Keo nguyên liệu ở Nghệ An tăng giá kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau nhiều năm liên tục rớt giá, khoảng 2 tháng trở lại đây giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao kỷ lục, nhiều nông dân ở Nghệ An phấn khởi vì có thu nhập khá. Tuy nhiên, nhiều người vì thấy lợi trước mắt đã ồ ạt thu hoạch cả keo non chưa đến kỳ khai thác.
Nông dân huyện Quỳ Châu phấn khởi vì keo tăng giá kỷ lục. (Trong ảnh: Thu mua keo ở huyện Quỳ Châu). Ảnh: Văn Trường

Nông dân huyện Quỳ Châu phấn khởi vì keo tăng giá kỷ lục. (Trong ảnh: Thu mua keo ở huyện Quỳ Châu). Ảnh: Văn Trường

Bà Trần Thị Minh ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu phấn khởi cho biết: Giá keo nguyên liệu lâu nay chỉ ở mức từ 700.000 - 900.000 đ đồng/tấn, 2 tháng trở lại nay giá keo tăng lên 1,3 triệu đồng/tấn. Bình quân 1 ha keo trước đây lợi nhuận chỉ đạt 40-50 triệu đồng, thì nay đạt 80-90 triệu đồng sau khi trừ các chi phí công, vận chuyển.

Giá keo tăng cao khiến nhiều hộ gia đình ồ ạt thu hoạch keo non, một số hộ dân ở xã Châu Bình (Quỳ Châu) chia sẻ: Nếu bán keo non thì năng suất gỗ giảm sút, nhưng với giá cao như hiện nay, người trồng keo vẫn có lãi nên chúng tôi phải thu hoạch sớm vì rất sợ sau này lại rớt giá.

Một số cơ sở chế biến gỗ ở Quỳ Châu thu gom keo để dành sản xuất trong lúc giá cao, khan hiếm. Ảnh: Văn Trường

Một số cơ sở chế biến gỗ ở Quỳ Châu thu gom keo để dành sản xuất trong lúc giá cao, khan hiếm. Ảnh: Văn Trường

Ông Lê Văn Toan - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết thêm: Toàn xã Châu Bình hiện có trên 3.000 ha keo (diện tích lớn nhất huyện Quỳ Châu), hàng năm xã thu hoạch trên 350 ha keo, thời điểm này, giá keo tăng cao giúp cho người trồng keo tăng thêm lợi nhuận. Như hộ gia đình ông Hồng Thái ở bản 34 vừa thu hoạch 10 ha keo lãi trên 800 triệu đồng, hộ ông Vi Thuận ở bản Kẻ Móng thu hoạch 20 keo lãi trên 1 tỷ đồng… Hiện nay, xã đang tuyên truyền người dân trồng keo hạn chế thu hoạch keo non để tăng thêm giá trị kinh tế.

Ông Lương Trí Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho hay: Toàn huyện có trên 29.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm huyện thu hoạch trồng mới trên 3.000 ha keo. Keo nguyên liệu khi thu mua tại rừng đã tăng giá kỷ lục lên đến hơn 1,3 triệu đồng/tấn. Với giá thu mua này, người trồng keo nguyên liệu có lãi lớn. Nông dân Quỳ Châu phấn khởi vừa thu hoạch keo xong là triển khai trồng mới ngay.

Giá keo tăng cao khiến người dân Quỳ Châu khai thác cả keo non để bán. Ảnh: Văn Trường

Giá keo tăng cao khiến người dân Quỳ Châu khai thác cả keo non để bán. Ảnh: Văn Trường

Về xã Hùng Thành, huyện Yên Thành những ngày này, thấy ven các quả đồi người dân đang nhộn nhịp thu hoạch keo nguyên liệu. Anh Minh Tuấn, chủ một vườn keo ở xã Hùng Thành chia sẻ: Gia đình có 3 ha keo, thương lái đến tận nơi để thu mua, không còn cảnh ép giá như trước đây. Với giá keo hơn 1,3 triệu đồng/tấn giúp gia đình tôi có thêm khoản thu nhập khá để trang trải cuộc sống.

Theo đại diện UBND xã Hùng Thành, toàn xã có trên 400 ha keo nguyên liệu, hiện có 5-6 đơn vị trong tỉnh và cả Thanh Hoá đổ về địa bàn xã tranh nhau thu mua keo. Không chỉ thân cây keo mà cành nhánh nhỏ cũng được thương lái thu mua hết.

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành chia sẻ: Toàn huyện Yên Thành có trên 12.500 ha keo nguyên liệu, hàng năm thu hoạch trên 2.500 ha keo. Giá thu mua gỗ keo nguyên liệu đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Điều đó thúc đẩy người dân tích cực tham gia trồng rừng sản xuất kết hợp với các mô hình kinh tế dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để ổn định đầu ra cho cây keo, huyện Yên Thành đang rất cần có doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm, để tránh tình trạng giá keo nguyên liệu thất thường như trước đây.

Thu hoạch keo ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Thu hoạch keo ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Qua tìm hiểu cho thấy, thời điểm này, tư thương khắp nơi ồ ạt đổ xô lên huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... để thu mua keo, nên tình trạng khan hiếm hàng xảy ra.

Hiện nay có nhiều cơ sở chế biến gỗ ép, băm dăm trên địa bàn Nghệ An thiếu nguyên liệu trầm trọng. Một chủ xưởng gỗ ván ép ở địa bàn huyện Yên Thành chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày chúng tôi thu mua được 30-40 tấn keo nguyên liệu, nay chỉ mua được 10-15 tấn keo nên xưởng phải hoạt động cầm chừng.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết thêm: Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 60.000 ha. Hiện nay đã khai thác rừng trồng tập trung được 768.562/1,5 triệu m3.

Nguyên nhân giá keo nguyên liệu tăng cao thời gian qua là do sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy chế biến gỗ ván ép công nghiệp tăng cao. Sản phẩm gỗ ván ép ngoài bán cho thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, thời gian qua một số nước châu Âu tiêu thụ khá nhiều góp phần cho giá keo tăng cao. Chưa kể hiện nay do giá keo tăng, người dân ồ ạt thu hoạch khiến diện tích keo nằm trong độ tuổi thu hoạch giảm sút.

Keo được tập kết ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành sau đó được các tư thương vận chuyển đi các tỉnh. Ảnh: Văn Trường

Keo được tập kết ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành sau đó được các tư thương vận chuyển đi các tỉnh. Ảnh: Văn Trường

Đặc biệt, địa bàn Nghệ An hiện có 2 nhà máy chế biến viên nén đã đi vào hoạt động nên nhu cầu nguyên liệu gỗ keo tăng cao. Cụ thể là Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối quy mô lớn của Biomass Fuel Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Hưng Nguyên vốn đầu tư 28.300 tỷ đồng, nhu cầu nguyên liệu 300.000 tấn/năm. Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối của Công ty CP sản xuất gỗ và thương mại gỗ Thanh Chương nhu cầu nguyên liệu 300.000 tấn/năm, sản xuất 150.000 tấn viên nén/năm.

Thời điểm này, ngành chức năng đã cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho hơn 10.000 ha rừng nguyên liệu. Hiện nay, ngành liên quan đang tiếp tục tiến hành thủ tục để cấp chứng chỉ (FSC) trong thời gian tới cho trên 13.000 ha rừng keo ở các huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Yên Thành, Con Cuông, Đô Lương…

Việc được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) sẽ có lợi ích là người dân thu hoạch rừng gỗ lớn, tăng giá trị kinh tế, đặc biệt là được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm không lo cảnh rớt giá, ép giá.

Tin mới