Khát khao hồi hương của những điệp viên Triều Tiên “mắc kẹt” tại Hàn Quốc

Những chuyển biến tích cực trong quan hệ 2 miền Triều Tiên dường như đang “gieo” những niềm hy vọng hồi hương vào lòng những cựu điệp viên Triều Tiên, những người đã “mắc kẹt” cả cuộc đời tại Hàn Quốc. 
Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Young-sik (Ảnh: Getty)
Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Young-sik (Ảnh: Getty)

Khi Kim Young-sik ở độ tuổi 20, ông cảm thấy ông không thể nhìn đất nước của mình bị chia cắt lâu hơn nữa. Ông muốn giúp loại bỏ ranh giới giữa 2 miền Triều Tiên, cũng như “gạt” đi tầm ảnh hưởng của các quốc gia nước ngoài đã gián tiếp chia cắt bán đảo ra làm hai.

Năm 1962, ông lên một con tàu do thám của Triều Tiên hướng về phía Hàn Quốc với cương vị là một kỹ sư về công nghệ vô tuyến.

“Tôi cảm thấy tức giận khi nghĩ tới những thế lực bên ngoài đang chia cắt chúng tôi và khiến chúng tôi tương tàn lẫn nhau. Tôi còn trẻ và tôi vẫn rất yêu gia đình của mình ở Triều Tiên. Chúng tôi sống rất vui vẻ và không thể tách rời. Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết xuống phía Nam vì đất nước tôi đang bị chia cắt”, ông Kim nói.

Con tàu do thám đi một chặng đường dài tới Ulsan để tránh bị phát hiện, gần như đi tới Nhật Bản trước khi quay đầu lại trở về bờ đông của Hàn Quốc. Nhưng trước khi ông Kim có thể làm nhiệm vụ, tàu của ông đã bị bắt lại. Ông ngồi trong tù khoảng 26 năm trước khi được thả tự do. Hiện giờ, ông đã được nhập tịch Hàn Quốc. Nhưng với ông, đây chưa bao giờ là nhà.

“Cuộc sống trong tù khá vất vả. Ở xã hội Hàn Quốc, bạn phải thay đổi lý tưởng của mình. Nhưng tôi không muốn như vậy nên cũng có những khó khăn nhất định”, ông Kim kể.

Ông Kim, nay đã gần 90 tuổi, là một trong 20 điệp viên Triều Tiên ở Hàn Quốc đang khát khao được hồi hương. Sự khởi sắc trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên thời gian gần đây dường như đã khiến những người đàn ông đã sống cả cuộc đời ở bên kia chiến tuyến nối lại hy vọng rằng họ có thể về quê hương lần cuối trong đời.

Trong quan điểm của những cựu điệp viên này, hiệp định đình chiến năm 1953, chia cắt bán đảo Triều Tiên là một quyết định tồi tệ.

“Nếu bạn đến đường biên giới, bạn có thể thấy họ rào dây thép gai. Chúng tôi (2 miền Triều Tiên) có làm ra những hàng rào đó hay không? Chính những thế lực bên ngoài đã làm điều đó. Họ đã ngăn chúng tôi di chuyển trên đất nước của chúng tôi. Làm sao bạn có thể nói điều đó là tốt. Ngay cả khi nằm xuống, tôi cũng không bao giờ cho đó là điều tốt”, ông Kim nói.

Tuy vậy, niềm hy vọng của việc sẽ được trở về quê nhà vẫn khiến cho những người đàn ông đa phần đều đã 80-90 tuổi, dành hơn nửa cuộc đời ở Hàn Quốc, cảm thấy mong đợi.

“Tôi đã rơi nước mắt vì hạnh phúc. Tôi có hy vọng rằng những trường hợp như chúng tôi sẽ sớm được giải quyết”, ông Yang Hee-chul, một cựu điệp viên 82 tuổi, tràn đầy hy vọng khi nói về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều hôm 27/4.

Năm 2000, khi 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc lần đầu gặp thượng đỉnh, Hàn Quốc đã gửi trả Triều Tiên 63 điệp viên. Hàng chục những người Triều Tiên khác đang ở trong tù vào thời điểm đó, sau này đã nộp đơn để được hồi hương, nhưng đến nay đã gần 20 năm và họ vẫn không nhận được tin tức gì. Nhiều người đã không thể chờ được và đã qua đời tại Hàn Quốc.

Điệp viên Triều Tiên Seo Ok-yeol (Ảnh: AP)
Điệp viên Triều Tiên Seo Ok-yeol (Ảnh: AP)

Ông Seo Ok-yeol, 89 tuổi, một cựu điệp viên Triều Tiên, nay đã trở thành công dân Hàn Quốc sau 29 năm ngồi tù. Ông Seo đã tình nguyện gia nhập Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào thời kỳ 1950-1953 và sau khi chiến tranh tạm dừng, ông đã được đào tạo thành điệp viên.

Ông Seo bị Hàn Quốc bắt giữ năm 1961 khi ông bơi qua một con sông ở biên giới liên Triều để thực hiện nhiệm vụ mà ông gọi là “thúc đẩy bán đảo Triều Tiên thống nhất”.

Với những người như ông Seo, ngày lễ tết là những dịp ông cảm thấy chán nản nhất. “Tôi ghét ngày sinh nhật và những ngày lễ tết. Tôi chỉ ở nhà những ngày đó vì tôi biết rằng tôi sẽ cảm thấy nhớ gia đình ở quê hương hơn nữa nếu tôi nhìn thấy mọi người vui vẻ cùng nhau trong những dịp đó”, ông Seo kể.

Tin mới