Khẳng định vị thế phụ nữ

P.V: Thưa bà, đây là năm thứ 3 chúng ta kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 trong một thời điểm rất đặc biệt khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào tinh thần của ngày Quốc tế Phụ nữ vẫn nguyên giá trị. Đánh giá về những thành tựu của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nghệ An nói riêng trong cả quá khứ và hiện tại, theo bà, điều gì đáng tự hào nhất?

Bà Hoàng Thị Thu Hiền: Những năm gần đây, theo những khảo sát của các tổ chức điều tra xã hội, dịch Covid-19 tác động nặng nề đến phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, tay nghề thấp, cùng với việc mất thu nhập, gánh nặng chăm sóc con cái, công việc gia đình không được trả lương… Tuy nhiên, phụ nữ vẫn luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh, đối mặt, vượt khó đóng góp không nhỏ ở trong mỗi gia đình, xã hội, trên mọi lĩnh vực của cuộc sống theo cách của mình. Từ những người phụ nữ lặng lẽ chăm sóc người thân trong gia đình, đến những người phụ nữ là những doanh nhân, trí thức, là kỹ sư, y, bác sĩ đến những nghệ sĩ, hay những người lao động, công chức viên chức họ đều là những bông hoa đẹp. Họ không quá ồn ào, nổi bật, có lúc âm thầm, hy sinh nhưng tạo nên những giá trị rất to lớn đối với cộng đồng.

P.V: Trong 365 ngày, phụ nữ xứng đáng được có riêng một ngày để nhận được sự quan tâm và trân trọng hơn từ nửa còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình. Nói vậy cũng thấy rằng, phụ nữ hiện nay hàng ngày đang còn rất nhiều những gánh nặng, và cả những định kiến về giới. Điều này là vì sao thưa bà? Làm sao để thay đổi được thực trạng này?

Bà Hoàng Thị Thu Hiền: Tạo hóa sinh ra phụ nữ với những đặc điểm khác biệt về cấu tạo cơ thể đó là sự khác biệt giới. Điều này tạo cho phụ nữ thiên chức làm mẹ lớn lao, đáng tự hào và trân quý.

Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng điểm khác biệt của phụ nữ là chân yếu tay mềm, là phù hợp với chuyện bếp núc, là chăm sóc gia đình, là nâng khăn sửa túi… Và suy nghĩ đó từ lâu đã được “đóng đinh” trong nhận thức của nhiều thế hệ, nhiều người và rồi mặc định chuyện “rửa bát, quét nhà” là của phụ nữ. Và thậm chí khi phụ nữ thành công ở một lĩnh vực nào đó, người ta vẫn không dễ dàng ghi nhận một cách sòng phẳng như nam giới. Đây là suy nghĩ sai lầm, lỗi thời và thiếu tôn trọng, thiếu xây dựng đối với phụ nữ cần phải được lên án.

Thực tế chứng minh, phụ nữ có thể có những đóng góp trên mọi lĩnh vực không thua kém gì nam giới. Phụ nữ cần được tôn trọng và san sẻ công việc với nam giới để có thêm cơ hội học tập, cống hiến nhiều hơn cho xã hội, từ đó sự đóng góp của họ với gia đình trong vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên của con mình, người giữ lửa gia đình tạo nên sự phát triển bền vững cho gia đình và xã hội.

Còn làm sao để thay đổi? Cách đây 70 năm ngày 8/3/1952, Bác Hồ viết tác phẩm “Nam nữ bình quyền”, trong đó Bác nói về bình đẳng giới: “Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu”.

Vì vậy để có được bình đẳng thực chất cần sự thay đổi về nhận thức, về hành vi ứng xử với phụ nữ từ trong mỗi gia đình và xã hội, từ những người đàn ông, và phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên.

P.V: Theo dõi hoạt động của hội trong những năm qua, một trong những điểm nhấn rất rõ rệt, đó là phong trào giúp phụ nữ phát triển kinh tế và gần đây nhất là phong trào khởi nghiệp của chị em phụ nữ. Qua hàng trăm dự án được triển khai, điều lớn nhất mà bà thấy được qua chương trình này là gì và bà muốn nói gì về những người phụ nữ vừa là người nội trợ trong gia đình, hy sinh và “giữ lửa” cho tổ ấm nhưng cũng là những người chủ, người làm kinh tế rất giỏi?

Bà Hoàng Thị Thu Hiền: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ ưu tiên nhiều năm qua, nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, từ đó phụ nữ có nguồn lực để lan tỏa những giá trị khác. Và đã có những kết quả nổi bật có thể đo đếm được. Đơn cử như năm 2021, tỉnh Nghệ An có 21 ý tưởng tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức và 2 ý tưởng đạt giải. Toàn tỉnh có gần 500 ý tưởng được hiện thực hóa (vượt chỉ tiêu đề ra).

Tôi đã đọc rất kỹ các ý tưởng khởi nghiệp và theo dõi cả quá trình đi lên của họ và tôi thực sự ngưỡng mộ những người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Họ thực sự là những nữ tướng tài giỏi, đầy “quyền lực” nhưng cũng đầy nữ tính. Thực tế, chúng ta cứ nghĩ khởi nghiệp phải là những người lớn lao, phải có bằng cấp mới có thể thực hiện được nhưng có những người họ chỉ là nông dân, là phụ nữ yếu thế nhưng với khát vọng làm giàu, vượt lên chính mình họ đã quyết tâm và thành công. Một điều đáng trân trọng khác đó là phần lớn phụ nữ khi là các chủ doanh nghiệp, làm kinh tế giỏi họ thường rất quan tâm tạo việc làm cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ tăng thu nhập làm chủ cuộc sống. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các nguồn lực tổ chức hoạt động Hội phụ nữ để lan tỏa nhiều năng lượng tích cực đến với cộng đồng.

P.V: Nghệ An là một tỉnh đặc thù, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá lớn và so với các địa bàn khác, phụ nữ ở các huyện miền núi cao có những thiệt thòi riêng. Qua nắm bắt, theo bà hiện nay việc quan tâm đến phụ nữ vùng cao và những vùng đặc thù đang có những khó khăn gì? Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong những năm qua đã có những giải pháp nào để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và còn nhiều vất vả này cả về đời sống tinh thần và hỗ trợ phát triển kinh tế?

Bà Hoàng Thị Thu Hiền: Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đứng trước rất nhiều khó khăn về điều kiện sống, sinh hoạt, học tập và lao động sản xuất, nhận thức không đồng đều, còn tồn tại nhiều quan niệm sống lạc hậu, níu kéo phụ nữ; nhiều vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mua bán người, mua bán, sử dụng ma túy, di cư tự do tìm kiếm việc làm với nhiều rủi ro… Đây là những vấn đề từ lâu đã được cấp ủy, chính quyền và Hội Phụ nữ rất quan tâm, nhưng chưa có các giải pháp thực sự hiệu quả.

Hàng năm Hội Phụ nữ các cấp đều huy động các nguồn lực, phối hợp với các ban, ngành để tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ; tập huấn kỹ năng sống, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt; xây dựng các mô hình tập hợp thu hút hội viên ở những vùng khó khăn; hỗ trợ các mô hình sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập; tổ chức các phong trào, các diễn đàn thu hút hội viên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh biên giới.

P.V: Trong những nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ phụ nữ tham gia ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội ngày càng cao. Theo bà, điều này có ý nghĩa gì?

Bà Hoàng Thị Thu Hiền: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% số đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đều tăng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, cho thấy phụ nữ đã vươn lên để dần được khẳng định, thông qua sự thể hiện của họ đối với lĩnh vực mà họ đảm nhiệm đó là sự tin cậy của Đảng, của nhân dân. Khi phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử, là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, là cơ hội rất tốt để phụ nữ học tập, cống hiến và trưởng thành. Đại biểu của nhân dân, trước hết phụ nữ là đại diện của giới nữ, phụ nữ có trách nhiệm góp phần hiện thực hóa, cụ thể hóa chính sách, pháp luật để giải quyết những khó khăn của phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế.

P.V: Với vai trò là Đại biểu Quốc hội tỉnh, theo bà trong các vấn đề mà Quốc hội xem xét và bàn bạc trong nhiệm kỳ này thì những vấn đề lớn nào về phụ nữ được quan tâm nhất. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phụ nữ ở cơ sở trong giai đoạn tới?

Bà Hoàng Thị Thu Hiền: Theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có nhiều nội dung liên quan đến phụ nữ, như: Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung), Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội…; hay dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)… Các cấp Hội Phụ nữ sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái, bình đẳng giới, đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

P.V: Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!