Keo rớt giá, nông dân Nghệ An vẫn chấp nhận thu hoạch non

(Baonghean.vn) - Thời điểm này, người trồng keo trên địa bàn Nghệ An lao đao vì keo rớt giá. Nhiều hộ dân đã chấp nhận bán rẻ để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Các điểm thu mua keo tại các xã Tiến Thành, Hùng Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường
Các điểm thu mua keo tại các xã Tiến Thành, Hùng Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Ven tuyến đường miền núi xã Tiến Thành (Yên Thành), nhộn nhịp người dân đang bốc keo lên xe vận tải. Anh Trần Văn Minh, chủ một vườn keo ở xã Tiến Thành chia sẻ: Hiện nay gia đình có 2 ha keo hơn 3 năm tuổi. Khi chưa rớt giá, mỗi tấn keo có giá gần 1,1  triệu đồng, nhưng thời điểm này chỉ bán được 650.000 đồng/tấn. Dù keo rớt giá nhưng gia đình vẫn phải thu hoạch keo non để có tiền trang trải cuộc sống.

Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Địa bàn xã Tiến Thành hiện có trên 800 ha keo, trong đó, hàng năm thu hoạch trên 300 ha. Do thời điểm cuối năm nhu cầu chi tiêu trong gia đình cần nhiều nên người dân vẫn phải thu hoạch bán.

Bất cập hiện nay là người dân trồng keo với mật độ dày và keo mới hơn 3 năm đã chặt bán. Việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều hệ lụy, đó là năng suất rừng trồng giảm sút, chất lượng gỗ thấp, lợi nhuận thu được không cao.

Thu mua keo ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Thu mua keo ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành chia sẻ: Toàn huyện Yên Thành có trên 12.000 ha rừng keo, hàng năm thu hoạch trên 2.000 ha keo. Cây keo đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế rừng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân Yên Thành. Vì thế, nếu giá keo giảm kéo dài thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nông dân.

Trong điều kiện giá keo xuống thấp, huyện Yên Thành chỉ đạo các địa phương vận động người dân không nên bán keo non, chỉ bán keo khi đủ tuổi khai thác, nếu không quá khó khăn thì nên giữ lại rừng keo.

Cùng cảnh ngộ trên, nhiều nông dân ở huyện Quỳ Hợp cũng đang phải bán keo rớt giá. Ông Vi Minh ở xã Châu Cường chia sẻ: Với giá bán gần 650.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí khai thác, gia đình thu được gần hơn 40 triệu đồng/ha, tính ra lãi ít nhưng phải chấp nhận bán để có tiền tiền chi tiêu cuối năm.

Đại diện UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Hiện nay, địa bàn huyện Quỳ Hợp có trên 14.000 ha rừng nguyên liệu, hàng năm khai thác từ 3.000 ha. Với giá keo thấp như hiện nay, huyện mong muốn cần có các nhà máy chế biến gỗ sâu để ký kết, thu mua, bao tiêu keo với giá ổn định để người dân thu hoạch đúng chu kỳ mang lại hiệu quả kinh tế.

Qua tìm hiểu một số thương lái chuyên thu mua gỗ keo được biết, thị trường xuất khẩu dăm gỗ của các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động cầm chừng nên nhu cầu nguyên liệu thấp. Một số doanh nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không tìm được đơn hàng mới nên lượng thu mua gỗ rừng trồng cũng giảm, kéo theo giá keo giảm.
Một trong những điểm tập kết keo đang chờ tư thương đến thu mua ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường
Một trong những điểm tập kết keo đang chờ tư thương đến thu mua ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An hiện có trên 165.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 60.000 ha, trong khi giá keo lên xuống bếp bênh thiệt thòi cho người trồng. Vì vậy, theo các chuyên gia, Nghệ An cần có cơ chế khuyến khích các công ty, tập đoàn tham gia đầu tư hỗ trợ chủ rừng và người dân trồng rừng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định, tránh tình trạng nông dân bị tư thương ép giá./.

Tin mới