Khan hiếm sách giáo khoa: Lỗi do độc quyền!

Người dân vốn đang rất mệt mỏi vì sự thay đổi nền giáo dục Việt Nam nay lại thêm chuyện sách giáo khoa thiếu cục bộ...

Chỉ còn non chục ngày nữa các trường học trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Thế nhưng thông tin sách giáo khoa (SGK) lại thiếu, đặc biệt là SGK đầu cấp, thậm chí khan hiếm ở cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM được đăng tải trên khắp các mặt báo trong tuần qua lại khiến dư luận ngạc nhiên và không thể không đặt câu hỏi: Vì sao lại diễn ra tình trạng này và ai phải chịu trách nhiệm?

Mệt mỏi vì… độc quyền sách giáo khoa - ảnh 1Kệ bày SGK lớp 1 tại môt nhà sách ở Hà Nội chỉ còn lác đác vài quyển. Ảnh: Nam Nguyễn

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị độc quyền in và phát hành SGK trả lời cho câu hỏi đầu tiên rằng, tình trạng khan hiếm chỉ xảy ra cục bộ và nguyên do là số lượng học sinh đầu cấp tăng đột biến vì năm học này đón lứa “Dê vàng”, “Lợn vàng”, “Rồng vàng”.

Một nguyên nhân khác không thể đổ lỗi cho việc chọn năm đẹp để sinh đó là các công ty sách và thiết bị trường học địa phương không dám “ôm” hàng vì sợ tồn đọng kế hoạch thay SGK ở một số lớp học có thể bắt đầu từ năm học 2019 - 2020.

Đến đây thì độc giả cũng hiểu, không thể đổ lỗi cho “Dê vàng”, “Lợn vàng”, “Rồng vàng” được nữa. Ít nhất, từ sáu năm trước, các nhà quản lý giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục hẳn đã phải biết về sự bùng nổ của lứa học sinh sinh năm “Rồng vàng” và tương tự, 11 năm trước là “Lợn vàng”, 15 năm trước là “Dê vàng”.

Nói vậy để thấy rằng câu chuyện phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo vài ba nhà sách, nhặt từng cuốn sách lẻ để gom đủ bộ sách cho con tới trường trong những ngày qua do hiện tượng “khan hiếm”, “thiếu cục bộ”, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung và Nhà xuất bản Giáo dục nói riêng.

Cho dù Nhà xuất bản Giáo dục đã đạt 105% kế hoạch với 108,8 triệu bản SGK, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng thị trường vẫn thiếu thì thử hỏi, bản kế hoạch ấy ai phải chịu trách nhiệm trong khi đây là đơn vị độc quyền nhà nước trong việc in ấn phát hành SGK?

Một bà bán chè ở góc phố Hà Nội chắc chắn luôn phải “nghe ngóng tình hình”, tìm hiểu thị trường để xem ngày mai mình chuẩn bị nồi chè đầy hay vơi để phục vụ khách, nếu không muốn cả nhà “ăn chè thay cơm” trong ngày mưa gió hay ngồi tiếc hùi hụi khi “vừa ra đã hết hàng” vì quanh đây không có “đối thủ”. Rõ ràng, Nhà xuất bản Giáo dục đã không vì nhu cầu học tập chính đáng của học sinh để lên một kế hoạch phục vụ hoàn hảo, cho dù họ một mình một sân, “làm tất ăn cả” từ biên soạn, in ấn đến phát hành. Để “thiếu sách cục bộ” còn thể hiện tầm nhìn hạn hẹp, thiếu trách nhiệm của các vị chức sắc quản lý Nhà xuất bản Giáo dục.

Phụ huynh “đỏ mắt” tìm sách giáo khoa cho con

Phụ huynh “đỏ mắt” tìm sách giáo khoa cho con

(Baonghean.vn) - Mặc dù ngày tựu trường đã qua nhưng hiện tại rất nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đủ sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới. Tình trạng này, cũng có thể kéo dài vì hiện tại các đơn vị cung ứng chưa chủ động được nguồn sách.

Hàng chục năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục được độc quyền trong mặt hàng “đặc biệt này”. Một mình một chợ,  triệu triệu “thượng đế” tự tìm tới rút hầu bao mà chẳng thể cò kè chuyện đắt - rẻ, đẹp - xấu, hay - dở. Câu chuyện cũng giống như người bệnh đi mua thuốc, chẳng bao giờ mặc cả với tính mạng, sức khỏe, dù đắt mấy cũng vẫn mua.

Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014 nêu rõ: Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương ban hành hành năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có nêu các tổ chức, cá nhân có năng lực đều có thể tham gia biên soạn SGK. Việc lựa chọn sách nào sẽ do học sinh phụ huynh, giáo viên quyết định…

Trong khi chủ trương một chương trình - nhiều bộ SGK vẫn chưa trở thành hiện thực, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn được chỉ định độc quyền biên soạn, in ấn và phát hành SGK, còn phụ huynh buộc phải mua, mua với bất cứ giá nào thì câu chuyện thiếu sách nói trên không chỉ còn dừng lại ở vài lời giải thích, thanh minh nữa. Nó cho thấy, chỉ khi các nhà quản lý cởi mở, xóa bỏ tư duy độc quyền mặt hàng này thì những ì xèo về thiếu sách, chất lượng sách mới có thể chấm dứt.

Hơn 30 năm Việt Nam đổi mới, hội nhập kinh tế và nỗ lực vận hành kinh tế thị trường thì một ngành không hề liên quan đến an ninh quốc gia, không hề nằm trong danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền thương mại (Nghị định 94/2017) cớ sao vẫn chưa thể xóa bỏ độc quyền? Phải chăng vì món lợi quá lớn, vì lợi ích nhóm?

Người dân vốn đang rất mệt mỏi vì sự thay đổi nền giáo dục Việt Nam. Hao tốn tiền của vì nhà có 2 con đi học thì năm nào cũng phải mua SGK, đứa sau không thể học lại của đứa trước. Tâm lý học sinh không an tâm học do vài năm lại thay sách, đổi chương trình, cải cách thi cử, đánh giá chất lượng. Rồi chương trình nặng nên phải học thêm ngày đêm hay lùm xùm nâng điểm thi… Những điều ấy đang tạo gánh nặng cho phụ huynh, học sinh, tạo áp lực xã hội./

Tin mới