầu rất uy nghi.

Đền thờ thần chủ: Tứ vị Thánh Nương, 11 vị phúc thần, 13 vị hậu thần đều là những vị có công với làng, với nước. Trong đó, có Quận công Trần Hậu Hoa. Đồng thời, đây là nơi sinh hoạt của Chi bộ Đảng Hoa Sơn giai đoạn 1946-1954; địa điểm đóng quân của tiểu đoàn pháo cao xạ Đơn vị anh hùng Nguyễn Viết Xuân thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tại đền, hàng năm diễn ra các kỳ lễ trọng, là không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng và du khách thập phương.

Di tích giếng cổ ở Quỳnh Thạch. Ảnh: Thanh Phúc
Di tích giếng cổ ở Quỳnh Thạch. Ảnh: Thanh Phúc

Nét cổ xưa ở Kẻ Tràm còn lưu lại ở những nếp nhà rêu phong, vững chãi theo thời gian; những bờ rào mạn hảo được cắt xén gọn gàng; những cụ già “thất thập cổ lai hy” miệng bỏm bẻm nhai trầu, hát xướng; ở những trưa Hè dưới gốc thị, gốc chần chà những đứa trẻ mải mê với trò chơi dân gian như đánh chuyền, đánh đáo, chơi ô ăn quan… Chính mỗi người dân, mỗi gia đình nơi đây đều có ý thức lưu giữ lại nét cổ xưa, hồn hậu ấy trong chính khu vườn, gian nhà, không gian xóm làng vậy…

Ổi làng Tràm và tích chuyện cũ

Những khu vườn ở vùng kẻ Tràm bốn mùa sum suê hoa thơm, trái ngọt. Trong ảnh: Cây chần chà có tuổi đời ngót trăm năm trong vườn nhà ông Đặng Ngọc Kim. Ảnh: Thanh Phúc
Những khu vườn ở vùng kẻ Tràm bốn mùa sum suê hoa thơm, trái ngọt. Trong ảnh: Cây chần chà có tuổi đời ngót trăm năm trong vườn nhà ông Đặng Ngọc Kim. Ảnh: Thanh Phúc

Vùng đất Kẻ Tràm còn được biết đến với nhiều loại cây trái thơm ngon như: ổi, xoài, mít, bưởi, hồng, chần chà… với vẻ đẹp non nước hữu tình, bốn mùa tươi tốt, được miêu tả: “Lam Cầu có núi Thất Tinh/Một hàng bảy ngọn như hình ngôi sao/Khách qua chim hót hoa chào/Đoái trông cảnh vật như vào non tiên”. Đặc biệt, đến ngày nay, ổi làng Tràm được xem là đặc sản của xã Quỳnh Thạch, gắn với tích xưa đầy ý nghĩa.

Ông Đặng Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội đồng Gia tộc dòng họ Đặng, làng Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch cho biết: “Theo gia phả dòng họ còn ghi lại thì ông tổ đời thứ 9 là vị tướng giỏi Đặng Viết Hà. Trong một lần cầm quân chống lại quân xâm lược, bị giặc truy đuổi, đội quân tan rã, ông lạc vào rừng sâu và ẩn náu ở đó suốt thời gian dài. Ở trong rừng, ông ăn quả rừng, uống nước khe, suối để sống cầm cự qua ngày.

Ổi làng Tràm gắn với tích chuyện cũ xưa đầy ý nghĩa. Ảnh: Thanh Phúc

Ổi làng Tràm gắn với tích chuyện cũ xưa đầy ý nghĩa. Ảnh: Thanh Phúc

Trong số quả rừng mà ông ăn, có một loại ổi, quả tròn, nhỏ, hạt nhiều nhưng cùi dày, ngọt và có vị thơm đặc trưng. Sau khi thoát nạn, ông trở về làng, mang theo hạt của giống ổi thơm ngon này về cho người dân làng Tràm gieo trồng. Giống ổi này rất hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng Kẻ Tràm, cho quả sai, thơm và ngon. Ban đầu chỉ là những hộ trong dòng họ Đặng trồng, sau giống ổi quý được phát tặng cho người dân trong làng trồng ở vườn, ở đồi. Ổi là cây cứu đói của người dân Kẻ Tràm suốt thời kỳ nghèo khó.

Về sau, có thời kỳ, ổi làng Tràm mai một do quả nhỏ, năng suất thấp và giá bán rẻ nên người ta chặt bỏ nhiều, chỉ còn một số vườn còn giữ lại giống ổi quý này. Theo đó, các giống ổi lai như: ổi lê, ổi nữ hoàng… được du nhập. Dù giống ổi làng Tràm đã “mất gốc” song điều đặc biệt là giống ổi lai này, khi trồng trên đồng đất làng Tràm vẫn có những đặc trưng riêng. Đó là quả ổi không to bằng những nơi khác nhưng đặc ruột, ngọt và thơm hơn giống ổi cùng loại nhưng trồng ở vùng đất khác. Do đó, ổi làng Tràm rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ổi gốc làng Tràm nay đã mai một song các giống ổi khác du nhập về đây, trồng trên đồng đất làng Tràm vẫn có những nét đặc trưng riêng có. Ảnh: Thanh Phúc
Ổi gốc làng Tràm nay đã mai một song các giống ổi khác du nhập về đây, trồng trên đồng đất làng Tràm vẫn có những nét đặc trưng riêng có. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Trương Thị Dung, một hộ dân trồng ổi ở Kẻ Tràm cho biết: “Dân làng Tràm nhìn quả ổi là biết ổi làng mình trồng hay ổi nơi khác đem về. Vỏ quả ổi làng Tràm không xanh mướt mát mà thường có màu vàng, nhiều tàn rám; ruột cũng không trắng muốt mà hơi vàng, bổ ra thơm phức, ăn vào có vị ngọt thơm chứ không nhạt cũng không ngọt khé. Ai đã một lần ăn ổi trồng ở làng Tràm là sẽ có ấn tượng ngay”.

Theo lý giải của những người trồng ổi có kinh nghiệm ở Kẻ Tràm thì nguyên nhân tạo nên hương vị đặc trưng của ổi làng Tràm là do chất đất, thổ nhưỡng, khí hậu, mạch nước ở làng Tràm tạo nên. Chính đặc trưng này nên chính quyền xã Quỳnh Thạch quyết định lựa chọn ổi làng Tràm để xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện tại, Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hợp tác trồng ổi Lam Cầu nhằm tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổi, định hướng sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, dùng các chế phẩm thảo dược để phòng trừ sâu bệnh.

Đồng thời, đang trong tiến trình hoàn thiện tem truy xuất nguồn gốc nhằm số hóa sản phẩm ổi quả khi xuất bán ra thị trường. Đặc biệt, hiện nay, người dân địa phương đang thử nghiệm việc chiết ghép các giống ổi lai trên thân ổi gốc làng Tràm để vừa đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế, vừa lưu giữ gen ổi địa phương khỏi nguy cơ thất truyền.

Ổi làng Tràm quả nhỏ, vỏ vàng và thơm ngon hơn ổi cùng loại trồng ở những vùng đất khác. Ảnh: Thanh Phúc
Ổi làng Tràm quả nhỏ, vỏ vàng và thơm ngon hơn ổi cùng loại trồng ở những vùng đất khác. Ảnh: Thanh Phúc

“Mong muốn của người dân làng Tràm là sản phẩm ổi quả được gắn sao OCOP, có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời, nhằm phát huy giống ổi quý gắn với một tích chuyện trong lịch sử của một dòng họ có công với nước ở xã Quỳnh Thạch. Đó chính là tiền đề để Kẻ Tràm xưa, Lam Cầu nay vươn lên hội nhập, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Chúng tôi cũng hy vọng, trong thời gian tới, làng Tràm sẽ là điểm đến của du khách gần, xa trong một tour du lịch trải nghiệm canh nông: Thăm đền Hạ, thăm cây thị di sản, giếng cổ, thưởng thức ổi làng Tràm, trải nghiệm những vườn đầy hoa thơm, trái ngọt ở làng Tràm…”, ông Đặng Ngọc Hòa - Phó Bí thư Đảng ủy, người con của làng Tràm cho biết./.

Tin mới