Khảo sát hạ thấp độ cao mái dốc 4 điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 48D

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ảnh hưởng của cơn bão số 4, vừa qua trên tuyến QL 48D đã xảy ra 4 điểm sạt lở núi trên địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Hiện nay Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã khảo sát để có phương án hạ thấp độ cao mái dốc tại các điểm sạt lở này.
Điểm sạt lở tại km 19+100 xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai vẫn đang còn khoảng trên 20.000 m3 đất đá chiếm một phần lòng đường đã được giăng dây, cảnh báo, chờ phương án xử lý. Ảnh: Văn Trường

Điểm sạt lở tại km 19+100 xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai vẫn đang còn khoảng trên 20.000 m3 đất đá chiếm một phần lòng đường đã được giăng dây, cảnh báo, chờ phương án xử lý. Ảnh: Văn Trường

Do mưa lớn kéo dài, từ ngày 28/9 trên tuyến QL 48D đã xảy ra 4 điểm sạt lở núi, (3 điểm sạt lở tại km 26+700 đi qua xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu; 1 điểm sạt lở tại km 19+100 xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai).

Trong đó tại vị trí Km19+100 đoạn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, bị sạt lở núi nghiêm trọng nhất, đất đá đổ ập từ trên núi xuống khoảng trên 20.000 m3 chặn ngang tuyến giao thông.

Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, đơn vị quản lý giao thông đã huy động máy móc, xử lý, giải tỏa khối lượng đất đá chắn ngang đường.

Ông Phạm Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Vào mùa mưa, tuyến Quốc lộ 48D đi qua thị xã Hoàng Mai một số vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở núi, đe dọa an toàn tính mạng người dân và các phương tiện.

Vị trí sạt lở tại Km19+100 tuyến Quốc lộ 48D đoạn xã Quỳnh Vinh, phía trên ngọn núi đang còn nhiều đá treo. Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã về khảo sát để có phương án hạ thấp độ cao mái dốc. Ảnh: Văn Trường

Vị trí sạt lở tại Km19+100 tuyến Quốc lộ 48D đoạn xã Quỳnh Vinh, phía trên ngọn núi đang còn nhiều đá treo. Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã về khảo sát để có phương án hạ thấp độ cao mái dốc. Ảnh: Văn Trường

Hiện nay tại Km19+100 tuyến Quốc lộ 48D đoạn xã Quỳnh Vinh, mặc dù đã thông đường, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bởi phía trên đỉnh núi hiện có khá nhiều đất, đá tảng treo, có thể lăn xuống bất cứ lúc nào nên rất cần có phương án để khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông.

Trước tình hình đó, mới đây Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã về khảo sát các điểm sạt lở núi trên để có phương án hạ thấp độ cao mái dốc. Riêng tại vị trí Km19+100, có khối lượng đất đá sụt trượt nhiều nhất, sau khi thực hiện hạ độ dốc sẽ cho xử lý giải phóng trên 20.000 m3 đất sạt lở đang ở phía dưới chân núi, đảm bảo lưu thông an toàn cho 2 làn xe./.

Tin mới