Khi cây keo "bén rễ"

(Baonghean) - Có mặt ở Con Cuông 15 năm, nhưng mấy năm gần đây, cây keo mới thực sự “bén rễ” trên mảnh đất này. Thấy được nguồn lợi từ loài cây này, đồng bào nơi đây quyết định gắn bó và xem là một trong những cây trồng chính…
Nông dân xã Mậu Đức (Con Cuông) phát tỉa vườn keo.
Nông dân xã Mậu Đức (Con Cuông) phát tỉa vườn keo.
Nếu ai có dịp đi trên tuyến đường liên xã Mậu Đức - Bình Chuẩn (Con Cuông) sẽ được chứng kiến những rừng keo bạt ngàn, mang đến màu xanh tươi cho những ngọn đồi trước đây vốn cạn kiệt sức sống. Chúng tôi ghé thăm rừng keo của anh Vi Văn Ảnh, bản Na Đười (Mậu Đức). Vợ chồng anh đang phát tỉa rừng keo khoảng 1 năm tuổi, thấy khách đến hỏi chuyện, người chồng dừng tay vui vẻ trả lời: “Đây là lứa keo thứ 2 gia đình tôi trồng, lứa đầu tiên thu hoạch hơn 1 năm trước. Bây giờ, dù không được Nhà nước hỗ trợ tiền và giống cây nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định bỏ kinh phí đầu tư trồng. Lứa keo trước, dù chưa được chú ý đầu tư nhiều về thời gian, công sức và chi phí, gia đình cũng thu được 120 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với những người nông dân vùng sâu, vùng xa. Lứa keo lần này chắc chắn năng suất cao hơn, nguồn thu nhập cũng sẽ tăng vì được đầu tư nhiều hơn”. Rừng keo của vợ chồng anh Ảnh có diện tích khoảng 4 ha, hiện đang phát triển tốt do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và hứa hẹn mang lại khoản thu nhập khá trong vòng 4 - 5 năm tới. 
Cách rừng keo của vợ chồng Vi Văn Ảnh không xa là rừng keo rộng hơn 4ha của anh Lộc Vĩnh Tài. Đây cũng là lứa keo thứ 2 được anh Tài chăm sóc một cách cẩn thận, chu đáo, vì đây là cây trồng chính của gia đình. Lứa keo trước, sau hơn 5 năm, gia đình anh đã thu hoạch được hơn 100 triệu đồng, giúp sửa sang lại nhà cửa, mua sắm một số tiện nghi phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và nuôi các con ăn học. Số tiền còn lại vợ chồng anh Lộc Vĩnh Tài quyết định tái đầu tư phát triển cây keo. Hiện tại, lứa keo thứ 2 đã cao quá đầu người và phát triển xanh tốt.
Khai thác keo ở xã Mậu Đức (Con Cuông)
Khai thác keo ở xã Mậu Đức (Con Cuông)
Trao đổi với ông Ngân Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết thêm, ở Mậu Đức rất nhiều hộ có diện tích keo lớn như anh Ảnh và anh Tài. Có những hộ diện tích lớn hơn như anh Lang Văn Hai, Lang Thanh Đoái (bản Kẻ Sùng), một số hộ phát triển diện tích cây keo lên 8 - 10 ha. Hiện tại, Mậu Đức là một trong những xã có diện tích keo dẫn đầu toàn huyện. Cây keo đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân, giúp không ít hộ thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu. Điều quan trọng hơn là giúp người nông dân chuyển biến nhận thức về cơ cấu cây trồng và ý thức tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 
Nhiều người vẫn còn nhớ rất rõ cây keo về với Mậu Đức khoảng năm 2003. Hồi ấy, người dân chưa thực sự mặn mà với loại cây nguyên liệu này, chỉ trồng theo phong trào vì được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và công chăm sóc. Những năm sau đó, Mậu Đức tiếp tục nhận được một số dự án phát triển diện tích keo, người nông dân vẫn được hỗ trợ các khoản khi tham gia trồng keo. Năm 2008, lứa keo đầu tiên cho thu hoạch, dù ít quan tâm đầu tư chăm sóc một số hộ vẫn có được nguồn thu khá lớn. Từ đó, bà con dân tộc Thái ở Mậu Đức bắt đầu có cái nhìn khác về cây keo nguyên liệu. Diện tích trồng keo liên tục tăng nhanh, năm 2012 cả xã mới có 260 ha, đến năm 2015 con số này đã lên tới 2.700 ha và phấn đấu đến năm 2020 cây keo sẽ phủ kín toàn bộ diện tích đất trồng cây nguyên liệu. 
Từ Mậu Đức, chúng tôi tiếp tục ngược lên Châu Khê, cũng là một trong những xã có diện tích cây keo dẫn đầu huyện. Dừng chân ở bản Châu Sơn, nơi phần đông đồng bào Đan Lai sinh sống và được nghe bà con nơi đây nói khá nhiều về chuyện thoát nghèo, ăn nên làm ra nhờ cây keo. Trước tiên là chuyện của nhà ông La Văn Liệu, hơn 10 năm trước thuộc diện nghèo khó trong bản. Vợ chồng, con cái suốt ngày vào rừng chặt nứa, lấy củi hoặc lấy mật ong về bán kiếm tiền mua gạo. Gặp phải những ngày mưa, cả nhà đành phải ra chợ lấy chịu gạo hoặc vay mượn để có cái ăn qua ngày. Thế rồi, Nhà nước có chính sách hỗ trợ trồng rừng, phát triển diện tích cây keo, gia đình anh Liệu quyết định nhận đất rừng để trồng cây nguyên liệu.
Đến nay, anh đã thu hoạch lứa keo đầu tiên được mấy năm và cho thu nhập xấp xỷ 100 triệu đồng. Vay mượn thêm, anh làm được ngôi nhà mới khá khang trang, tiện nghi khá đầy đủ. Hiện tại, lứa keo thứ hai đã phát triển tốt, ít năm nữa sẽ cho thu hoạch và hứa hẹn năng suất sẽ cao hơn. Nếu bán được giá, gia đình anh Liệu lại có thêm hàng trăm triệu đồng. Bà con Đan Lai ở bản Châu Sơn còn kể về các hộ anh La Văn Thuyết, La Văn Thanh và Trần Văn Thắng... Họ có điểm chung là trước đây hoàn cảnh gia đình rất nghèo, nhờ phát triển, mở rộng diện tích trồng keo nay đã có của ăn, của để, làm được nhà cửa khang trang, mua sắm xe máy, tủ lạnh.
Vận chuyển keo nguyên liệu sau khi thu hoạch
Vận chuyển keo nguyên liệu sau khi thu hoạch
Ông Nguyễn Ngọc Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: “Cùng với cây mét, keo nguyên liệu được xem là cây trồng chính của bà con nông dân. Tuy giá cả có lúc xuống thấp, hiện tại mức giá vẫn chưa cao chúng tôi nhận định cây keo vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, vì phù hợp với điều kiện đất đai và địa hình đồi núi của địa phương”. Hiện tại, toàn xã Châu Khê có trên 600 ha keo, trong đó khoảng hơn 400 ha thuộc dự án thay thế nương rẫy ở 2 bản biên giới Khe Bu và Khe Nà. Như vậy, đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai ở 2 bản này cơ bản đã chuyển rẫy trồng lúa, trồng ngô sang trồng keo nguyên liệu, vừa có giá trị kinh tế, vừa đảm bảo giá trị môi trường. Đó là chưa kể, Châu Khê hiện có khoảng 400 ha đất rừng sắp sửa được trồng mới, trong đó cây keo nguyên liệu giữ vai trò chủ lực. Có thể khẳng định, cây keo đã có vị trí quan trọng trên đất rừng Châu Khê, được bà con nông dân lựa chọn làm cây trồng chính. 
Không chỉ Mậu Đức và Châu Khê, các xã khác như Chi Khê, Thạch Ngàn và Lục Dạ, diện tích cây keo vẫn chiếm ưu thế trong phát triển vườn rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông khẳng định: “Trước đây, cây keo chưa được bà con nông dân chú trọng, giờ đây nó đã khẳng định được vị thế. Trước mắt chưa có cây trồng nào đem lại hiệu quả kinh tế như cây keo, trong khoảng 5 - 7 năm nay nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ loại cây này. Hiện tại chúng tôi chưa thống kê đầy đủ, chính xác diện tích cây keo nhưng có thể khẳng định loại cây này chiếm phần lớn diện tích các loại cây trồng, làm thay đổi nhận thức của phần lớn bà con nông dân”. Ngoài giá trị kinh tế, mở rộng diện tích trồng keo còn tăng độ che phủ rừng, cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống cho con người và các loài sinh vật khác.
Cây keo nguyên liệu đang “bén rễ” trên đất Con Cuông. Điều quan trọng là cần một sự quy hoạch hợp lý, đảm bảo đầu ra ổn định để bà con yên tâm với việc phát triển trồng rừng.
Tường Anh - Hồ Phương

Tin mới