Kenzo Takada - Người Nhật Bản đầu tiên vẽ nên đế chế thời trang ở Paris

(Baonghean.vn) - Vượt qua những định kiến dành cho người châu Á trong ngành thời trang Tây Âu vào những năm 1970, Kenzo Takada đã trở thành nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên tạo dựng được tên tuổi tại thủ đô nước Pháp với thương hiệu riêng mang tên ông: Kenzo. Ông ra đi ở tuổi 81 do Covid-19 để lại nhiều tiếc nuối cho làng thời trang thế giới.

Mặc dù ban đầu Kenzo Takada chỉ định ở lại Paris 6 tháng, nhưng cuối cùng ông đã sống ở đó 56 năm và công việc của ông đã mở ra cánh cửa không chỉ cho các nhà thiết kế Nhật Bản mà còn tạo ra một loại hình thẩm mỹ kết hợp Đông, Tây và ảnh hưởng đến cả một thế hệ.

Giấc mơ Paris

Sinh ra tại Himeji, Nhật Bản năm 1939, Kenzo Takada là con trai của một chủ khách sạn. Ngay từ nhỏ, cậu bé Takada đã được truyền cảm hứng về thiết kế thời trang sau khi đọc các cuốn tạp chí thời trang của chị mình. Mặc dù theo học ngành văn học tại Đại học Kobe để làm vui lòng cha mẹ, nhưng sau đó Takada quyết tâm bỏ học và ghi danh vào trường Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo, không ngại ngùng khi trở thành một trong những nam sinh đầu tiên của trường.

Nhà thiết kế thời trang Kenzo Takada trong xưởng của mình ở Paris năm 2009. Ảnh: AFP
Nhà thiết kế thời trang Kenzo Takada trong xưởng của mình ở Paris năm 2009. Ảnh: AFP

Trong sâu thẳm, Takada luôn mơ ước được đến Paris - một trong những kinh đô thời trang của thế giới. 

Năm 1960, ông giành được giải thưởng Soen, do tạp chí thời trang Soen danh tiếng của Nhật Bản trao tặng, và bắt đầu sự nghiệp thiết kế quần áo trẻ em gái cho chuỗi cửa hàng thời trang Sanai. Nhưng trong sâu thẳm, Takada luôn mơ ước được đến Paris - một trong những kinh đô thời trang của thế giới. Thế vận hội Olympic 1964 cuối cùng đã cho Takada cơ hội đến châu Âu. Khu nhà ông đang thuê khi đó bị thu hồi để làm sân vận động. Họ bồi thường cho ông 10 tháng tiền nhà - khoản tiền đủ để mua một vé tàu thủy đến Marseille.

Thế nhưng, lạc lõng giữa cái giá lạnh và âm u của mùa đông Paris cộng với khoản tiền ít ỏi trong túi, chàng trai đầy hoài bão Takada bỗng thấy “vỡ mộng” khi đặt chân đến “trời Tây”. Nhưng ông đã không từ bỏ mà quyết tâm bằng mọi cách biến giấc mơ trở thành hiện thực...

Cuộc chinh phục kinh đô thời trang

Thời trang Paris vào những năm 1960 được thống trị bởi các nhà mốt danh tiếng như Dior và Chanel. Ngay cả Yves Saint Laurent cũng chỉ là một người mới của làng thời trang Pháp. Các thiết kế mang phong cách quý phái và nhắm thẳng vào đối tượng tinh hoa là phong cách thời trang cao cấp Paris . Kenzo Takada bắt đầu công việc của một nhà thiết kế tự do, bán các bản phác thảo cho các nhà thiết kế như Louis Feraud để lấy tiền trang trải cuộc sống và thuê nhà. Những năm tháng miệt mài với bản vẽ, vải và bông đã cho Takada nhiều trải nghiệm.

Ông Takada tại buổi giới thiệu bộ sưu tập thời trang Thu-Đông  1998-1999 tại Paris. Ảnh: Getty
Ông Takada tại buổi giới thiệu bộ sưu tập thời trang Thu-Đông 1998-1999 tại Paris. Ảnh: Getty

Năm 1970, khi cảm nhận độ “chín” của bản thân, ông đã mở cửa hàng đầu tiên ở khu mua sắm Galerie Vivienne. “Cùng với một vài người bạn, trong ba tháng, chúng tôi đã vẽ lên những bức tường với cảnh rừng rậm và gọi đó là Jungle Jap”, Kenzo Takada kể lại trong một cuộc phỏng vấn với New York Time. Cửa hàng thời trang đầu tiên Jungle Jap (viết tắt của Jungle Japan, tạm dịch: Rừng nhiệt đới Nhật Bản) cũng là tên của buổi trình diễn thời trang đầu tiên của ông. Tại sự kiện ấy, trong số 20 được mời tham dự có tổng biên tập của tạp chí Elle, người vô cùng hứng thú với bộ sưu tập của Kenzo và đã cho đăng lên trang bìa một trong những thiết kế độc đáo, mới lạ của ông.

Chỉ sau một đêm, Kenzo trở thành cái tên “nổi như cồn” trong giới truyền thông và làng “mốt” Paris.

Chỉ sau một đêm, Kenzo trở thành cái tên “nổi như cồn” trong giới truyền thông và làng “mốt” Paris. Một thời gian ngắn sau đó, những kiểu áo trễ vai, những chiếc đầm suông, những chiếc váy xếp ly và nhiều bộ cánh cách điệu của Kenzo đã được giới thiệu trên tạp chí Vogue (Mỹ). Kenzo chính thức trình diễn bộ sưu tập ở New York và Tokyo vào năm 1971.

Các họa tiết táo bạo, khác thường là yếu tố chính trong thành công ban đầu của Takada. Ông cho biết: “Họa tiết hoa được sử dụng rộng rãi trong kimono và hàng dệt may ở Nhật Bản - một biểu tượng mạnh mẽ của thiên nhiên trong nghệ thuật. Thế nhưng vải hoa hiếm khi được sử dụng trong thời trang cao cấp vào thời điểm đó”. Takada đã “đánh cược” bằng những ý tưởng táo bạo: đưa họa tiết hoa, những chi tiết của bộ kimono vào các bộ sưu tập của mình. Cuối cùng, nhà thiết kế Nhật Bản đã thắng khi những chiếc áo canh tay phồng, quần dài xếp nếp tạo ra những bộ cánh vừa vặn, trẻ trung được các tín đồ thời trang Paris đón nhận nhiệt tình.

Những họa tiết hoa là đặc trưng trong các thiết kế của Kenzo. Ảnh: Getty
Những họa tiết hoa là đặc trưng trong các thiết kế của Kenzo. Ảnh: Getty

Cũng từ đó, hướng đi chủ đạo của Kenzo dường như cũng được xác định rõ ràng là “thời trang đường phố cao cấp”. Ông tạo ra những khá cách cho ngành thời trang Paris bằng những thay đổi nhỏ nhưng hợp thời, từ những sản phẩm đẹp mắt, dễ mua và dễ đi sâu vào lòng người. Giới yêu thời trang những năm 1970 bị Kenzo mê hoặc từ từ bằng các thiết kế giao hòa giữa phong cách cổ điển châu Á với nét thanh lịch, hiện đại của châu Âu.

“Kenzo Takada đã đưa vào thời trang một giai điệu nhẹ nhàng thơ mộng và sự tự do ngọt ngào..."

 Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LVMH

Những năm 1970, công việc kinh doanh phát triển, đưa Kenzo trở thành nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Thương hiệu thời trang Kenzo nhanh chóng vươn lên cạnh với những cái tên đình đám như Chanel hay Dior. Chủ tịch Liên đoàn Thời trang cao cấp của Pháp Ralph Toledano đánh giá nhà thiết kế Kenzo Takada “đã góp phần viết nên một trang mới trong lịch sử thời trang về sự giao thoa của phương Đông và phương Tây”. Còn Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LVMH nhận xét: “Kenzo Takada đã đưa vào thời trang một giai điệu nhẹ nhàng thơ mộng và sự tự do ngọt ngào, truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế sau ông”.

Quả thực, những gì mà Kenzo thể hiện trong thời gian qua - từ bộ sưu tập Memento đầu tiên được giới thiệu vào mùa thu đông 2017 cho tới Memento thứ 3 - đã phục dựng nguyên bản tinh thần Kenzo từ cái ngày mà Takada còn cặm cụi với từng đường kim, mũi chỉ ở Sanai năm nào. KenzoTakada chia tay sự nghiệp thiết kế thời trang năm 1999, 6 năm sau khi bán thương hiệu Kenzo cho LVMH - tập đoàn kinh doanh đồ xa xỉ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Takada vẫn duy trì liên kết chặt chẽ với thế giới thời trang bằng nhiều cách khác nhau.

Kenzo Takada tại nhà của ông ở Paris năm 2019. Ảnh: Getty
Kenzo Takada tại nhà của ông ở Paris năm 2019. Ảnh: Getty

“Ông hoàng” thời trang Kenzo ra đi đúng 50 năm kể từ khi ông ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình ở Paris, nơi ông coi là quê hương thứ hai, mảnh đất giúp ông thực hiện ước mơ “thời trang không biên giới” của mình.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo viết trên Twitter: “Một nhà thiết kế với tài năng tuyệt vời đã mang đến màu sắc và ánh sáng một cách đúng nhất vào thời trang". “Paris hôm nay để tang một trong những người con của thành phố”, Hidalgo viết.

Tin mới