Khả Lãm - một nếp làng

(Baonghean) - Nhìn từ trên cao, làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn) tựa lưng vào dãy núi hình cánh cung, dòng sông Lam phía trước là dây cung. Cảnh sắc đậm nét nguyên sơ miền quê trung du, tên gọi của làng cũng gợi lên sự cổ kính...

Khả Lãm quả thực có sức hút. Những rặng thông ngút ngàn dãy núi, đồng bãi xanh tươi, bãi ngô lượn sóng, đàn trâu, bò thong dong gặm cỏ và dòng Lam thao thiết chảy vẽ nên một bức tranh thôn quê thật trù phú, yên bình. Đời sống xã hội với bao đổi thay. Trung tâm huyện cách làng chừng 3 – 4 km đang náo nhiệt, ồn ào, nhà cửa mọc lên san sát nhưng Khả Lãm vẫn giữ một nhịp sống làng như thế.

Trên thửa ruộng, nương ngô, những người nông dân chất phác đang ra sức chăm bón, gửi gắm bao niềm hy vọng về ngày gặt hái, những vất vả, mệt nhọc sẽ được đáp đền bằng mùa vụ bội thu, bằng bông lúa chín mẩy, bắp ngô căng tròn. 

Sông Lam đoạn chảy qua làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn). Ảnh: Công Khang
Sông Lam đoạn chảy qua làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn). Ảnh: Công Khang

Con đường nhựa dẫn thẳng vào làng, dừng chân trước ngôi đình cổ kính, trước cổng là hai cây bàng cổ thụ và hồ sen bát ngát. Đình mang tên của làng - đình Khả Lãm, được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn, là nơi thờ Vua Mai Hắc Đế và các tướng sỹ của ngài. Đình uy nghi giữa làng, là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, các cấu kiện được chạm khắc khéo léo và tinh tế, giàu tính thẩm mỹ, thể hiện sự linh thiêng, được nhân dân bao đời dày công gìn giữ.

Phía trong đình, có một gian thờ Phật. Dân làng Khả Lãm cho hay nơi đây xưa kia có cả một quần thể công trình kiến trúc tâm linh gồm đình, đền, chùa, miếu. Những biến động lịch sử, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh kéo dài đã xóa đi tất cả, chỉ còn sót lại ngôi đình này. Khi tu sửa, nâng cấp lại ngôi đình, bà con quyết định rước bàn thờ Phật về hợp tự, đáp ứng nhu cầu tâm linh và phục hồi một nét bản sắc văn hóa làng xã. 

Nét cổ kính của đình Khả Lãm được tôn lên còn bởi hai cây bàng cổ thụ tán tỏa bóng cả một vùng, gốc cây sần sùi kỳ dị - là dấu tích đọng lại của dòng chảy thời gian. Cành bàng vươn cao, loài cây ký sinh bám chặt tựa như những chiếc vảy rồng mà cành bàng như là những con rồng đang bay lượn. Gốc bàng trở thành chốn nghỉ ngơi, hóng mát của bà con nông dân sau buổi làm đồng vất vả, trở thành điểm giao lưu, trò chuyện của các thành viên của làng.

Ngồi tựa gốc bàng cổ thụ, với dáng vẻ trầm ngâm, lão nông Nguyễn Văn Đồng cho biết, sinh thời ông nội lão bảo rằng khi mới lên 5 đã ra gốc bàng đùa nghịch, lúc ấy cây đã lớn thế này. Nghĩa là, số tuổi của những cây bàng trước cổng đình Khả Lãm đã có đến hàng trăm năm, bởi chúng đã đứng lặng lẽ nơi đây, chứng kiến mấy đời người. 

Di tích lịch sử, văn hóa - đình Khả Lãm. Ảnh: Công Khang
Di tích lịch sử, văn hóa đình Khả Lãm. Ảnh: Công Khang

Chúng tôi đi về phía cuối làng, nơi có bến đò ngang và những chiếc thuyền chài gối bãi. Đây là điểm giáp ranh giữa Nam Đàn và Thanh Chương, có lẽ vì thế mà xã có tên là Nam Thượng, tức là xã trên cùng của Nam Đàn, nếu tính theo dòng chảy của con sông. Bến đò nối hai làng của Nam Thượng là Khả Lãm và Đại Đồng, những chuyến đò ngang qua sông gợi lên một niềm thân mật, xóa bỏ sự cách xa giữa đôi bờ. Cụm dân cư gần bến đò là những cư dân vạn chài có gốc gác ở xã Thanh Hà (Thanh Chương) xuôi về Khả Lãm định cư đã được mấy chục năm.

Về đây, bà con lên bờ xây nhà, dựng cửa, nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn gắn với sông nước, con đò, mảnh lưới và những chiếc lưỡi câu vẫn là công cụ mưu sinh. Những chiếc thuyền câu gối bãi và bóng dáng của các ngư phủ là cho bức tranh phong cảnh thêm hữu tình, có cái gì đó rất mực giản dị và gần gũi, sắc màu và hơi thở cuộc sống bỗng dưng trở thành điểm nhấn của bức tranh thủy mặc. 

Từ bến đò ngang, chếch về phía thượng nguồn Lam giang mấy trăm mét - nơi khúc cua của con sông -  có một ngôi đền nhỏ dựa vào mép núi. Người làng Khả Lãm gọi là đền Trầm Một, nơi thờ một vị thần được nhân dân tôn vinh là Kiêm trị thủy bộ toàn năng, có công che chở cho những chuyến đò qua sông và thuyền bè qua lại.

Tương truyền, hàng trăm năm trước, có người học trò trên đường lai kinh ứng thí, qua đây đò bị hút vào xoáy nước rồi mất tích. Mấy ngày sau, xác người học trò ấy dạt vào mép núi đá phía tả ngạn, thương tình, người dân nơi đây vớt lên an táng bên mép núi và thay nhau hương khói. Thuyền bè qua lại đều ghé vào cầu xin thuận buồm xuôi gió, người làng đi xa cũng đến cầu thượng lộ bình an. Thấy thiêng, người dân phát tâm công đức, cùng góp sức dựng đền, đến nay đã trải qua mấy lần trùng tu, phục dựng. Cùng với đình làng, đền Trầm Một trở thành nơi gửi gắm tâm linh của người dân Khả Lãm, góp thêm một nét vẽ cổ kính của làng quê ven sông.

Bến đò làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn). Ảnh: Công Khang
Bến đò làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn). Ảnh: Công Khang

Bước chân đến Khả Lãm, câu hỏi đặt ra là làng cổ này có từ bao giờ? Hầu hết cư dân nơi đây đều lắc đầu, bảo rằng phải tìm gặp các bậc cao niên. Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Tuyển (90 tuổi), một trong những người cao tuổi nhất làng và đầu óc còn khá minh mẫn. Cụ Tuyển sinh ra ở làng, thời chống Pháp từng đi dân công thồ hàng sang Thượng Lào, thời chống Mỹ cũng tham gia dân công hỏa tuyến, rồi về làm cán bộ văn hóa xã. Cụ thuộc đến từng ngọn núi, đoạn sông, nhớ cả những vị trí dựng đền, chùa trước đây. 

Đặc biệt, những năm đánh Mỹ, tuyến đường 15A qua địa phận Nam Đàn bị đánh phá ác liệt, những đoạn trọng điểm liên tục bị dội bom, buộc phải mở con đường huyết mạch qua dãy Hùng Sơn thuộc làng Khả Lãm. Vì thế, làng phải hứng chịu những trận bom hủy diệt, gây nên bao cảnh tang thương. Nhưng khi hỏi về thời điểm hình thành của làng Khả Lãm, cụ Nguyễn Văn Tuyển cũng đành lắc đầu, bởi chưa từng nghe ai kể, cũng chưa từng được xem tài liệu nào viết về vấn đề này. Chỉ biết rằng, tên núi, tên đất và tên bãi nơi đây ít nhiều gắn với sự nghiệp dấy binh đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường của Vua Mai Hắc Đế.

Đó là Động Trại, có thể là biến âm của “đóng trại”, nghĩa là xưa kia là chốn trại binh của vua Mai. Cùng với đó là bãi Đội Hội (tập trung quân), đồi Quản Tượng (dạy voi), núi Yên Ngựa, Hùng Sơn... Những địa danh này được nhân dân trong vùng xem là một nguồn dữ liệu để phỏng đoán đất Khả Lãm xưa là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, là nơi rèn binh, hội tướng của vị thủ lĩnh nghĩa quân - ngài Mai Thúc Loan. Nhưng, dẫu sao, câu hỏi về sự hình thành của làng Khả Lãm vẫn còn để ngỏ... 

Bà con nông dân làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn) nghỉ mát dưới tán cây bàng trăm tuổi. Ảnh: Công Khang
Bà con nông dân làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn) nghỉ mát dưới tán cây bàng trăm tuổi. Ảnh: Công Khang

Khả Lãm hôm nay gồm xóm 4 và xóm 5 của xã Nam Thượng, có tổng số gần 200 hộ, sinh sống dựa vào cây lúa, cây ngô và các loại nông sản khác. Bản tính siêng năng, cần cù, từ xưa tới nay người Khả Lãm luôn gắn bó với đồng đất quê hương. Ruộng đồng và bãi bồi ven sông đã nuôi sống bao đời, nay cuộc sống càng thêm no đủ, cả làng giờ chỉ còn 9 hộ nghèo - thường là những hộ già cả, neo đơn. Cùng với quê hương Nam Thượng, làng quê Khả Lãm đã vươn lên và đạt chuẩn nông thôn mới từ 2 năm trước, diện mạo cuộc sống đổi thay nhưng vẫn giữ được nếp làng, giữ được “đất lề, quê thói”.

Rời Khả Lãm, bước chân vẫn còn lưu luyến, trong lòng vẫn gợn lên một nỗi bâng khuâng. Tự dặn lòng mình sẽ trở lại nơi đây khi để tìm nét hồn nhiên, tươi trẻ và trút bỏ những gánh nặng ưu phiền. Với chúng tôi, Khả Lãm luôn có một sự dẫn dụ vô hình nhưng đầy sức hút...

Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới