Khi cha mẹ ta già đi, và ta cũng đang già...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bà nội tôi năm nay 97 tuổi. Ba tôi, con trai duy nhất của bà cũng đã 72 tuổi và có rất nhiều bệnh nền. Mẹ tôi, con dâu bà, 70 tuổi. Các o của tôi, sống ở nhiều tỉnh xa và ở các huyện trong tỉnh, có người trên 75 tuổi, có người cũng xấp xỉ 70 tuổi. Đó mới là “bối cảnh chung”. Còn “bối cảnh riêng”, mỗi nhà một cảnh, mỗi người một cảnh.

Ông bà nội vốn sống ở quê. Miền quê nghèo bên bờ sông Lam, quanh năm, hầu như người dân nơi đây luôn mang nặng một nỗi lo - lo “lút” (lụt): “lút” nương vườn, “lút” nhà cửa, “lút” người... Ba mẹ đưa ông bà từ quê ra phố đã 30 năm, ở nhà cũ của gia đình tôi, căn hộ tập thể trước kia sau được Nhà nước hóa giá. Ông bà sống cùng nhau, chăm sóc nhau, con cháu chạy qua, chạy lại. 7 năm trước, ông mất, còn lại bà một mình. Bà ở tuổi cần được con cháu chăm sóc. Ba mẹ sức khỏe xuống dốc, cũng là đối tượng cần được chăm sóc, đỡ đần. Nhiều khi cùng một lúc, bà nội nằm viện, ba nằm viện, các o chạy đôn, chạy đáo, mẹ tôi liêu xiêu... Tình thế này không riêng gì gia đình tôi, mà ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay...

Con trai 72 tuổi chăm sóc mẹ 97 tuổi.

Con trai 72 tuổi chăm sóc mẹ 97 tuổi.

Theo thống kê, đánh giá chung, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tốc độ gia tăng tỷ trọng dân số 60 tuổi trở lên ngày một nhanh. Cụ thể, theo dự báo dân số gần nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi sẽ tăng lên 16,53% năm 2029; 20,67% năm 2039; 24,88% năm 2049; 27,01% năm 2059 và tới 27,11% năm 2069. Theo dự báo này, sau giai đoạn “già hóa”, dân số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn “già” vào khoảng cuối năm 2037 đầu năm 2038 (theo tài liệu “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam”). Như vậy, thời gian quá độ từ giai đoạn “già hóa” sang “già”, ở nước ta, khoảng 23 năm, là quá ngắn so với tốc độ của nhiều nước trên thế giới.

Già số dân số, từ cái nhìn vĩ mô, rõ ràng có nhiều tác động đến đời sống xã hội. Lực lượng lao động thiếu. Nhu cầu an sinh xã hội tăng, trong khi thực tế đáp ứng nhu cầu thì không đủ, việc chăm sóc người cao tuổi, hỗ trợ người cao tuổi ngày càng khó khăn, nhất là ở khu vực thành thị. Thậm chí đã có tình trạng ngược đãi người cao tuổi. Chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi không chỉ là truyền thống đạo lý lâu đời của người Việt Nam, mà còn được thể hiện nhất quán trong các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trong mỗi gia đình, cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống cũng cần phải đảm bảo sự cân bằng, vừa đáp ứng tốt cho người cao tuổi, vừa tạo điều kiện tối đa cho các thành viên còn lại học tập, lao động mưu sinh. Người cao tuổi ở nông thôn hay ở thành thị đều có những khó khăn riêng. Ở nông thôn, lớp người trẻ gần như đi làm ăn xa nhà, người cao tuổi không có nhiều chỗ dựa. Nhiều người già sống lay lắt, mưu sinh qua ngày.

Ở thành phố, không gian sống chật hẹp, giá cả đắt đỏ, nhiều chi phí phát sinh. Áp lực công việc cũng phần nào cản trở con cái quan tâm sâu sát đến ông bà, bố mẹ. Việc thuê người giúp để hỗ trợ người cao tuổi cũng không phải dễ dàng, vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, mỗi người cần có ý thức, trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ, phát huy vai trò của người cao tuổi. Sự đồng cảm, sẻ chia với người cao tuổi đầu tiên phải xuất phát từ tình yêu thương của các thành viên trong gia đình. Không ai muốn mình trở thành gánh nặng cho người thân, cho xã hội. Nỗ lực của mỗi người vươn lên trong đời sống hàng ngày là cơ sở để vượt qua những khó khăn, cả trước mắt lẫn lâu dài.

Một trong những mong muốn của nhiều người hiện nay là ngày càng có nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi, thích ứng với thực tế già hóa dân số. Bên cạnh các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, cần đẩy mạnh hình thức xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, viện dưỡng lão có chất lượng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong tương lai.

Tin mới