Khí đốt và vị thế của nước Nga

(Baonghean.vn) - Chiều 30/4/2018, Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom cho biết đã hoàn tất việc xây dựng đường ống dẫn khí thứ nhất từ Nga - “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong thời gian vừa qua các phần việc đã được triển khai hết sức tích cực, với tốc độ xây dựng luôn ở mức cao. Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được xây dựng đi qua Biển Đen gồm 2 nhánh với 15,75 tỷ m3 mỗi nhánh, tổng chiều dài đường ống dẫn khí 1.161 km.

Một cảnh thi công trên công trường
Một cảnh thi công trên công trường "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

Nhánh thứ nhất cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhánh thứ 2 cung cấp khí đốt cho các nước Nam và Đông-Nam Châu Âu. Theo kế hoạch việc xây dựng các tuyến này sẽ kết thúc vào tháng 12/2019. Gazprom đang xem xét các phương án để “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” qua Bungari và Serbia hoặc qua Hy lạp và Italia. Gazprom khẳng định rằng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, không nghi ngờ gì nữa - sẽ đóng vai trò hết sức to lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho nước này và Châu Âu.

Còn nhớ, sau khi mối quan hệ giữa Ucraina (mà đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho Châu Âu đi qua nước này) với Nga xấu đi thì Tổng thống Ucraina- Poroshenko luôn ép Nga trong việc vận hành của đường ống. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới kinh tế Nga mà còn đe dọa an ninh năng lượng của nhiều nước Châu Âu, nhất là vào mùa đông.

Châu Âu cần khí đốt từ Nga - đó là điều thấy rõ. Nhưng bên cạnh đó về chính trị, một số nước Châu Âu lại hay cùng với Mỹ,Anh gây sức ép cho Chính phủ của Tổng thống Putin. Và họ đã sử dụng con bài cấm vận kinh tế đối với Nga nhằm làm suy yếu nền kinh tế để khuất phục nước này.

Dĩ nhiên Nga không khờ dại để không áp dụng các biện pháp chống lại cấm vận. Và đó chính là khí đốt - loại năng lượng mà Châu Âu đang rất cần nhưng lại lệ thuộc vào Nga. Rõ ràng khí đốt không chỉ đem lại ngoại tệ cho Nga mà còn là vũ khí để Nga mặc cả với Châu Âu về chính trị. Với việc khơi thông tuyến đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” Nga đạt được ít nhất 4 mục tiêu: không bị động bởi chính sách thù địch của Tổng thống Ucraina, tiếp tục thu tiền từ khí đốt, có vũ khí để chống trả cấm vận kinh tế và giữ thế chính trị của mình.

Tin mới