Khép kín quy trình sản xuất sạch sản phẩm tương Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển sản phẩm tương Sa Nam phù hợp xu thế hiện đại; đưa sản phẩm đến hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch lớn để được người tiêu dùng trong nước biết đến và sử dụng rộng rãi là mục tiêu khi triển khai dự án tại Nam Đàn.

Chiều 27/11, tại Nam Đàn, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản Nghệ An đã phối hợp UBND huyện Nam Đàn đánh giá kết quả thực hiện mô hình chế biến tương truyền thống tại huyện Nam Đàn.

Huyện Nam Đàn hiện có 168 hộ sản xuất tương, trong đó sản xuất hàng hóa khoảng 52 hộ với 20 hộ có quy mô sản xuất 5.000 lít trở lên. Năm 2015, UBND huyện Nam Đàn đã ra quyết định thành lập HTX tương Sa Nam với sự tham gia của 7 hộ, tập trung chủ yếu ở khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn. 

Ông Võ Sỹ Hải- Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đàn khẳng định quyết tâm đưa sản phẩm tương thành hàng hóa được biết đến rộng rãi tại các địa phương trong cả nước. Ảnh: Phú Hương
Ông Võ Sỹ Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn khẳng định quyết tâm đưa sản phẩm tương thành hàng hóa được biết đến rộng rãi tại các địa phương trong cả nước. Ảnh: Phú Hương

Là mặt hàng được sản xuất truyền thống, tuy nhiên sản xuất tương ở Nam Đàn vẫn còn nhiều bất cập: Đa số cơ sở không có khu sản xuất tương riêng biệt, chủ yếu đang sản xuất tận dụng; vẫn sử dụng thiết bị chế biến thủ công; tương thành phẩm đa số được đóng vào chai nhựa, hầu hết sản phẩm không được dán nhãn; chỉ có 5 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn VSTP; tiêu thụ chủ yếu vẫn đang thông qua các đại lý nhỏ, qua người quen…

Người dân mong muốn được nhà nước hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm. Ảnh: Phú Hương
Người dân mong muốn được nhà nước hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm. Ảnh: Phú Hương

Qua triển khai thực hiện mô hình, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã xây dựng và tập huấn Quy trình chế biến tương đảm bảo ATTP; Thiết kế, cung cấp chai lọ, tem nhãn đảm bảo quy định; Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Kiểm tra cấp giấy Cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở đạt yêu cầu; triển khai mô hình VietGAP trồng đậu tương… 

“Đề nghị huyện Nam Đàn chỉ đạo nhân rộng, phối hợp tăng cường quảng bá sản phẩm tương Sa Nam; quy hoạch vùng trồng đậu tương theo tiêu chuẩn VietGAP để khép kín quy trình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. HTX tương Sa Nam và các hộ dân tham gia dự án tiếp tục thực hiện quy trình sản xuất tương đảm bảo ATTP, từng bước xây dựng phát triển sản phẩm tương Nam Đàn có thương hiệu mạnh trên thị trường” - đồng chí Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phát biểu tại buổi tổng kết./.

Tin mới