Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện dự án Bản Mồng

(Baonghean.vn) - Sáng 10/10, đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác đi khảo sát thực tế và kiểm tra tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng.

Cùng đi với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Vinh Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình, Cục Kiểm lâm.

Làm việc với đoàn, về phía Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa.

TRÊN 1.000 HA RỪNG BỊ ẢNH HƯỞNG 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế dự án. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế dự án. Ảnh: Phạm Bằng

Dự án Hồ Chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Chủ trương đầu tư ngày 20/01/2006; Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Dự án đầu ngày 26/5/2009; điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư vào các năm 2017 và 2019.

Dự án gồm 4 hợp phần gồm: Hợp phần Công trình đầu mối, hệ thống kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ Bản Mồng; Hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hệ thống kênh, công trình trên kênh kèm theo; Hợp phần Bồi thường, GPMB, di dân, tái định cư và Hợp phần Công trình thủy điện.

Công trình đầu mối dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Ảnh: Phạm Bằng
Công trình đầu mối dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Ảnh: Phạm Bằng

Đây là 1 trong 7 dự án của Bộ NN&PTNT được dừng, giãn tiến độ và được phê duyệt khởi động lại vào năm 2019. Hiện dự án được xác định thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia và phải trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.  

Theo thiết kế, cao trình ngập nước của lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến một phần diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các loại đất khác của 3 huyện và 7 xã, thị trấn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi dự án là 1.131,22 ha (Nghệ An 544,77 ha, Thanh Hóa 586,45 ha), trong đó rừng phòng hộ 312,95 ha (Nghệ An 73,77 ha; Thanh Hóa 239,18 ha);  rừng sản xuất 661,08 ha (Nghệ An 332,39 ha; Thanh Hóa 328,69 ha) và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 157,19ha (Nghệ An 138,61 ha; Thanh Hóa 18,58 ha).

KỊP THỜI HOÀN THIỆN HỒ SƠ 

Thực hiện trình chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết, ngày 30/9/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 6802/BNN-TCLN báo cáo Chính phủ về đề nghị chủ trương chuyển  mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án và đề nghị xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng.
Đồng chí Nguyễn Vinh Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Vinh Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đề nghị hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa phân tích kỹ hơn tính phù hợp của chuyển đổi rừng đối với quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Đồng thời, lý giải rõ hơn về lý do thay đổi diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất bị ảnh hưởng bởi dự án; tính chất rừng thay đổi như thế nào sau khi chuyển đổi rừng; các vấn đề liên quan đến môi trường; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tạo việc làm, giải quyết sinh kế của người dân vùng dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến triển khai dự án. Về đánh giá tác động môi trường đã xây dựng từ năm 2011, đến nay theo quy định không cần làm lại. Thực hiện dự án, Nghệ An phải di dời 198 hộ, hiện tỉnh đã xây dựng 2 khu tái định cư, đảm bảo đầy đủ đất ở và đất sản xuất cho người dân.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải trình, làm rõ các nội dung mà các đại biểu băn khoăn. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải trình, làm rõ các nội dung mà các đại biểu băn khoăn. Ảnh: Phạm Bằng

"UBND 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa sẽ tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng của 2 tỉnh tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV”, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhấn mạnh, với mức tổng đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, dung tích chứa 225 triệu m3, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng không chỉ là công trình tưới tiêu thủy lợi cho trên 18.000 ha đất sản xuất và dân sinh, mà còn là công trình phục vụ sản xuất thủy sản, du lịch, môi trường, phòng chống lũ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Nhấn mạnh sự cần thiết của dự án và cần được thông qua tại Quốc hội ở kỳ họp sắp tới, đồng chí Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, Bộ Nông nghiệp &PTNT sớm hoàn thiện hồ sơ liên quan đến dự án. 

Cùng đó, 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của các thành viên đoàn công tác để trình Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội thẩm tra. Từ đó làm cơ sở để báo cáo trước Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin mới