Khắc phục tình trạng tăng cân sau Tết cho bé

Các chuyên gia tư vấn dinh dưỡng thường đưa ra lời khuyên dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày Tết, nhưng với không khí nhộn nhịp đón chào năm mới, thật khó kiểm soát việc ăn uống và cân nặng của các bé trong những ngày lễ hội này.
Để nhận biết trẻ bị thừa cân, béo phì cần theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ mỗi tháng rồi so sánh với biểu đồ cân nặng chiều cao đối với trẻ dưới 5 tuổi theo chuẩn của tổ chức y tế thế giới (WHO). Còn trẻ trên 5 tuổi tính chỉ số BMI rồi so sánh với biểu đồ BMI cho trẻ 5-19 tuổi. Với chiều cao cân nặng như trên thì bé nhà mình đã bị béo phì.
Ảnh minh họa: Health.
Ảnh minh họa: Health.
Nguyên nhân trẻ béo phì là do tình trạng cung cấp thừa năng lượng qua ăn uống trong một thời gian dài. Dịp Tết chính là thời điểm trẻ dễ dàng nạp năng luợng quá mức mất kiểm soát với hàng loạt thực phẩm giàu năng lượng như kẹo, bánh, nước ngọt, bánh chưng, bánh tét, chả giò, thịt đông, món ăn chiên quay sẵn nên có thể nhấm nháp cả ngày.
Trẻ thừa cân - béo phì bị tích tụ mỡ quá mức trong cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến nguy cơ nhiều căn bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp. Đặc biệt trẻ ở độ tuổi đi học dễ bị ảnh hưởng tâm lý, kết quả học tập. Bạn cần đưa con đi khám dinh dưỡng để được bác sĩ tư vấn đầy đủ giúp bé phát triển tốt và thoát khỏi tình trạng thừa cân béo phì.
Về chế độ dinh dưỡng của bé hiện tại, bạn cần chú ý chọn lựa thực phẩm ít năng lượng, đủ dưỡng chất, giúp trẻ phát triển chiều cao nhưng không tăng cân hoặc tăng cân rất ít, chỉ dưới 1-2 kg mỗi năm. Cần cho bé ăn đa dạng thực phẩm, cân đối tỷ lệ các thành phần bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất trong mỗi bữa ăn.
Trẻ béo phì cần giảm lượng bột đường trong các bữa ăn so với hiện tại, tức là ăn ít cơm hoặc bún, phở, mì, nui. Hạn chế sử dụng thực phẩm béo, ngọt, nhiều muối, không nên ăn nước hầm xương, nước luộc thịt, thịt mỡ, da, nội tạng động vật, bánh, kẹo, chè, kem, nước ngọt...
Nên cho bé ăn cá, hải sản nhiều hơn thịt. Chế biến thức ăn nên luộc, hấp, kho, hạn chế quay, chiên, xào, hoặc ăn thức ăn nhanh. Ăn nhiều rau, trái cây ít ngọt và thực phẩm nhiều chất xơ. Uống đủ nước, đủ sữa, nên uống sữa dành cho trẻ thừa cân béo phì, sữa gầy (sữa bột tách bơ), sữa thấp lipid nghèo năng lượng. Không nên uống sữa thông thường hoặc sữa đặc có đường.
Chú ý cho bé ăn điều độ không bỏ bữa, nhất là bữa ăn sáng, không ăn sau 8h tối. Ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no trong một bữa, chia đều bữa ăn.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ vận động càng nhiều càng tốt, giúp tiêu hao mỡ thừa, tăng cường phát triển cơ bắp, tăng chiều cao như chạy nhảy, aerobic, chạy bộ, chơi bóng rổ, bóng ném, đu xà đơn, bơi lội… Ngủ đủ giấc, trước 10h đêm sẽ giúp các em tăng chiều cao tốt và góp phần hạn chế béo phì.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN

Tin mới