“Khấp khởi” vụ đông

Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm ở Nghệ An với nhiều kết quả tích cực. Riêng vụ đông năm 2021, giá trị sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Rất nhiều mô hình sản xuất vụ đông giá trị cao được nhân rộng và đa số bà con nông dân đón đợi vụ đông để tích cực đầu tư sản xuất, tạo sản phẩm mới, giá trị mới.

Đồng hành với nông dân sản xuất vụ đông, UBND tỉnh và các huyện đã ban hành những chính sách hỗ trợ về giống, phân bón cũng như lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động… Một số huyện đã huy động được doanh nghiệp tham gia tích cực vào quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm vụ đông. Điển hình ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, mô hình khoai tây được đánh giá là cây trồng vụ đông hiệu quả nhất trên đồng đất nơi này. Trong vòng 3 năm nay, một doanh nghiệp đã bao tiêu toàn bộ sau khi thu hoạch với mức giá đã được ký kết từ trước. Điều đó tạo điều kiện để nông dân xã mở rộng diện tích khoai tây lên 40ha. Hay một số mô hình trồng tỏi (Thanh Chương), măng tây (Nghĩa Đàn, Thái Hòa) thành công đã đem lại những giá trị kinh tế mới.

Kết quả nêu trên quá vui đấy chứ! Nhưng sao tác giả bài viết lại gọi là “khấp khởi”? Là bởi, cho đến nay, mặc dù, sản xuất vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Đó là vụ đông đối mặt với nhiều khó khăn bởi thời tiết, thậm chí gặp rủi ro do mưa bão, thiên tai. Ngay như sau trận mưa to 3 ngày gần cuối tháng 11/2022, rất nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại nặng. Cùng đó, nhiều nơi còn “khập khiễng” trong chỉ đạo, tổ chức sản xuất, liên kết tìm thị trường ổn định cho sản phẩm vụ đông. Đặc biệt lo nhất chính là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Rất nhiều người còn nhớ cách đây vài năm, sản phẩm bí xanh ở xã Thanh Liên (Thanh Chương), và một số xã ở Anh Sơn đắt hàng, sản xuất bao nhiêu đều được thu mua hết. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay, việc sản xuất bí xanh lại lỗ, nhiều hộ đã chuyển sang trồng ngô. Nguyên nhân cơ bản là sản phẩm này rớt giá thê thảm nhưng lại ít khách mua, nông dân phải kêu gọi “giải cứu”… Rõ ràng, tiềm năng đất đai và khả năng lao động của nông dân hiện nay có thể làm ra nhiều sản phẩm trong vụ đông “khó tính”. Nhưng, cái cốt lõi là đầu ra sản phẩm chưa được giải quyết triệt để, khiến cho niềm vui về những thành công của sản xuất vụ đông chỉ “khấp khởi”. Trong khi đó, công tác quản lý quy hoạch, dự báo thị trường, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cũng là khâu yếu…


Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Thanh Phúc