Kết quả thi tuyển sinh lớp 10 ở Nghệ An: 'Báo động' chênh lệch vùng miền

(Baonghean) - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là một cơ sở quan trọng để đánh giá kết quả học tập của học sinh THCS. Năm 2019, bên cạnh những niềm vui thì vẫn còn đó những lo lắng về chất lượng tuyển sinh đầu vào, khoảng cách giữa các vùng, miền đang chênh lệch khá nhiều.

Những con số đáng lo ngại

Đến thời điểm nay, công tác tuyển sinh vào Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa hoàn thành khi chỉ có 581 học sinh nhập học.

Chúng tôi đang thiếu 9 em, nhưng vì nguồn tuyển sinh không đủ (do thí sinh bỏ thi và khoảng 55 em chuyển sang thi ở Trường PT DTNT của tỉnh) nên chúng tôi phải tuyển đến thí sinh cuối cùng, miễn là em ấy không bị điểm 0”. 

Thầy giáo Lê Đức Cát - Hiệu trưởng  Trường THPT Kỳ Sơn

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà
Theo điểm thi đã được công bố thì chỉ cần 4,9 điểm là thí sinh có thể trúng tuyển vào Trường THPT Kỳ Sơn, nếu tính trung bình 5 môn thì chưa đến 1 điểm/1 môn. Đây cũng là mức điểm sàn thấp nhất trong tất cả các trường THPT trên cả tỉnh.
Qua phân tích các dữ liệu về kết quả thi, trong số gần 600 thí sinh đăng ký dự thi vào trường năm nay, thí sinh có điểm thi cao nhất là 34,1 điểm, tuy nhiên, số thí sinh điểm thấp rất nhiều. Cụ thể, nếu tính điểm bài thi dưới 3 điểm thì có 211 thí sinh. Điểm trung bình chung của các thí sinh là 2,42 điểm và thấp nhất là môn Toán 1,72 điểm.

“So với các địa phương khác, chất lượng đầu vào của huyện Kỳ Sơn khá thấp do học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số, điều kiện được chăm sóc, học tập của các em không nhiều như ở các vùng thuận lợi khác. Đây cũng là khó khăn của nhà trường vào năm học mới, vì vậy, năm nào sau khi nhập học nhà trường cũng phải mở một lớp riêng để phụ đạo miễn phí cho các học sinh yếu kém để các em có thể theo kịp chương trình THPT”. 

Thầy giáo Lê Đức Cát - Hiệu trưởng  Trường THPT Kỳ Sơn 

Đoàn Thanh niên tình nguyện thành phố Vinh hỗ trợ thí sinh nhập học tại một điểm trường. Ảnh: Mỹ Hà
Đoàn Thanh niên tình nguyện thành phố Vinh hỗ trợ thí sinh nhập học tại một điểm trường. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THPT Tương Dương 2, huyện Tương Dương, trong 5 năm trở lại đây, năm 2019 là năm có điểm đầu vào khả quan nhất và tốt nhất, dù rằng điểm trúng tuyển cũng chỉ 7,75 điểm.


“Năm nay, trường có 210 chỉ tiêu và đến nay đã có 202 thí sinh đến nhập học. Đây là điều “chưa từng có” vì từ trước đến nay, thường đến mùa tuyển sinh giáo viên phải trực tiếp về xã vận động học sinh đi học. Điểm thi cũng cao hơn các năm trước, tuy rằng điểm trung bình chưa đến 1,5 điểm/môn”.

Thầy giáo Trần Đình Mạnh - Hiệu trưởng nhà trường  

Qua nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh, thầy Mạnh cho rằng, trong 5 môn thi tuyển sinh vào lớp 10, Ngoại ngữ là môn đáng lo ngại nhất, tiếp đó là môn Toán.
Lý do chính là bởi học sinh ở đây đa phần đều rất yếu môn tiếng Anh và điều kiện để dạy và học ở các nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn mà ngành đặt ra, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Học sinh cũng đang sử dụng tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nên khả năng nghe, nói và viết chưa tốt nên việc tiếp thu các môn học khác cũng khó.
Hiện, qua thống kê, điểm trung bình chung của huyện Tương Dương đang đứng thứ 19 trong toàn tỉnh và Toán là môn học có điểm trung bình chung thấp nhất (2,12 điểm).
Phụ huynh và thí sinh xem kết quả thi lớp 10 tại Trường THPT Thái Hòa. Ảnh tư liệu Mỹ Hà
Phụ huynh và thí sinh xem kết quả thi lớp 10 tại Trường THPT Thái Hòa. Ảnh tư liệu Mỹ Hà
Qua thống kê điểm thi ở một số hội đồng thi khác, chất lượng điểm thi cũng có nhiều điều đáng lo ngại. Như ở Hội đồng thi Trường THPT Quỳ Châu có hơn 80 thí sinh có điểm thi 3 môn dưới 3 điểm, trong đó, môn Toán có hơn 450 bài thi.
Ở Trường THPT Anh Sơn 2, cùng có hơn 100 bài thi môn Toán dưới 3 điểm (chiếm gần 1/3 thí sinh tham dự). Hay như Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương) dù là vùng thuận lợi, chất lượng được đánh giá khá nhưng có hơn 130 thí sinh có 1 trong 3 môn có điểm thi dưới 3 điểm.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, phổ điểm chung năm nay của tất cả các môn là 4,64 điểm. Trong đó, cao nhất là môn Ngữ văn (4,91 điểm), thứ 2 là môn Tổ hợp (4,66 điểm) và thứ 3 là môn Toán (4,36 điểm). Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các vùng, miền đang chênh lệch khá nhiều.
Như ở thành phố Vinh (đơn vị có điểm trung bình chung cao nhất), điểm trung bình 3 môn là 6,55 điểm. Trong khi đó ở Kỳ Sơn (đơn vị có điểm thi thấp nhất) thì điểm trung bình chung chỉ 2,42 điểm.

“Trong các môn thi, môn Tổ hợp khá tốt nhưng còn phụ thuộc nhiều vào điểm thi của 2 môn Lịch sử và Hóa học. Còn lại, môn tiếng Anh của học sinh còn khá thấp. Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau, như địa bàn Nghệ An rộng, học sinh miền núi khá nhiều nên chất lượng dạy tiếng Anh chưa đồng đều. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, đây cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm để tìm ra giải pháp khắc phục”.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Tiếp tục đổi mới kỳ thi
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được xem là một căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông và đây cũng là một kỳ thi khá nhiều áp lực, đặc biệt là ở các vùng trung tâm, vùng thuận lợi.
Kỳ thi lớp 10 năm 2019 tại địa bàn TP Vinh có 3 hội đồng thi gồm: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Lê Viết Thuật và Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh minh họa
Kỳ thi lớp 10 năm 2019 tại địa bàn TP Vinh có 3 hội đồng thi gồm: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Lê Viết Thuật và Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh minh họa
Thực tế, trong hơn 2 năm trở lại đây, kỳ thi cũng có những đổi mới với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường như nâng số môn thi từ 3 môn lên 5 môn, cho phép các trường PT DTNT tổ chức thi tuyển thay vì xét tuyển như các năm trước. Đặc biệt, nếu như trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường thuộc các vùng miền núi cao tuyển thẳng thí sinh thì 2 năm trở lại đây, tất cả các trường đều phải thi tuyển để nâng chất lượng giáo dục phổ thông. 

“Việc tổ chức thi tuyển thuận lợi cho nhà trường rất nhiều trong quá trình dạy và học sau này và tránh tình trạng “chủ quan” trong học sinh. Thực tế, các năm trước, sau khi được tuyển thẳng, học lực thuộc diện trung bình, yếu của thí sinh khá nhiều và nhà trường phải rất vất vả trong việc bồi dưỡng, phụ đạo thêm cho học sinh.

Việc thi tuyển cũng là một “kênh” để đánh giá các nhà trường, chất lượng dạy và học, bởi lẽ những năm qua có những trường liên tục nhiều năm liền thí sinh đăng ký dự thi luôn thấp hơn chỉ tiêu đã phê duyệt. Điều đó, vô hình trung khiến học sinh lơ là trong học tập và nhà trường cũng gặp khó khăn khi không tuyển sinh đầu vào những học sinh có chất lượng”. 

Thầy giáo Trần Đình Mạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2

Thí sinh đến nhập học tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - TP. Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh đến nhập học tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - TP. Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Năm nay tỷ lệ chọi của nhà trường là 1/3 thí sinh, một tỷ lệ chọi khá cao. Việc được tuyển thí sinh trực tiếp đã nâng cao chất lượng tuyển sinh của nhà trường, địa bàn lấy điểm thấp nhất là Quế Phong thí sinh cũng phải đạt 24 điểm mới trúng tuyển. Còn các huyện như Nghĩa Đàn điểm đầu vào là 30 điểm, gần ngang với các trường tốp đầu của toàn tỉnh”.

 Thầy giáo Nguyễn Đậu Trương, Trường PT DTNT 2

Với những kết quả đã đạt được, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: “Trong những năm tới, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có những đổi mới để vừa không tạo áp lực quá căng thẳng cho học sinh nhưng vẫn giữ được chất lượng giáo dục đại trà ở các trường phổ thông. Trước mắt, trong năm học tới, Sở sẽ điều chỉnh môn thi Tổ hợp để vừa giảm môn thi nhưng vẫn thuận lợi trong việc đánh giá học sinh và tuyển sinh của các nhà trường”.

Tin mới