Khí nhạc của người Mông - Bài cuối: Âm nhạc gắn với vòng đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Không chỉ những lúc nông nhàn, những ngày rảnh rỗi mới diễn ra các sinh hoạt văn hoá dân gian mà khí nhạc người Mông có mặt trong đời sống thường ngày, từ trên nương rẫy đến bản làng, từ trong các ngày lễ của từng gia đình đến ngày lễ của cả dòng họ, đến ngày lễ hội đón Tết, đón Xuân của cả cộng đồng; không chỉ lứa tuổi thanh niên - lứa tuổi biết dùng âm nhạc để thổ lộ tâm tình mà ngay cả trẻ thơ, cả ông già, bà lão đều có nhu cầu.

>> Bài 1: Những nhạc cụ từ đại ngàn

>> Bài 2: Truyền thuyết thú vị

Trong lễ đặt tên cho bé 3 ngày tuổi

Với người Mông, một đứa trẻ ra đời không chỉ là niềm vui của cha mẹ mà còn là của cả cộng đồng, dòng họ. Nhưng theo tập quán, sau khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ chưa được đặt tên, chưa phải là thành viên của gia đình, của cộng đồng dòng họ mà phải chờ đợi xem "đứa trẻ có ở với bố mẹ nó không". Đến ngày thứ 3, tuỳ theo hoàn cảnh mà từng gia đình tổ chức lễ đặt tên cho trẻ to hay nhỏ, nhưng dù nhỏ tới đâu cũng phải giết gà và con lợn nhỏ. Lễ được bắt đầu từ lúc mặt trời chưa mọc. Thầy cúng tay cầm Chia nênh hoặc Đrủa nênh đọc các bài cúng lúc lên bổng lúc xuống trầm, lúc to lúc nhỏ, tiếng Đrủa nênh giữ nhịp cũng lúc nhỏ lúc to, hoặc tiếng Chia nênh lắc qua lắc lại nhịp nhàng.

Thầy cúng làm lễ cúng họ của dòng họ Và ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Đào Thọ

Thầy cúng làm lễ cúng họ của dòng họ Và ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Đào Thọ

Khí nhạc trong lúc ốm đau

Người Mông ở Nghệ An quan niệm: Một con người có ba hồn, hồn thứ nhất ở đỉnh đầu, hồn thứ hai ở vùng ngực, hồn thứ ba ở vùng rốn (khác với người Mông ở các tỉnh phía Bắc: Ba hồn ở đỉnh đầu và hai tay). Khi một trong ba hồn bỏ đi là con người đau ốm phải làm lễ Ua Nênh, Huplì.

Làm lễ Huplì thì người nhà có thể tự làm, còn Ua nênh thường phải nhờ đến thầy mo. Quan trọng ở những lễ này là thủ tục, trình tự tiến hành và các bài bản khi hành lễ, với cây Chia nênh hoặc Đrủa nênh điểm nhịp cho bài khấn cúng. Người cúng lúc đứng tại chỗ, lúc đi lại xung quanh nơi lễ, miệng hù các bài có nội dung huyền bí; hoặc với đôi chư nênh lồng vào hai ngón tay, ông mo ngồi trên ghế, đầu đội khăn đỏ che kín mặt; ông đọc, hô, có lúc như hét lên hoà trong tiếng rung reng của chư nênh gây cảm giác linh thiêng huyền bí, có lúc lại như dọa nạt để đuổi các loại ma ác đưa hồn về cho người ốm.

Nhạc vui trong đám cưới

Để tiến tới ngày cưới, đôi bạn trẻ phải qua thời kỳ tìm hiểu yêu đương. Trong những dịp lễ hội của dân tộc, của dòng họ, trong ngày Tết, ngày Xuân, trong đám cưới của bạn bè và cả trong đám tang, các chàng trai, cô gái đã thầm chú ý đến nhau, thế là những ngày tháng tiếp theo các chàng trai bắt đầu trổ hết các khả năng tài nghệ của mình.

Nam thanh niên người Mông ở xã Nhôn Mai (Tương Dương) múa khèn. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Nam thanh niên người Mông ở xã Nhôn Mai (Tương Dương) múa khèn. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Ban ngày lúc đi lấy củi hay chăm sóc hoa màu trên nương rẫy, các chàng trai, cô gái thăm hỏi, trêu đùa, chòng ghẹo nhau qua tiếng lá rừng. Nhờ tiếng lá, họ hiểu nhau hơn, thế rồi ngày qua tháng lại, cứ chiều chiều trong huyền ảo của khói, của sương, tiếng khèn, tiếng sáo ngang của các chàng trai vang lên như thăm dò nhắn gửi tới bạn tình lời hẹn hò gặp gỡ; đêm đến sẽ không còn tiếng khèn rộn rã náo nức, sẽ không còn tiếng sáo ngang lảnh lót, đằm thắm của các chàng trai mà thay vào đó là tiếng sáo dọc với hơi thổi nhẹ nhàng, tiếng sáo trầm, ấm, sâu lắng như gợi lại hình ảnh đằm thắm yêu thương.

Tiếng sáo như ru các bậc cao niên vào giấc ngủ sâu sau một ngày lao động mệt nhọc, nhưng tiếng sáo ấy cũng là điệp khúc nhắc lại lời hẹn và giục bạn tình chuẩn bị đón nhau...

Ngày nay, việc chế tác khèn bè cũng gặp nhiều khó khăn vì rất ít người còn có thể làm ra được chiếc khèn đạt chuẩn âm thanh. Ảnh tư liệu

Ngày nay, việc chế tác khèn bè cũng gặp nhiều khó khăn vì rất ít người còn có thể làm ra được chiếc khèn đạt chuẩn âm thanh. Ảnh tư liệu

Vắng tiếng sáo ngang, đêm càng sâu thêm, núi rừng mênh mông hơn, bản làng yên tĩnh hơn, để cho tiếng đàn môi của những người yêu đương thỏ thẻ hoặc rộn rã theo nhịp đập của con tim. Khi tình yêu đã chín muồi là tiến tới lễ cưới.

Khi các chàng trai dẫn cô gái về thì làm lễ lử su để nhập họ (nhập ma) cho cô gái. Trong lễ ùa sồng (lễ cưới), ông bố đứng trong nhà trước cửa chính, mắt nhìn ra, tay cầm Đrủa nênh vừa gõ nhịp vừa hù các bài trong dà xông. Trong những ngày đám cưới tại nhà gái và nhà trai, tiếng cứ xia của bạn bè cô dâu chú rể vang lên thâu đêm suốt sáng. Thông qua các bài ca, người ta khuyên nhủ, dặn dò cô dâu phải làm tròn bổn phận đối với gia đình nhà chồng. Cũng từ trong các đám cưới này qua những đêm cứ xia si xảnh (hát trêu ghẹo, thách đố), cứ xia đa đềnh (hát thổ lộ tâm tình) để tiến tới các lễ của các chàng trai, cô gái khác…

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng, bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) biểu diễn khèn Mông. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng, bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) biểu diễn khèn Mông. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Tiếng hát, tiếng khí nhạc trong các đám cưới vang lên suốt ngày đêm cũng không thể thiếu trong các nghi lễ của dòng họ, của bản làng và trong các ngày Tết, ngày Xuân của dân tộc, đặc biệt là trong đám tang thì từ lúc người chết tắt thở đến lúc hạ huyệt lấp đất. Từ lễ tang ma tươi đến lễ tang ma khô đến lễ bua chơ, nhu đa, khí nhạc luôn có mặt trong các nghi thức làm cho lễ tang và các lễ khác thêm trang trọng linh thiêng.

Tin mới