Khát vọng khởi nghiệp của cựu nam sinh trường Phan

P.V: Chào Xuân Vinh, anh có bất ngờ không khi được Tỉnh đoàn Nghệ An đề cử gương mặt Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Tôi cũng được biết trong 5 năm trở lại đây, anh đã đạt được nhiều giải thưởng như Bằng khen và Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc 2020, danh hiệu Thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Nghệ An năm 2019, đảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2020…  Ở tuổi 34, những giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với anh và điều đó có thực sự tạo nên áp lực.

Hồ Xuân Vinh: Thật sự em rất bất ngờ vì mình đã được Tỉnh đoàn chọn đề cử gương mặt Việt Nam tiêu biểu. Bất ngờ vì từ trước đến nay, mình cũng âm thầm lo nghiên cứu kỹ thuật và chế tạo máy móc, không nghĩ rằng mình lại nhận được vinh dự đại diện cho tuổi trẻ quê Bác tham gia chương trình toàn quốc có ý nghĩa lớn đến như vậy. Khi làm việc, em cũng như bao thanh niên khác, tập trung lo công việc của mình. May mắn là em đã được Tỉnh đoàn phát hiện, đề cử, ghi nhận, bồi dưỡng và đã đạt được một số thành tích nhất định.

P.V: Tôi được biết anh đã tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì sao thay vì ở thành phố lớn, anh lại chọn về quê lập nghiệp?

Hồ Xuân Vinh: Thời gian học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, ngôi trường mang tên chí sĩ yêu nước, người đã nhiều lần ra nước ngoài để tìm ra con đường cứu nước, em cảm nhận được sự hy sinh, đóng góp lớn lao của nhiều thế hệ đi trước cho đất nước, cũng thầm nghĩ sau này phải cố gắng làm được điều gì đó cho quê hương mình.

Khi học Bách khoa Hà Nội, em được đào tạo trong môi trường học thuật và khoa học, kỹ thuật tốt nhất ở Việt Nam, làm việc chung với nhiều thầy giáo giỏi và tâm huyết với kỹ thuật, thấy được con đường đi sâu vào kỹ thuật, nghiên cứu chế tạo các dây chuyền thiết bị là một con đường hữu ích, giúp cho mình đạt được nhiều khao khát cống hiến và thể hiện bản thân.

Sau khi tốt nghiệp, em cũng có một thời gian ngắn làm việc tại Hà Nội, để học hỏi thêm thực tiễn về ngành nghề của mình, học về cách phát triển và thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo. Thời gian tuy ngắn nhưng đã giúp bản thân trải nghiệm được nhiều môi trường làm việc chuyên nghiệp, học hỏi từ nhiều anh, chị đi trước, có được nhiều ý tưởng ấp ủ cho mình, và định hướng dài hạn cho sự nghiệp. Quãng thời gian tại Hà Nội đã tạo hành trang vững vàng cho em đi theo con đường khoa học, kỹ thuật sau này. Từ những kinh nghiệm này, em đã quyết định về quê lập nghiệp. Về quê thì mình sẽ giúp ích được nhiều điều cho quê hương hơn, và những sáng tạo mà mình ấp ủ cũng sẽ có nhiều cơ hội để ứng dụng, vận hành và cải tiến.

P.V: Một trong những dấu ấn của Hồ Xuân Vinh chính là nghiên cứu ở lĩnh vực cơ khí, công nghiệp và anh cũng đã giành giải Nhất, giải Ba, Cuộc thi Sáng tạo KHCN cấp tỉnh. Anh cũng đã từng chủ nhiệm dự án do Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới tài trợ, được đánh giá là đổi mới có tác động lớn, tích cực đến công tác chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Việt Nam. Vinh hãy chia sẻ thêm về dự án này?

Hồ Xuân Vinh: Tất cả các sáng chế của bản thân em đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường. Khi em nghiên cứu về các dòng máy gạch thủy lực, trên thị trường chưa có những sản phẩm tương tự, nhưng nhu cầu thị trường thì rất lớn. Từ thực tế này, người sáng tạo phải thiết kế, chọn lựa các giải pháp của mình để đáp ứng được yêu cầu đó, và giá thành phải thật tốt, để giá cả không trở thành rào cản cho khách hàng đầu tư.

Riêng dự án của Ngân hàng Thế giới và Bộ Khoa học và Công nghệ về ứng phó biến đổi khí hậu chỉ diễn ra trong 1 năm nhưng mất đến 4 năm để chuẩn bị. Dự án chú trọng đến các giải pháp sáng tạo ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu nghiêm trọng tại Việt Nam, đó là sự ô nhiễm môi trường, là mất đất sét của những cánh đồng màu mỡ, bờ xôi ruộng mật, là sự tiêu thụ than đá, sản sinh ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các giải pháp sáng tạo trong dự án đã góp phần giảm thiểu được các tác hại của quá trình biến đổi khí hậu gây ra, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Khi dự án hoàn thành, em cũng thở phào nhẹ nhõm vì mình và nhóm đã hoàn thành và vượt được mọi chỉ tiêu của dự án, được đánh giá rất cao. Đây là một dấu ấn khó quên đối với bản thân em, mình đã làm được một phần những khát vọng cống hiến, đã được ghi nhận và chứng tỏ được năng lực bản thân. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ là một bước đầu mà thôi. Các giải pháp sáng tạo của dự án vẫn được em duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo.

P.V: Hiện nay anh đang là Ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên huyện Quỳnh Lưu – vùng đất có truyền thống hiếu học và được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng về nguồn lực lao động. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là số thanh niên về quê lập nghiệp không nhiều. Theo anh là vì sao?.

Hồ Xuân Vinh: Bản thân em khi mong muốn về quê lập nghiệp, ngoài làm giàu cho bản thân, thì cũng muốn tạo việc làm cho thanh niên địa phương, để thanh niên “ly nông chứ không ly hương”. Em nghĩ rằng, khi có nhiều nhà máy, xí nghiệp tại quê hương thì sẽ có nhiều thanh niên về quê lập nghiệp hơn.

Tuy nhiên, kết quả thực tế chưa như kỳ vọng, theo em cũng có nhiều nguyên nhân. Một là, rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp tại các thành phố lớn có sức hút nhân sự tốt hơn các công ty tại địa phương. Các công ty ở các thành phố lớn có nhiều cơ hội thăng tiến, chế độ đãi ngộ tốt hơn, sức cạnh tranh mạnh hơn, nên sẽ thu hút nhiều lao động giỏi về. Rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở gần các thành phố lớn sẽ thuận lợi giao thông, thu hút nhân sự. Điều này làm giảm lượng thanh niên về quê lập nghiệp. Hai là, điều kiện ở quê còn khó khăn cho việc lập nghiệp. Nếu làm nông thì phụ thuộc vào thời tiết và phải có mảnh đất lớn mới làm quy mô được. Làm công nghiệp thì rất khó cạnh tranh với hàng từ các thành phố lớn tràn về; làm về công nghệ thì số ít mới có khả năng để làm. Và thường thanh niên cũng chưa có vốn liếng nhiều, khó mà sản xuất quy mô công nghiệp được. Mặt khác, nhu cầu tại địa phương cũng không cao, mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ nhau cũng không nhiều. Đó là một thực trạng rất khó để giải quyết. Dù vậy, ở quê cũng có những thuận lợi mà thành phố không có như sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn, vì số lượng ít thì sẽ được quan tâm nhiều hơn, ít cạnh tranh hơn…

Là ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên huyện, em cảm thấy trách nhiệm và vinh dự lớn trong việc phát triển kinh tế địa phương. Ngoài việc duy trì và phát triển doanh nghiệp của mình ra để tạo một thương hiệu mạnh cho địa phương, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương, đem lại nguồn thu nhập cho chính quyền và bản thân; thì việc hỗ trợ, đồng hành với các bạn thanh niên trong huyện nhà trong quá trình lập nghiệp là rất quan trọng. Không chỉ vấn đề tài chính, mà kinh nghiệm, kết nối, giới thiệu, cùng nghiên cứu các giải pháp cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một nhiệm vụ ưu tiên của em. Sáng tạo, cải tiến, chế tạo các máy móc thiết bị để chế biến sâu nông sản tại địa phương là giúp ích cho các bạn trẻ lập nghiệp, tăng cơ hội thành công cho từng mô hình kinh tế tại địa phương, giảm được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

P.V: Gần đây khái niệm Start-up được nói đến rất nhiều trong giới trẻ. Tuy nhiên, để khởi nghiệp cũng không dễ dàng vì còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác như vốn, cơ chế, chính sách… Cá nhân Vinh, dường như thời gian đầu khởi nghiệp cũng rất vất vả. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình?

Hồ Xuân Vinh: Theo em thì nhiều người rất sợ thất bại, vì không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của 2 từ “thất bại”. Cuộc đời một người khởi nghiệp chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Khi đó, thất bại hay thành công cũng chỉ là một kết quả của một chặng đường trên hành trình đó, và người khởi nghiệp sẽ không dừng lại ở đó, sẽ có những thất bại hay thành công kế tiếp. Nếu bản thân hiểu được thất bại cũng như thành công, thì mình sẽ luôn bình thản để đi qua nó.

Bản thân em khi chọn con đường sáng tạo khoa học, kỹ thuật, thì đó đã là một con đường chông gai. Vì để tạo nên các sáng chế, cần phải hiểu rất sâu về kỹ thuật, công nghệ, cần thời gian để học hỏi và nâng cao trình độ mới có thể làm được. Đó là chưa kể thời gian cho ra kết quả thường là lâu, tính bằng nhiều năm, và chưa chắc đã thành công trong việc thương mại hóa. Và khi sản phẩm ra thị trường, mình phải chấp nhận đó không còn là của riêng mình nữa, mà đã là tài sản trí tuệ của cả xã hội, vì ai cũng có thể sao chép được các sáng chế của mình.

Tuy nhiên, nhà sáng chế cũng có những lợi thế của riêng mình. Đó là người nắm được công nghệ sâu nhất, hiểu rõ sản phẩm nhất, tạo ra được thương hiệu đầu tiên. Và nếu chịu khó để lắng nghe thị trường, cải tiến liên tục thì sẽ luôn là người tiên phong công nghệ, dẫn dắt thị trường, từ đó tạo thành đại dương xanh cho riêng mình.

P.V: Nhìn rộng ra, thanh niên có rất nhiều lợi thế. Nhưng ngược lại, không phải ai khởi nghiệp cũng thành công. Vậy theo anh, để khởi nghiệp thì các bạn thanh niên cần phải chuẩn bị những tâm thế gì và có kiến nghị, đề xuất nào với các cơ quan chức năng?

Hồ Xuân Vinh: Khởi nghiệp là một hành trình dài gian nan, bền gan, bền chí, mà quả ngọt chỉ dành cho người đi hết được chặng đường. Khi mà xác định được con đường gian nan lâu dài như vậy thì người khởi nghiệp sẽ bình thản đón nhận và ứng xử mọi góc quay trên đường.

Niềm đam mê, khát vọng là điều đầu tiên mà mỗi người khởi nghiệp cần trang bị. Khát vọng không đến nhanh, đó là kết quả của nhiều nỗi niềm trăn trở, nhiều cảm xúc, nhiều phát hiện. Nó là ngọn lửa âm ỉ và đến một lúc sẽ bùng cháy lên. Khi có được khát vọng thì sẽ xác định được mong muốn, mục tiêu dài hạn của mình, từ đó vạch được con đường đi vững vàng, chính xác và không bị dao động mỗi lần khó khăn ập đến.

Người khởi nghiệp cũng nhìn bằng 3 con mắt: chim, kiến, cá. Nhìn bằng mắt chim để thấy được xu thế, thấy toàn cảnh của xã hội, phát hiện những luồng thị trường để bắt đúng mạch. Nhìn bằng mắt kiến để thấy được tỉ mỉ, chi tiết, những việc nhỏ nhưng là mấu chốt thành công. Nhìn bằng mắt cá dưới nước để thấy được ẩn sâu dưới mỗi việc là những bí quyết, những vấn đề tiềm tàng để từ đó có thể giải quyết được vấn đề.

Việc khởi nghiệp tại địa phương như đã nói, là rất khó khăn, nhất là tại các địa phương tỉnh lẻ. Vì vậy, nếu có sự khích lệ, đồng hành của chính quyền, của các doanh nhân đi trước thì là một điều tuyệt vời, một trợ lực lớn lao cho thanh niên khởi nghiệp.

P.V: Cảm ơn anh về cuộc trờ chuyện thú vị này!