Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An

Khẳng định vị thế ngành Thú y trong phát triển và hội nhập

(Baonghean.vn) - Ngày 11/7/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 125/SL về phòng, chống dịch bệnh gia súc. Đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên để làm cơ sở chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các hoạt động thú y trong thời gian dài. Để ghi nhận và đánh giá tầm quan trọng của ngành Thú y, ngày 12/7/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định cho phép hàng năm lấy ngày 11 tháng 7 làm “Ngày truyền thống ngành Thú y”.

Vượt qua khó khăn, thách thức

Cùng với sự hình thành và phát triển của ngành Thú y Việt Nam, Thú y Nghệ An đã có những bước tiến mới. Trong quá trình thực hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ban, ngành, chính quyền các cấp và nỗ lực của người dân, nhờ vậy, ngành Thú y đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 
Ngành Thú y và lực lượng chức năng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh tư liệu: Kim Dung
Ngành Thú y và lực lượng chức năng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh tư liệu: Kim Dung

Để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm thời kỳ hội nhập quốc tế, ngành Thú y Nghệ An đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, sáng về tâm đức, phục vụ tận tình người dân và doanh nghiệp để bảo đảm an toàn dịch bệnh, phát triển sản xuất, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt trong thời gian qua, ngành đã đạt thành tích cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật; các bệnh truyền nhiễm như bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, bệnh dại… đã giảm hẳn về số lượng ổ dịch và quy mô nhờ đó giảm tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước.

Gần đây nhất, bệnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trâu, bò là các bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, mới xâm nhiễm vào địa bàn nước ta, địa bàn tỉnh nhưng qua một thời gian triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y ghi nhận và đánh giá cao là địa phương phòng, chống dịch bệnh tốt và hiệu quả. 
Cán bộ thú y căng mình dập dịch tả lợn châu Phi. Ảnh tư liệu: Quang An
Cán bộ thú y căng mình dập dịch tả lợn châu Phi. Ảnh tư liệu: Quang An

Những thành tích đó đã góp phần quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh, xây dựng vị thế vững chắc cho ngành Thú y phát triển và hội nhập.

Nghệ An là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi khá đa dạng và phát triển với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn: toàn tỉnh có hơn 760 nghìn con trâu, bò; 914 nghìn con lợn và hơn 28 triệu con gia cầm. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức: biến đổi khí hậu làm cho thời tiết cực đoan, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp đặc biệt là các bệnh mới xâm nhiễm vào nước ta như bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm H5N8...  Trong thời gian tới, ngành Chăn nuôi và Thú y có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tập thể Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, đem hết khả năng, trách nhiệm, chủ động trong mọi tình huống và phát huy sáng tạo chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh song song phát triển chăn nuôi, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT- XH của tỉnh.

Đặng Văn Minh - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An

Hiệu quả phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Nghệ An là tỉnh có địa hình đa dạng thích hợp cho phát triển chăn nuôi, có tổng đàn gia cầm nhiều, tuy nhiên, hiện chủ yếu chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh còn hạn chế; có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hoạt động giao thương buôn bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên,... nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các tỉnh, thành khác vào địa bàn rất khó khăn; thêm vào đó, tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm còn thấp.
Chi cục Thú y và Chăn nuôi tiến hành nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Ảnh tư liệu: Kim Dung
Chi cục Thú y và Chăn nuôi tiến hành nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Ảnh tư liệu: Kim Dung

Trước thực tế đó, Chi cục đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; Tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm và kiểm soát giết mổ; xây dựng và tổ chức có hiệu quả các Chương trình, dự án: Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm; các chương trình giám sát bị động, chủ động của tỉnh; của Trung ương; các chương trình Dự án như CDC, FAO...

Cán bộ ngành Thú y kiểm tra dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi. 	Ảnh tư liệu: Quảng An
Cán bộ ngành Thú y kiểm tra dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi. Ảnh tư liệu: Quảng An

 Đặc biệt, đối với bệnh cúm gia cầm thì tiêm phòng vắc-xin là giải pháp hiệu quả nhất, vì vậy, công tác tiêm phòng luôn được chú trọng. Hàng năm, đều tiến hành tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm  đồng loạt 2 vụ chính: Vụ xuân từ  ngày 15/3- 15/4, vụ thu từ ngày 15/9-15/10 và tiêm phòng bổ sung. Các trang trại chăn nuôi gia cầm chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định và theo kế hoạch của cơ sở.

Cùng với đó, Chi cục đã hướng dẫn các trang trại chăn nuôi gia cầm áp dụng thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Song song với công tác tiêm phòng, hàng năm, UBND tỉnh phát động 4-5 đợt khử trùng tiêu độc toàn tỉnh vào các thời điểm sau tiêm phòng, giao mùa, sau lũ lụt, ngập úng dịch bệnh dễ xảy ra. Ngoài ra, tỉnh luôn có nguồn hóa chất dự trữ để cấp cho các huyện khử trùng tiêu độc khẩn cấp, bao vây ổ dịch.

Tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: H.V
Tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: PV
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Nghệ An cho hay: Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm nói riêng và các loại dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm nên đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ổn định và phát triển sản xuất. Đến tháng 6/2021, tổng đàn gia cầm ước đạt 28.343 nghìn con, tăng 8,49% so với cùng kỳ năm 2020, tổng sản lượng thịt gia cầm ước đạt 47.312 tấn tăng 9,087% so với cùng kỳ năm 2020 và sản lượng trứng ước đạt 335.610 nghìn quả, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2020. 
Hiện nay, tỉnh đang triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh Nghệ An) và để đạt được kết quả cao, rất cần sự quan tâm chỉ đạo của UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ban, ngành có liên quan, sự chung tay, phối hợp của người dân, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn.

Tin mới