Khi các đội bóng ‘mạnh vì tài trợ, sợ vì... đụng hàng’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Từ năm 2000 đến nay, bóng đá xã hội hóa là bước đi nhằm xóa bao cấp (không dùng nguồn ngân sách Nhà nước) để tiến tới chuyên nghiệp, gắn chặt nhà đầu tư, nhà tài trợ với các hoạt động bóng đá. Quá trình này diễn ra với nhiều kết cục khác nhau, đem lại nhiều bài học khác nhau.

Ví dụ, đội bóng Đồng Tâm Long An với bầu Thắng đã nhanh chóng gặt hái thành công khi liên tiếp vô địch quốc gia các mùa 2005, 2006, đoạt cup quốc gia 2005, siêu cup bóng đá Việt Nam 2006… Hoàng Anh Gia Lai với bầu Đức vô địch quốc gia và siêu cup 2003, 2004. Đội Bình Dương với mô hình công ty cổ phần, không gắn với ông bầu nổi danh và tham vọng nào nhưng đoạt thành tích còn “khủng” hơn với 4 ngôi vô địch quốc gia 2007, 2008, 2014 và 2015, 3 cup quốc gia 1994, 2015 và 2018, 4 lần giành siêu cup 2007, 2008, 2014 và 2015.

Nhưng đáng nói là sau đó các đội bóng này đã tụt dần trong bảng thành tích ở V-League, thậm chí Long An còn bị xuống hạng và chưa biết bao giờ trở lại V-League1 như buổi đầu tỏa sáng. Riêng Hoàng Anh Gia Lai mới đây còn bị “đe” xuống chơi giải hạng 3 nếu bỏ giải vì vướng víu thương hiệu tài trợ, một trong những “nguồn sữa” quan trọng nuôi đội bóng. Bình Dương không đến mức phải chống xuống hạng nhưng cũng mờ khuất ở những vị trí giữa và cuối bảng xếp hạng lâu nay, dù liên tục sản sinh ra những tiền đạo số 1 như Anh Đức hay Tiến Linh.

Đội tuyển Việt Nam cũng tham dự nhiều giải đấu lớn. Ảnh: vietnamnet.vn

Đội tuyển Việt Nam cũng tham dự nhiều giải đấu lớn. Ảnh: vietnamnet.vn

Trong khi đó, những thương hiệu bóng đá nổi trội thời bao cấp như: Thể Công, Công an Hà Nội… sau quãng đầu gặp khó, bị xuống hạng, thậm chí giải tán, đã dần vực lại, lấy lại truyền thống cũ để trở lại với diện mạo mới, đầy hy vọng. Viettel tiếp nối truyền thống Thể Công đã đoạt ngôi vô địch quốc gia 2020. Công an Hà Nội mùa này bắt đầu trở lại và là thách thức số 1 đối với các đội bóng ở V-League mùa giải 2023 và những mùa sau.

Tất nhiên, câu chuyện của Sông Lam Nghệ An hay Đồng Tháp cũng cho kết quả và bài học khác nhau, chưa kể các biến động liên quan đến các đội bóng khác như: Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định... Sự thăng tiến hay tụt dốc của các đội bóng thực ra đều gắn liền với hoạt động trên thương trường và cách thức đầu tư cho bóng đá của các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Nước lên thì thuyền lên như cách nói trong dân gian cũng ứng vào hoạt động bóng đá chuyên nghiệp. Trong khi giá trị cầu thủ không ngừng được tăng lên, các điều khoản hợp đồng đi kèm cũng đua nhau tăng lên chóng mặt, nghĩa là theo mặt tích cực của chuyên nghiệp, thì mặt khác vô vàn rơi rớt của bóng đá nghiệp dư lại níu kéo, lại cản trở con đường đi lên chính đáng đó.

Chuyện một ông chủ - nhiều đội bóng ai cũng biết nhưng nói ra rồi để đó. Chuyện trọng tài "bẻ còi" đầy rẫy mùa này qua mùa khác, kỷ luật cũng cho có mà thôi. Chuyện đội bóng nọ được “vun” tới ngôi vô địch rồi mùa sau xuống hạng cũng chẳng khiến ai bận lòng. Chuyện đội bóng giàu xổi, đầu mùa mua sắm tưng bừng, cuối mùa khóc xin khẩn thiết cấp cứu cũng đâu là xa lạ, bất thường. Chuyện cổ động viên ruột "quay xe” phản ứng đội bóng quê hương cũng chỉ là chuyện nóng giận một lúc rồi mặc kệ, mặc lòng. Chuyện cầu thủ trẻ cuối năm cực chẳng đã lên tiếng “đòi quà” cho đến nay không thể biết nguyên cớ vì ai, vì đâu nên nỗi?

Tuyển Việt Nam trong một buổi tập. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Tuyển Việt Nam trong một buổi tập. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Nhưng đáng nói hơn là những mắc mớ ở ‘thượng tầng” từng diễn ra công khai trong các cuộc họp, những pha “ăn miếng, trả miếng” đâu đó giữa những người cùng mang danh tâm huyết, sống chết vì bóng đá hóa ra là những mâu thuẫn cá nhân vị kỷ, những biểu hiện thiếu chuyên nghiệp... Để rồi, mùa bóng sắp diễn ra lại phải kéo nhau lại thương thảo, lại hờn dỗi con trẻ, lại đặt mọi sự vào thế mất còn không thể hình dung nổi. Như ai đó đang nói vui “mạnh vì tài trợ, sợ vì... đụng hàng”, quả không sai?

Rất may mắn là trong dòng trong, dòng đục đó bóng đá Việt vẫn đi về phía trước với những cách làm độc đáo, sáng tạo và thành công. Bản đồ thành tích luôn thay đổi và có những cái tên mới, ngày một sáng láng hơn. Futsal 2 lần dự World Cup và đều vượt qua vòng loại là một minh chứng để biết cách đi, cách làm hiệu quả thực sự. Đội tuyển nữ vô vàn thua thiệt vẫn chứng minh họ không hề “yếu thế” trên con đường đi tới World Cup và xứng đáng được tôn trọng, tôn vinh, được hưởng thành quả của bóng đá chuyên nghiệp mang lại. Đội tuyển Việt Nam, các lứa U23, U20... đang đi những bước căn cơ để ngày một vững vàng hơn, tin cậy hơn. Những lò đào tạo trẻ đang cùng nhau ươm mầm để cho ra lò những tài năng mới, vừa đáp ứng thể hình, thể lực, kỹ chiến thuật hiện đại, toàn diện hơn, tránh được những khiếm khuyết kiểu như giỏi kỹ thuật, tấn công nhưng yếu kém trong phòng ngự, giao hữu hay mọi nhẽ nhưng vào giải chỉ hòa và thua...

Bóng đá xã hội hóa - câu chuyện không mới, không dễ thành công ngay lập tức đang dần in đậm những nét chủ đạo, đúng đắn trong bức tranh chung của bóng đá chuyên nghiệp nước ta và bóng đá vùng trũng. Thông tin trong khu vực chỉ 2 đội bóng Thái Lan và 1 đội bóng của Malaysia lọt top 500 đội bóng hàng đầu thế giới một lần nữa lại nhắc nhở về sự non yếu, chậm chân, kể cả với Hà Nội FC lừng lẫy so với các đội bóng của thiên hạ. Vui với nhiều bước đi của bóng đá nhưng là vui gượng, nếu chịu khó nhìn ra, nhìn lên, phải không nào?

Tin mới