Khai báo y tế toàn dân để chống dịch Covid-19 hiệu quả

(Baonghean) - Từ ngày 7/3, Việt Nam đã yêu cầu thực hiện khai báo y tế toàn dân để thực hiện chống dịch Covid-19. Tiếp đó, ngày 9/3, Việt Nam đã ra mắt các ứng dụng khai báo y tế toàn dân qua hệ thống điện tử, điện thoại thông minh...
Người dân nên thường xuyên thực hiện khai báo y tế nhằm phòng chống dịch một cách chủ động cũng như hướng tới lợi ích lâu dài.
Người dân nên thường xuyên thực hiện khai báo y tế nhằm phòng chống dịch một cách chủ động cũng như hướng tới lợi ích lâu dài. 

Việt Nam khuyến nghị người dân thường xuyên thực hiện khai báo y tế nhằm phòng chống dịch một cách chủ động cũng như hướng tới lợi ích lâu dài.

Tích cực vào cuộc hưởng ứng kiểm soát dịch

Ngay sau khi ra đời, chủ trương khai báo y tế toàn dân nhanh chóng đi vào cuộc sống và được người dân tỉnh Nghệ An hưởng ứng mạnh mẽ. Chị Trần Thị Hoài ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh cho biết: “Tôi đã cài đặt ứng dụng và khai báo thông tin về tình trạng sức khỏe của mình. Các thao tác thực hiện việc khai báo trên tờ khai cũng khá đơn giản, ngắn gọn, dễ thao tác. Thông qua ứng dụng này, tôi cũng nắm bắt được các thông tin về tình hình dịch bệnh, bản đồ vùng dịch, chỉ dẫn trong các tình huống khẩn cấp từ các cơ quan chức năng”...

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hiếu, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò cũng bày tỏ sự ủng hộ: “Ứng dụng khai báo sức khỏe rất hữu ích trong việc phòng ngừa dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ngay sau khi tải được, tôi đã cài đặt vào thực hiện nghĩa vụ công dân khai báo của mình và cho mọi người trong nhà”.

Đi vào thực hiện chủ trương khai báo y tế toàn dân, các cấp ngành ở Nghệ An đã nhanh chóng vào cuộc. Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, ngành y tế, bưu chính viễn thông, bảo hiểm xã hội đã tiến hành triển khai hội nghị tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở hệ thống ngành dọc của mình. Các ngành đã kịp thời thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về khai báo y tế toàn dân trong hệ thống, trong cộng đồng dân cư.

Bác sĩ Hoàng Khắc Tú - Phó Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Cửa Lò chia sẻ: “Cửa Lò là địa bàn có lưu lượng hành khách, hàng hóa qua lại lớn, con em đi xuất khẩu lao động về đông. Để ngăn ngặn nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, thị xã đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò - Bến Thủy, Cảng vụ Cửa Lò, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An tích cực triển khai việc khai báo y tế. Ngoài việc tuyên truyền chủ trương khai báo trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và mạng xã hội để người dân được biết. Các cán bộ y tế, cán bộ khối xóm đã đến từng nhà để truyền tải thông điệp, tầm quan trọng của việc khai báo. Chủ trương khai báo y tế cũng đã được thị xã triển khai quán triệt đến mỗi khách sạn, nhà nghỉ, bến xe - nhà xe”.

Việc khai báo y tế toàn dân triển khai rất thuận lợi ở khu vực thành thị, đồng bằng song lại gặp khá nhiều khó khăn tại khu vực miền núi - nơi mà đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Chị Vi Thị Đào, người dân bản Thanh Sơn, xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu chia sẻ: “Mình không có smartphone mà có cũng không biết dùng khai báo y tế như thế nào cả. May có các cán bộ y tế xã, đoàn thanh niên, ban công an xã đến phát tờ rơi khai báo và thực hiện khai báo thủ công”.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Tỉnh đoàn Nghệ An.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Tỉnh đoàn Nghệ An.

Tại các địa phương trong tỉnh, lực lượng đoàn viên thanh niên đã “đi đầu” trong khai báo y tế cũng như giúp cho mọi người thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân này. Tỉnh đoàn Nghệ An đã tích cực và kịp thời trong việc chỉ đạo các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh triển khai tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên các kênh thông tin như website, Facebook của Đoàn, Hội, Đội các cấp, hệ thống phát thanh về dịch Covid-19 cũng như gõ cửa từng nhà tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc khai báo y tế toàn dân và hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân về cách thức khai báo.

Hướng tới hồ sơ sức khỏe toàn dân

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: “Việc phải khai báo y tế toàn dân mục đích chính là cung cấp thông tin và tương tác hai chiều giữa từng người dân và cơ quan y tế, cơ quan chức năng. Dựa trên dữ liệu mà người dân cung cấp, hệ thống y tế Việt Nam sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Người sử dụng cần điền thông tin cá nhân và thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân...

Chính việc cập nhật thông tin này sẽ giúp cho Việt Nam thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tốt ngay tại y tế tuyến cơ sở. Do đó, các cấp ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt hơn nội dung khai báo y tế mà Ban chỉ đạo Trung ương, tỉnh yêu cầu nhằm kịp thời những trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19, đưa vào cách ly, kịp thời điều trị không để tử vong, cũng như hướng tới lợi ích lâu dài”.

Với hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, mỗi người dân sẽ được lập một hồ sơ sức khỏe cá nhân duy nhất kèm theo một mã định danh cá nhân và được cập nhật trên hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Trong hồ sơ này bao gồm những thông tin như: gia đình, cá nhân, bảo hiểm y tế, tiền sử bản thân, dị ứng, nhóm máu, lịch tiêm chủng, lịch sử khám chữa bệnh, khám thai, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp của người dân.

Khi có hồ sơ quản lý sức khỏe, mỗi người khi cần khám, chữa bệnh có thể đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện trong cả nước với nhiều thuận lợi. Bác sĩ khi nhận bệnh sẽ truy cập thông tin trên hệ thống, biết được tiền sử bệnh của người dân và đưa ra những chẩn đoán cũng như cách điều trị sớm, đem lại hiệu quả cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm bớt chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế, người dân đỡ mất thời gian hơn.

Tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch cho các nhà xe
Tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch cho các nhà xe. Ảnh: Thành Chung
Bên cạnh những thuận lợi, tiện ích thì hiện nay việc thực hiện khai báo y tế toàn dân còn có những bất cập nhất định. Đó là việc người dân hoàn tất việc khai báo thì không nhận được phản hồi từ nhà cung cấp ứng dụng cũng như cơ quan quản lý. Việc thông tin gửi đi mới một chiều, thiếu sự tương tác ngược khiến các địa phương không có cơ sở thống kê xem số lượng người dân trên địa bàn đã thực hiện khai báo là bao nhiêu để có biện pháp tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiếp theo.
Chủ trương khai báo y tế toàn dân đặt ra yêu cầu bắt buộc khai báo song chưa có chế tài xử lý vi phạm đi kèm... Mong rằng, các nhà phát triển ứng dụng và các cơ quan quản lý cần quan tâm, nghiên cứu và sửa đổi.

Tin mới