Khắc tinh của tiêm kích tàng hình F-35 Israel trên bầu trời Syria

Chuyên gia tin rằng hệ thống radar và trinh sát điện tử của Nga ở Syria dễ dàng phát hiện tiêm kích tàng hình Israel bay do thám.
Khắc tinh của tiêm kích tàng hình F-35 Israel trên bầu trời Syria ảnh 1

Tiêm kích F-35I cất cánh trong đợt diễn tập năm 2017. Ảnh: IAF

Truyền thông Israel hồi cuối tháng 3 dẫn nguồn báo Al-Jarida của Kuwait cho hay hai tiêm kích tàng hình F-35I của Israel đã thực hiện nhiệm vụ do thám Iran, Iraq và Syria ở độ cao lớn, sau khi vượt qua hệ thống radar cảnh giới được Nga bố trí tại Syria.

Quân đội Nga sau đó bác bỏ thông tin, cho rằng "việc tiêm kích F-35I của Israel qua mặt được hệ thống phòng không Nga ở Syria và tiến hành trinh sát tầm cao là hoàn toàn nhảm nhí". Giới chuyên gia phương Tây cũng có chung nhận định, cho rằng đây chỉ là "đòn gió" do Israel tung ra, theo Aviationist.

Dù không quân Israel từng nhiều lần đưa các dòng tiêm kích hiện đại vào thực chiến, chúng chỉ được triển khai cho những nhiệm vụ phức tạp và nguy hiểm, có giá trị chiến lược rất cao.

Không quân Israel mới chỉ tiếp nhận 9 tiêm kích tàng hình F-35I từ Mỹ, đóng vai trò là lực lượng răn đe chiến lược sẵn sàng cho kịch bản đối đầu với lực lượng không quân hiện đại của đối phương hay tấn công các mục tiêu được phòng thủ chặt chẽ. Trong trường hợp này, việc một biên đội F-35I triển khai do thám trên không phận Iran hay Syria là hành động mạo hiểm không cần thiết, theo chuyên gia quân sự David Cenciotti.

Sự xuất hiện dày đặc của radar và các tổ hợp trinh sát điện tử (ELINT) của Nga tại Syria cũng khiến những chiếc F-35I khó hoạt động một cách tự do trên không phận tầm cao. Quân đội Nga có thể xác định từng chuyến xuất kích của phi đội F-35I theo thời gian thực, đồng thời thu thập dữ liệu nhận dạng của loại tiêm kích này.

Các tổ hợp radar tầm xa sử dụng băng sóng dài được Nga đưa tới Syria đặc biệt nguy hiểm với những chiếc F-35I. Chúng không thể định vị chính xác tọa độ máy bay tàng hình, nhưng vẫn đủ sức dẫn đường cho tiêm kích trang bị tổ hợp trinh sát và bám bắt hồng ngoại (IRST) tới đánh chặn mục tiêu.

Khắc tinh của tiêm kích tàng hình F-35 Israel trên bầu trời Syria ảnh 2

Tiêm kích F-16I (trái) và F-35I trong một chuyến bay thử tại Israel đầu năm nay. Ảnh: IAF

Bộ Quốc phòng Nga cho biết từ năm 1960 tới nay, không quốc gia nào tiếp tục hoạt động trinh sát tầm cao trên không phận nước khác, bởi mọi vật thể hoạt động ở độ cao lớn trên bầu trời đều rất dễ bị phát hiện và tiêu diệt.

Để tránh lưới cảnh giới của Nga tại Syria, tiêm kích tiêm kích tàng hình F-35I chỉ có một phương án là liên tục bay sát mặt đất để tránh radar, nhưng điều này sẽ không phù hợp với nhiệm vụ "do thám tầm cao".

Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/4 cho biết hai tiêm kích F-15 của không quân Israel đã phóng 8 quả tên lửa hành trình vào căn cứ không quân T-4 của Syria, trong đó có 5 quả bị đánh chặn. Giới quan sát cho rằng điều này cho thấy hệ thống trinh sát, cảnh giới của Nga ở Syria có tầm bao quát rộng, có thể phát hiện được các mục tiêu bay thấp với vận tốc cao.

Bởi vậy, Cenciotti cho rằng các hệ thống cảnh giới, trinh sát mà Nga triển khai ở Syria vẫn là "khắc tinh" khiến tiêm kích tàng hình F-35I không thể tự do hoạt động trên vùng trời nước này. Nhiều khả năng Tel Aviv sẽ hạn chế triển khai phi đội F-35I cho nhiệm vụ thông thường ở Syria và các nước láng giềng, nhằm đảm bảo bí mật thông số của máy bay trước các "mắt thần" của Nga.

Tin mới