Khi dân ca là nghiệp, là duyên

Những ngày đầu gian khó

Với Định, giấc mơ trở thành một kép diễn dân ca có từ thủơ anh theo cha đóng đáy ở mom sông Mai Giang, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai). Thủơ ấy, cứ mỗi lần nghe hát Văn ở cửa Đền Cờn, lòng Định lại nao nao về một thân phận một hồi ức nào đó trong những câu chuyện của mẹ. Người dân miệt biển quê anh nắng gió hai mùa, những tưởng chỉ có khô cằn nắng gió biển, nhưng mỗi đêm trăng, Định lại thấy lòng mình chùng xuống, dịu dàng đến lạ với những câu chầu Văn, với những câu kiều mẹ lẩy. Dân ca Xứ Nghệ ngấm vào máu thịt của anh từ đó. “Có lẽ em thừa hưởng gen trội từ ông ngoại, vốn là người xướng lễ trong các ngày lễ hội đền Cờn, ông có giọng hát hay, và thấm đẫm dân ca từ trong máu thịt”, Định nói. Và ước mơ được đứng sân khấu để tận hiến với dân ca trong Định cũng từ những thủơ thiếu thời nơi miệt biển nắng gió, nổi nênh.

Lớn lên, Định nhất quyết không theo định hướng của gia đình theo con đường một kế toán doanh nghiệp dù em suýt soát đỗ vào Đại học Kinh tế Quốc dân. “Nếu năm sau ôn tiếp chắc có cửa, nhưng em rẽ hướng để theo con đường mà em đam mê”. Rồi Định thi vào khoa Diễn viên của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Theo học ngành này, Định may mắn được đào tạo cả thanh nhạc, nên song song với diễn xuất, anh còn đứng sân khấu với các lớp diễn nhân vật kép phụ rất nhuần nhuyễn.

Thế mà nhiều lần, Định đã muốn từ bỏ nghiệp diễn viên vì sợ không nuôi nổi nghề. Nhưng cũng chính vì quá đam mê nên anh tìm mọi cách xoay xở để sống được với nghề mình đã chọn. Vào đoàn, Định đã được thử nhiều vai trò, từ diễn viên quần chúng cho đến nhạc công. Dù không có được nhiều đất diễn nhưng với Định ngần đó cũng khiến anh vui mừng và tự hào, bởi anh tự thấy giọng hát của mình chưa thể gọi là xuất sắc như lớp các anh chị. Trong cái khó lại ló cái khôn, tự lúc nào Định trở thành nhạc công chuyên nghiệp của đoàn, người góp công lớn trong các vở diễn lớn nhỏ.

Để có được chỗ đứng như ngày hôm nay Định đã vô cùng vất vả. Vào đoàn với mức lương tập sự chỉ 150 rồi đến 300, 350 ngàn đồng, cũng có lúc anh nản vô cùng vì “lương không đủ tiền ăn sáng, chứ đừng nói tiền xăng”. Thế nhưng, không hiểu sao dù lúc đó vẫn có những cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp khác nhưng anh không đành bỏ dân ca, niềm đam mê theo suốt quãng đời thơ ấu của anh. Để rồi việc gì anh cũng làm, từ MC đám cưới kiêm ca sỹ, đến nhạc công đàn tranh, đàn nguyệt, sáo nhị.  “Nhạc cụ nào mình cũng cần nắm được nguyên lý của nó vì thế nếu chơi được 1 loại như đàn tranh hay đàn nguyệt thì sẽ nhanh chóng chơi được những nhạc cụ khác”, Định chia sẻ. Cứ như thế chân nhạc công được đóng đinh với anh ngay từ những ngày đầu gian khó ấy.

Đến vai diễn đạt HCB và nghiệp sáng tác

Nếu như không có một buổi chiều định mệnh thì chắc chắn Định chỉ mãi đứng chân sau ánh đèn sân khấu và khát khao trở thành diễn viên vẫn chỉ là giấc mơ đẹp suốt cuộc đời theo dân ca của anh. Đó là khi đạo diễn Lê Hùng trong lần tìm diễn viên cho vai diễn nhí trong vở “Điều còn lại” không tìm ra gương mặt nào đủ trẻ mà có thể diễn được trên sân khấu, Định nhanh chóng được Ban giám đốc Đoàn giới thiệu. “Vào vai cũng chỉ để “chữa cháy” mà thôi, nhưng khi được thử các lớp diễn đầu tiên thì tôi được đạo diễn NSND Lê Hùng tin tưởng”, Nguyễn Văn Định chia sẻ. Vai diễn này có thể gọi là “nặng ký” với những ai chưa từng đảm nhiệm một kép phụ nào lại càng nặng ký với những người từ lâu chỉ là diễn viên quần chúng như Định. Bởi đó là vai một đứa trẻ tầm lớp 6, 7, 8 ngay từ khi lọt lòng đã không được bên nội thừa nhận, hàng xóm nghi kỵ, phải sống trong khổ đau và mong muốn tìm được cha đẻ của mình. Câu chuyện về đề tài hậu chiến, có cả tiếng cười khi được đón người thân trở về, có cả những giọt nước mắt đau xót của thực tại với những điều oái ăm chỉ có trong chiến tranh. “Điều còn lại” mang đến một thông điệp về tình yêu, tình người, nghĩa phu thê, phụ tử, mà đứa bé là nút thắt của câu chuyện. “Khi nhận kịch bản, thú thực em cũng hơi hoang mang, cứ sợ nó quá sức với mình, nhưng có lẽ do ngấm dân ca, ngấm vai từ thủơ nào nên lên sân khấu là em diễn ngọt luôn”, Định kể. “Ban đầu em không có các lớp đối thoại bằng dân ca, và em thấy tiếc lắm nên đã đề nghị với tác giả chuyển thể kịch bản viết cho em một bài trong trường đoạn độc diễn. Cũng chính vì đoạn hát này mà em thể hiện được chất dân ca của một diễn viên sân khấu dân ca kịch”.

Vai diễn này sau đó được nhận HCB Hội diễn toàn quốc sân khấu tuồng, dân ca kịch tại Thanh Hóa năm 2019. “Nó là nấc thang trong nghiệp diễn cũng là một kỷ niệm đáng nhớ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời theo đoàn dân ca của em”, Định tâm sự.

Cũng chính vì ngấm dân ca, ngấm nhạc cụ dân tộc mà Định luôn đau đáu phải làm gì đó để phát huy và bảo tồn loại hình di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Vì thế, anh thường nghiên cứu các bài thơ đậm chất Nghệ để chuyển thể thành những bài hát mới trên nền các giai điệu cổ. “Có khi em chỉ tình cờ nghe một bài thơ ngâm trên làn sóng phát thanh hoặc trong một cuộc hội ngộ nào đó là em đã chuyển thể dân ca được ngay trong đầu”. Điển hình như bài “Lời hẹn ước tháng Tư” mà anh viết chung với Hữu Tình, Hữu Trung (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật). Trong bài hát này anh sử dụng nhiều đoạn ví và các câu giặm xen kẽ khiến bài hát có cái mới nhưng vẫn đậm dân ca xứ Nghệ, nghe là thấy thân thương. “Bài hát này rất được yêu thích. Có nhiều hội diễn quần chúng thấy các bạn trẻ trình diễn ca khúc do mình viết nhạc, thấy vui lắm”, Định chia sẻ.

Và nhân dịp đoàn truyền thống của Trung tâm vào tham gia hội diễn “Đưa dân ca ví dặm vào TP Hồ Chí Minh” của cựu học sinh Trường Phan Bội Châu, Định đã có cơ hội trình diễn ca khúc chuyển thể của mình mà anh yêu thích nhất. Bài hát “Em gửi lại anh và câu ví dặm” được người nghe đón nhận nồng nhiệt và có thể xem là bài thơ phổ nhạc hay nhất của Định. Định nói: “Bài này rất được người yêu dân ca Nghệ Tĩnh yêu thích không chỉ bởi giai điệu nhuyễn với ca từ mà trong đó còn hàm chứa hồn thơ, hồn người tinh tế của một thi sĩ. Thế nên chỉ nghe ca từ em đã thấy nó rất hợp với các làn dặm kể, rất đi vào lòng người”.

Sau sự thành công này, Định đã chuyển thể rất nhiều bài thơ hay và được trình diễn nhiều nơi. “Bản chất của dân ca chính là đời sống mà trong đời sống thì có vui buồn, hờn giận, hạnh phúc, khổ đau; hỉ nộ ái ố đủ cả. Vì thế, với em, để chuyên chở thành công dân ca, bản thân người chuyển thể phải nắm được cốt lõi của những hơi thở cuộc sống đang vận chuyển trong ta. Để bất cứ ai khi ngấm giai điệu, ca từ cũng thấy mình trong đó”, Định chia sẻ.