Khẩn trương chuẩn bị khắc phục điểm sạt lở đồi Thô Lô thuộc di tích cấp quốc gia ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý, huyện Hưng Nguyên đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để triển khai thi công điểm sạt lở đồi Thô Lô trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn cho người dân trước mùa mưa bão sắp tới.

Sau đợt mưa lũ vừa qua, đồi Thô Lô, thuộc núi Lam Thành, xã Hưng Thành là điểm sạt lở nguy hiểm nhất trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Dưới chân đồi Thô Lô có khoảng 12 hộ với 55 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó, có 8 hộ có nguy cơ cao cần phải di dời khẩn cấp.

Đồi Thô Lô, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên bị sạt lở nghiêm trọng, vết sụt lún cao khoảng 1 mét. Ảnh: Quang An

Đồi Thô Lô, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên bị sạt lở nghiêm trọng, vết sụt lún cao khoảng 1 mét. Ảnh: Quang An

Thời gian qua, người dân sống dưới chân đồi Thô Lô thường xuyên phải tá túc nhà người thân hoặc dựng lều ở tạm khi có mưa lớn vì lớp đất đá có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Mặc dù việc xử lý điểm sạt lở này điều cấp bách để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, huyện Hưng Nguyên và các sở ngành cũng đã lên phương án khắc phục, tuy nhiên, do ngọn đồi này nằm trong di tích văn hoá cấp quốc gia núi Lam Thành nên phải xin ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 8037/UBND-NN gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị có ý kiến đối với Phương án xử lý sạt lở cấp thiết đồi Thô Lô – núi Lam Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (kèm theo hồ sơ phương án xử lý).

Dưới chân đồi Thô Lô có nhiều hộ dân đang sinh sống đang đối diện nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Quang An

Dưới chân đồi Thô Lô có nhiều hộ dân đang sinh sống đang đối diện nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Quang An

Sau khi xem xét, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4322/BVHTTDL-DSVH đồng ý cho triển khai khắc phục điểm sạt lở tại đồi Thô Lô, núi Lam Thành, huyện Hưng Nguyên. Đồng thời yêu cầu địa phương lưu ý một số vấn đề trong quá trình cải tạo, bao gồm: Điều chỉnh khu vực giao tuyến giữa sườn núi với phần xử lý sạt lở sao cho đảm bảo tạo được sự mềm mại (hạn chế tạo ra hình khối góc cạnh). Sử dụng các chủng loại cây hiện có để trồng bổ sung bề mặt khu vực chống sạt lở; Hoàn trả lại mặt bằng khu vực thi công, đảm bảo hài hòa với cảnh quan chung của di tích.

Ông Hoàng Đức Thông - Chủ tịch UBND xã Hưng Thành cho biết: Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cho phép xử lý điểm sạt lở tại đồi Thô Lô thì cuối tháng 11 vừa qua, Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN&MT) cũng đã phối hợp với ban ngành huyện Hưng Nguyên, chính quyền địa phương họp để cho ý kiến về phương án khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trực tiếp kiểm tra vị trí sạt lở tại đồi Thô Lô ở xã Hưng Thành vào tháng 10/2022. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trực tiếp kiểm tra vị trí sạt lở tại đồi Thô Lô ở xã Hưng Thành vào tháng 10/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hưng Nguyên thì khu vực xử lý sạt lở đồi Thô Lô có diện tích 5,26ha. Tổng chiều dài xử lý sạt lở là 280m; tổng khối lượng đất đá thi công xử lý sạt lở lên đến 856.047m3. Tổng kinh phí xử lý điểm sạt lở này là 22,5 tỷ đồng từ nguồn tận thu đất đá.

"Hiện nay huyện Hưng Nguyên đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và dự kiến sẽ triển khai thi công khắc phục điểm sạt lở đồi Thô Lô này từ tháng 1/2023. Đây là thời điểm thuận lợi để thi công, phấn đấu trước mùa mưa năm sau sẽ hoàn thành, giúp bà con yên tâm sinh sống" - đại diện Ban quản lý dự án huyện Hưng Nguyên cho biết.

Tin mới