Khi lời trấn an là vô ích

(Baonghean) - Đáp lại việc Mỹ chính thức cho kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa đặt ở Rumania và Ba Lan - các nước láng giềng rất gần với Nga, vừa qua, trong một tuyên bố mới, Tổng thống Nga Putin cho biết: Ba Lan và Romania đã nằm trong tầm ngắm tên lửa của Nga”.

Tổng thống Nga Putin cảnh báo Ba Lan và Romania “sẽ” nằm trong tầm ngắm tên lửa của Nga. Ảnh: Dailymail.
Tổng thống Nga Putin cảnh báo Ba Lan và Romania “sẽ” nằm trong tầm ngắm tên lửa của Nga. Ảnh: Dailymail.

Tuyên bố đáp trả được xem là cứng rắn nhất từ trước đến nay của Nga trước những lời “trấn an” của Mỹ đang không chỉ khiến Rumania, Ba Lan lo ngại mà còn khiến thế giới trở nên bất an với những động thái tăng cường quân sự giữa các bên.

Dù không phải bước đi đầu tiên trong việc phản đối hành động của Mỹ, nhưng có thể thấy đây là cảnh báo “khắc nghiệt nhất” từ trước đến nay của Tổng thống Nga Putin về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Trong chuyến công du Hy Lạp mới đây, người đứng đầu điện Kremlin đã lên án hết mạnh mẽ 2 quốc gia Ba Lan và Rumania - nơi đặt các hợp phần của lá chắn tên lửa Mỹ xây dựng ở châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Athens hôm 27/5 với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, ông Putin đã thẳng thắn cho biết: “Nếu hôm qua ở Rumania người ta không biết thế nào là ở giữa tầm bắn, thì từ hôm nay chúng tôi buộc phải tiến hành các biện pháp nhất định để đảm bảo an ninh của chúng tôi. Trường hợp Ba Lan cũng tương tự”. 

Ông Putin cũng không quên “bác bỏ” những lý lẽ được phía Mỹ đưa ra khi tiến hành lắp đặt những hệ thống ở các quốc gia này khi cho rằng, những lập luận nói dự án cần thiết để bảo vệ trước Iran là vô lý, bởi Iran đã đạt được với các cường quốc thỏa thuận về chương trình hạt nhân của họ. Tên lửa trong lưới phòng thủ này có thể dễ dàng vươn tới các thành phố của Nga. Mặc dù không cho biết cụ thể về những biện pháp Nga sẽ đưa ra, song ông khẳng định Nga không phải là người đi bước đầu tiên, mà chỉ đáp lại những hành động của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, chính thái độ phớt lờ của Mỹ và đồng minh trước những cảnh báo “rất nhiều lần” từ phía Nga là một trong những lý do khiến nước này đưa ra những lời nói “đầy sức nặng” đến như vậy. 

“Sức nặng” của những lời nói của ông Putin còn được đo bằng cả phản ứng của Ba Lan. Tuyên bố “lạnh lùng” từ phía Nga đã khiến quốc gia châu Âu này “toát mồ hôi”. Ngoại trưởng nước này ngay lập tức đã giải thích rằng, “hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan chẳng có liên quan gì đến an ninh của Nga. Hệ thống này là để bảo vệ Châu Âu trước một cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ Trung Đông”.

Ngoại trưởng Ba Lan cũng nhấn mạnh: “Sự hiện diện quân sự của Mỹ và các lực lượng NATO ở Ba Lan là một sự đáp trả đối với hành vi gây hấn của giới chức Nga - những hành vi đang đe dọa chúng tôi. Đây sẽ là sự hiện diện mang bản chất phòng thủ chứ không gây ra mối đe dọa với Nga”.

Không chỉ phía Ba Lan, hãng tin AP dẫn lời trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, phụ trách, cấp phép và triển khai vũ khí tại Bucharest, Romania khẳng định, nước này gặp những thách thức rất lớn trong việc đương đầu với Nga. Nga có một hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến từ lâu và được vận hành rất tốt, trên thực tế Romania không đủ khả năng để đương đầu với mối đe dọa này.

Thế nhưng, giải thích là một chuyện, còn việc Nga “có yên lòng hay không” lại là chuyện khác. Và đương nhiên Nga không dễ dàng tin vào những cái mà người ta đem ra đảm bảo kia. Do đó, dù có khẳng định “chắc nịch” như vậy thì dường như phía Nga vẫn thấy không hợp lý. Mong muốn “đảm bảo an ninh” cho nước mình là nguyện vọng chính đáng của Nga. Nga cũng có cơ sở để tiếp tục triển khai những việc phải làm để bảo vệ đất nước.

Sơ đồ hoạt động của hệ thống lá chắn tên lửa. Ảnh: BBC.
Sơ đồ hoạt động của hệ thống lá chắn tên lửa. Ảnh: BBC.

Thứ nhất, Nga thừa hiểu lý lẽ “lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu là nhằm để đối phó với mối đe dọa tên lửa cụ thể từ Iran” là bất hợp lý vì Mỹ và Iran hiện nay đang đạt được những bước tiến lớn trên con đường giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hoà Hồi giáo này. Chính vì vậy, dễ dàng thấy rằng, mối đe doạ từ Iran hiện giờ không phải là cấp bách để Mỹ bắt tay vào triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa.

Thứ 2, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu dù đang được đặt ở trạng thái phòng thủ nhưng nó có thể được “cài đặt” lại để sử dụng cho mục đích tấn công. Đó là chưa kể đến việc hệ thống được triển khai vào đúng thời điểm quan hệ giữa nước này với Nga đang hết sức căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điều này có thể hiểu rằng Washington rõ ràng đang nhằm vào Moskva.

Không chỉ đưa ra những tuyên bố “cứng rắn”, ngay sau khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, Nga cũng đã sớm cảnh báo thực thi nhiều biện pháp để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu.

Trong một bước đi đầu tiên nhằm đối phó với lá chắn tên lửa của Mỹ trong khu vực, Nga tuyên bố sẽ cho kích hoạt lại một trạm radar cảnh báo sớm ở bán đảo Crimea nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đánh chặn tiềm tàng của Mỹ và NATO vào khu vực. Chưa hết, Nga cũng đã bổ sung 3 sư đoàn tại khu vực phía Tây và phía Nam đất nước mình.

Dù các bên đều có những lý lẽ biện minh của riêng mình, song có thể dễ dàng thấy rằng, với những động thái tăng cường lực lượng quân sự cũng như hiện đại hóa quân sự của cả Nga và NATO, nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới, thậm chí là một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa các quốc gia là điều có thể xảy ra.

                                                                                                            Thanh Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới