Khi Chanathip, Quang Hải... không dự AFF Cup 2022?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Giải vô địch Bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) theo thường lệ tổ chức 2 năm/lần với sự tham dự của các đội tuyển bóng đá nam trong khu vực và Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) xen kẽ cũng 2 năm/lần và nay được quy định môn bóng đá nam dành cho U23 + 2 hoặc +3 tùy theo đề xuất của đội chủ nhà.

Tuy vậy, theo tính toán riêng của từng liên đoàn bóng đá, người ta có thể mang đội tuyển quốc gia hay U23 tham dự như cách Indonesia mang nòng cốt U23 dự AFF Cup 2020 hay tới đây có thông tin Thái Lan cũng chỉ mang đội U23 đi bảo vệ Cup vàng giành lại được từ hồi 2020 (thực chất thi đấu 2021 do đại dịch Covid-19).

Với bóng đá Việt Nam, AFF Cup 2022 tới đây mang ý nghĩa riêng, vừa là để đạt mục tiêu lấy lại ngôi vua đã để mất vào tay kình địch Thái Lan, vừa chia tay “phù thủy” Park Hang-seo sau 5 năm thành công vang dội. Vì vậy, câu chuyện đưa đội tuyển Việt Nam đi thi đấu là điều chắc chắn, hoàn toàn không có việc U23 được tham dự như một cách để cọ xát, tính tới tương lai lâu dài cho World Cup 2026 hay World Cup 2030 như nhiều người nghĩ.

Quang Hải có thể bị Pau FC giữ chân, thay vì được trở về thi đấu AFF Cup 2022. Ảnh: Pau FC

Quang Hải có thể bị Pau FC giữ chân, thay vì được trở về thi đấu AFF Cup 2022. Ảnh: Pau FC

Cũng vì chỉ có “một cửa” duy nhất nên huấn luyện viên Park Hang-seo tất nhiên sẽ chọn một đội hình ưng ý nhất, chất lượng nhất theo quan điểm, nhìn nhận của chiến lược gia này nhằm đạt mục tiêu đề ra, làm món quà quý giá để tặng người hâm mộ Việt Nam. Đội hình này, dĩ nhiên phải và nên có ngôi sao Quang Hải, hiện đang thi đấu ở giải hạng 2 Pháp, đội Pau FC. Vấn đề đặt ra là AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên việc Quang Hải hay bất cứ ngôi sao khu vực nào đang thi đấu ở nước ngoài đều không thể về nước, mà phải có sự thỏa thuận giữa đôi bên. Khi đó, có thể các đội tuyển quốc gia khu vực được hưởng lợi, người hâm mộ được hưởng lợi nhưng với riêng cầu thủ ở câu lạc bộ mới thì sẽ bị ngắt quãng, thậm chí xáo trộn và tất nhiên, chuyến đi ra học hỏi, cọ xát chưa hẳn đã thu được nhiều kết quả như mong đợi.

Hiện tại, đang có thông tin Quang Hải sẽ không về dự AFF Cup và ông Park Hang-seo sẽ phải tính toán sử dụng Văn Quyết hay Văn Khang? Trong khi đó, kình địch Thái Lan gần như sẽ không có sự phục vụ của ngôi sao hàng đầu Chanathip, lại có thể vắng cả Supachok và Veerachat, những người hiện đang thi đấu tại J-League. Nghĩa là với các ứng viên hàng đầu Thái Lan hay Việt Nam, cả hai đội sẽ thiếu các nhân tố chủ lực, giàu tính đột biến và sáng tạo, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng mà các đội bóng này đặt ra.

Chanathip Songkrasin xác nhận không dự AFF Cup 2022. Nguồn Báo Người lao động

Chanathip Songkrasin xác nhận không dự AFF Cup 2022. Nguồn Báo Người lao động

Điều đó rất có thể dẫn đến chất lượng của AFF Cup bị giảm sút, sức thu hút theo đó thuyên giảm theo. Chưa kể việc một đội tuyển nào đó đem lứa U23 đến dự như một cách để học hỏi thì chất lượng càng đáng để bàn luận. Chúng ta đều biết, Indonesia từng mang lứa tiềm năng U23 đi dự AFF Cup như vừa nói ở trên. Họ có thể thi đấu tốt ở vài trận, thậm chí lọt tới chung kết nhưng đã không thể làm nên chuyện gì trước Thái Lan có Chanathip vô cùng xuất sắc. Rồi sau đó, chính lứa U23 này của Indonesia thi đấu SEA Games nhưng lại không thành công, càng cho thấy bóng đá khu vực thật khó để làm "vượt cấp” một chuyện gì, to hay nhỏ?

Khi Quang Hải, Chanathip… không dự AFF Cup, lại chính là lúc hàng loạt ngôi sao nhập tịch của Philippines, Malaysia… mặc sức vùng vẫy ở vùng trũng. Bóng đá nữ Việt Nam từng gặp khó với hàng loạt ngôi sao bóng đá người Mỹ gốc Philippines thì tới đây rất có thể các đồng nghiệp nam cũng sẽ mướt mồ hôi khi đối đầu với các cầu thủ nhập tịch tương tự. Sẽ rất khó cho không chỉ đội tuyển Việt Nam mà thậm chí cả Thái Lan, cả Indonesia nếu các đội bóng này chỉ thuần nội binh. Trong khi các đội bóng trong khu vực và cả thế giới coi việc nhập tịch là bình thường thì bóng đá Việt vẫn rất rón rén gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển, hoặc gọi lên nhưng không được thi đấu như Adriano Schmidt (tên Việt là Duy). Về việc này, rõ ràng, bóng đá là môn được đầu tư lớn, được quan tâm lớn nhưng vẫn đi sau so với bóng rổ chẳng hạn? Và vì thế giấc mơ World Cup bao giờ trở thành hiện thực là câu hỏi không dễ trả lời dù điều kiện ngày một thuận lợi hơn, cơ hội mở ra ngày càng nhiều hơn.

Chắc chắn không chỉ một Quang Hải mà cần nhiều cầu thủ giỏi nữa sẵn sàng ra nước ngoài học hỏi để nâng tầm cá nhân và góp cho tập thể, để sẽ được góp mặt trong các giải đấu chính thức của FIFA, mà không quan tâm đến các giải ngoài hệ thống, như AFF Cup mà chúng ta đang đặt trọn niềm tin như hiện nay.

Tin mới