Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án

(Baonghean.vn) - 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ Covid -19 nhưng với nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, kinh tế xã hội Nghệ An vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Tín hiệu vui từ cơ sở

Ông Nguyễn Hữu An, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Thị xã vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh) ước đạt 9.027 tỷ đồng, tăng 15,49% so với cùng kỳ, bằng 51,17%KH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,96%; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 16,65%. Thương mại, dịch vụ tăng 2,36%; nông lâm ngư nghiệp tăng 7,96%. 

Đặc biệt, thị xã đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quan trọng. Với dự án đầu tư hạ tầng KCN Hoàng Mai 1 đã được chuyển đổi chủ đầu tư sau hơn 10 năm bị đình trễ. Chỉ trong thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân đã đồng sức, đồng lòng tập trung làm tốt công tác GPMB để bàn giao 130 ha trong KCN Hoàng Mai 1 cho nhà đầu tư là Tập đoàn Ju Teng. Trong 6 tháng đầu năm, thị xã giải quyết thủ tục đầu tư cho 7 dự án mới, cấp 441 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký trên 340,304 tỷ đồng.

Khu công nghiệp và đô thị VISIP. Ảnh: Trân Châu
Khu công nghiệp và đô thị VISIP. Ảnh: Trân Châu

Huyện Anh Sơn trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh thi công một số công trình trọng điểm như: Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để phát triển sản xuất các vùng nguyên liệu ở Anh Sơn, đường giao thông vùng nguyên liệu mía xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn; Đường giao thông cứu hộ, cứu nạn tả ngạn sông Con xã Đỉnh Sơn đến Bình Sơn, Anh Sơn, đường vào nhà máy chế biến tinh bột sắn xã Hoa Sơn. Tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm thực hiện đạt 53.658 triệu đồng, đạt 67% dự toán HĐND giao, tăng 58,2% so với cùng kỳ.

Ở huyện Nghi Lộc, những khó khăn do Covid -19 tác động không nhỏ tới sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn. Tuy nhiên, huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch các khu đô thị đồng thời tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo huy động nội lực và các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, lồng ghép xây dựng các công trình nông thôn mới.

Lãnh đạo Sở Công thương kiểm tra sản xuất tại các nhà máy may. Ảnh: Trân Châu
Lãnh đạo Sở Công thương kiểm tra sản xuất tại các nhà máy may. Ảnh: Trân Châu

Tổng giá trị đầu tư xây dựng 6 tháng trên địa bàn huyện Nghi Lộc ước đạt 295 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng tập trung ước thực hiện 96 tỷ đồng. Với thế mạnh sản xuất rau củ quả, các xã đã chủ động chuyển một phần diện tích sản xuất lạc sang phát triển rau màu vụ xuân như Khánh Hợp, Nghi Long, Nghi Xá, Nghi Thạch, Nghi Trung, Nghi Thuận, Nghi Lâm, Nghi Trường. Diện tích trồng rau các loại đạt 511 ha. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng cao theo cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Sản xuất tôn các loại đạt 86.918 tấn, tăng 29% trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thu Huyền
 Sản xuất tôn các loại đạt 86.918 tấn, tăng 29% trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thu Huyền

6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 của Nghệ An ước đạt 7,58%/kịch bản 7,61% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,97%), đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

 Trong bối cảnh khó khăn nhưng lĩnh vực công nghiệp tiếp tục có những mức tăng trưởng khá. Một số sản phẩm đạt mức tăng cao so với cùng kỳ như : Khai thác đá xây dựng đạt 320.000m3 (tăng 45,45%), sữa chế biến đạt 23,9 triệu lít (tăng 32,47%), tôn các loại 86.918 tấn (tăng 29,34%), xi măng 735 nghìn tấn (tăng 17,41%), điện sản xuất 208 triệu Kwh, tăng (5,5%)...

6 tháng cuối năm, Nghệ An tiếp tục đưa ra các đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng điện, thương mại, cụm công nghiệp, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất phát huy công suất, kinh doanh hiệu quả góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, nhất là các dự án có khả năng đi vào sản xuất trong năm 2021 như: Nhà máy xi măng Tân Thắng; Dự án Nhà máy Dày da Viet Glory, Nhà máy viên nén DKC,...

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết: bên cạnh việc đôn đốc các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ngành công thương đang tiếp tục bám sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, tăng cường phát triển ứng dụng thương mại điện tử, kết nối cung cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh thông qua các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ với các tỉnh, thành trong cả nước...

Về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và các dự án công nghiệp, giao thông xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Nghệ An phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2021, trong đó, đến hết quý 3 năm 2021, phấn đấu giải ngân đạt tối thiểu 60%. 

Thi công đường ven biển đoạn qua Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu
Thi công đường ven biển đoạn qua Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu

UBND tỉnh giao các huyện, thành phố, thị xã tập trung đôn đốc, xử lý vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án. Trường hợp đến hết quý 3/2021 giải ngân không đạt kế hoạch đăng ký và tối thiểu không đạt 60% kế hoạch năm 2021 phải nhận trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và không xem xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.

"UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh như đường ven biển từ Nghi Sơn Thanh Hóa đến Cửa Lò Nghệ An, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền đoạn Km7 – Km46+500; Nâng cấp, mở rộng QL15 đoạn Km301+500 – Km315+700… Chủ động phối hợp với các chủ đầu tư khác để triển khai các dự án trên địa bàn", Ông Lê Hồng Vinh cho biết.

Khu công nghiệp Đông Hồi.
Khu công nghiệp Đông Hồi.

Đối với thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đề nghị Các ban, ngành tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm như: Dự án KCN Hoàng Mai II, dự án KCN Thọ Lộc, dự án Bến số 7, 8 Cảng Cửa Lò, dự án Cảng nước sâu Cửa Lò, dự án của Tập đoàn Juteng tại KCN Hoàng Mai I...

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, đặc biệt là dự án hạ tầng trọng điểm như: KCN VSIP, KCN WHA Industrial zone 1, dự án KCN Hoàng Mai I, Nhà máy sản xuất hàng may mặc Mareep tại KCN Thọ Lộc, đường D4 vào cảng xăng dầu DKC...; đề xuất phương án xử lý các vướng mắc, tồn đọng tại Khu A, B, C - KCN Nam Cấm.

Tin mới