Kết nối tình quân dân

(Baonghean) - Nhằm giúp đồng bào vùng biên cương vươn lên phát triển kinh tế, Hội nông dân tỉnh phối hợp Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản tại 18 đồn biên phòng trong cả tỉnh. Chương trình  bước đầu tạo sức lan tỏa mạnh mẽ...

Chúng tôi về thăm Đồn Biên phòng Phúc Sơn thuộc bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) trong ngày cuối tháng 8. Ấn tượng đầu tiên là khi được chứng kiến cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng ở đây phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái đen khá quy mô. Khu chuồng nuôi được xây kiên cố, thoáng rộng, có hầm bể biogas, hệ thống điện, nước...

Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết: Với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng từ chương trình, đơn vị đã triển khai chăn nuôi 15 con lợn nái đen sinh sản, nguồn giống được tuyển chọn từ địa phương.

Đơn vị sẽ xuất con giống hỗ trợ cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc bản Cao Vều, mỗi hộ 1 - 2 con để phát triển kinh tế. “Năm đầu, đơn vị sẽ cung cấp con giống, các năm tiếp theo hỗ trợ bà con 50% kinh phí, hỗ trợ các khâu kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng chuồng trại đúng quy trình” - Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ Đồn Biên phòng Phúc Sơn về xây dựng mô hình.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ Đồn Biên phòng Phúc Sơn
về xây dựng mô hình.

Khu vực biên giới Việt Lào của Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng, với chiều dài trên 400 km; có 27 xã, (326 thôn, bản), trong đó 19 xã đặc biệt khó khăn thuộc 3 huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. Đây cũng là địa bàn có nhiều tiềm năng về nhân lực và điều kiện tự nhiên để phát triển nông, lâm nghiệp và đặc biệt là chăn nuôi.

Tuy nhiên, với trên 75% hộ nghèo, trình độ dân trí hạn chế, sản xuất canh tác manh mún, chủ yếu tận dụng thiên nhiên, chăn nuôi theo truyền thống phụ thuộc con giống từ miền xuôi lên, không phù hợp điều kiện khí hậu và tập quán canh tác chăn nuôi bản địa.

Thực tế đó, đặt ra yêu cầu bức thiết cho việc tự xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản để cung cấp giống cho bà con đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi phát triển kinh tế. 

Là một người khá dày công và dành nhiều trăn trở, tâm huyết cho việc triển khai xây dựng mô hình nuôi lợn nái địa phương, ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Tháng 4/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3033/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới phía Tây của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2018”.

Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sảntại Đồn Biên phòng Phúc Sơn (Anh Sơn).
Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản tại Đồn Biên phòng Phúc Sơn (Anh Sơn).

Đề án do Hội Nông dân tỉnh làm chủ đầu tư và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là nhà thầu thi công. Quy mô đề án được triển khai tại 18 đồn biên phòng trong tỉnh với tổng kinh phí trên 5,56 tỷ đồng. Mỗi đơn vị đồn biên phòng được hỗ trợ kinh phí trên 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, nguồn giống gồm 10 con nái và 1 con lợn đực kèm vật tư thú y và thức ăn lứa nuôi đầu tiên.

Quá trình thực hiện giai đoạn đầu bắt đầu từ tháng 10/2015 xây dựng cơ sở chăn nuôi tại 3 đồn biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn), Môn Sơn (Con Cuông) và Phúc Sơn (Anh Sơn). Năm 2016 xây dựng chuồng trại tại 5 đồn biên phòng gồm ở Mỹ Lý, Na Loi, Keng Đu, Na Ngoi (Kỳ Sơn) và Thanh Thủy (Thanh Chương); các năm tiếp theo đều được cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện. 

Để triển khai các nội dung trên, Hội Nông dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch hội làm trưởng ban, chủ động phối hợp hội nông dân các huyện, xã, bộ đội biên phòng các đồn triển khai mua con giống với yêu cầu giống bản địa, độ tuổi 3 - 4 tháng, trọng lượng 15 - 20kg/con,  các chi phí nuôi, công chăm sóc cán bộ, chiến sỹ chủ động.

Hiện nay, 3 cơ sở chăn nuôi của 3 đồn biên phòng triển khai trong năm 2015 có hệ thống chuồng trại tốt, thiết kế quy chuẩn đảm bảo mỗi trại 10 con nái và 1 con đực giống. Tỉnh hội giao trách nhiệm cho các đồn biên phòng phối hợp hội nông dân các xã trực tiếp làm việc với Đảng ủy và UBND các xã chọn đối tượng hộ nghèo và cận nghèo có ý chí vươn lên trong cuộc sống để cấp giống lợn đúng kế hoạch.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi.

Trong vai trò đơn vị phối hợp và là đơn vị trực tiếp thực hiện đề án, sau khi có đề án, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa vào chủ trương Nghị quyết của Đảng ủy năm 2015, ban hành kế hoạch triển khai, thành lập ban chỉ đạo thực hiện từ tỉnh và giao nhiệm vụ cụ thể xuống các đơn vị đồn biên phòng. Đồn Biên phòng Nậm Càn có 2 con nái sinh sản được 2 lứa 20 con giống, 4 con nái có chửa, Đồn biên phòng Phúc Sơn có 2 con đực phối giống. 

Theo ý kiến của Đại tá Trần Minh Công - Phó Chính ủy BCH Bộ đội biên phòng tỉnh, hiện nay, các đồn biên phòng được giao triển khai xây dựng mô hình trong 2 năm cơ bản hoàn thành hệ thống chuồng trại đạt quy chuẩn, mỗi cơ sở đảm bảo đủ 10 con nái và 1 con đực. Dự kiến đến tháng 9/2016, có 3 cơ sở chăn nuôi của 3 đồn biên phòng triển khai năm 2015 đủ khả năng cấp miễn phí từ 15- 20 con giống cho 5 hộ nghèo, mỗi hộ 2 - 4 con giống để phát triển kinh tế. 

Các năm tiếp theo, BCH Biên phòng tỉnh triển khai hỗ trợ kinh phí 50% con giống cùng công tác tập huấn cho bà con. Mục tiêu của chương trình đến năm 2018, toàn 18 cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương của 18 đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm bảo 160 - 180 con lợn giống thương phẩm/trại, sản xuất được 2.800 – 3.000 con lợn giống thương phẩm để chuyển giao cho khoảng 900 – 1.000 hộ nông dân nghèo và cận nghèo không có điều kiện mua con giống xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng nông hộ.  

Mặc dù mới đi vào triển khai, song đánh giá từ thực tiễn cho thấy, đề án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản là chương trình phát triển sản xuất thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Được biết, hiện nay dự án được tỉnh  hỗ trợ thêm kinh phí san lấp mặt bằng, xây dựng hầm bể biogas cải tạo môi trường chăn nuôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nhị đánh giá: Dự án nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, giúp người dân nghèo miền biên giới Việt - Lào vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của sở, ngành, sự phối hợp giữa tổ chức hội nông dân, lực lượng bộ đội biên phòng trong tổ chức thực hiện các  mô hình đang góp phần củng cố, thắt chặt tình quân dân, góp phần vận động nhân dân vùng biên có thêm động lực tham gia bảo vệ biên giới cùng bộ đội biên phòng trên phạm vi toàn tỉnh…

Lương Mai

TIN LIÊN QUAN

Tin mới