Khí tài chủ lực giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu

Sự linh hoạt và sức chở lớn biến phi đội vận tải cơ chiến lược thành nòng cốt trong hoạt động triển khai quân ở phạm vi lớn của Nga.
 Máy bay Il-76 đổ quân trong cuộc tập trận Zapad-2017. Video: Bộ Quốc phòng Nga.

Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự năm 2018 do Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố, Nga đang sở hữu 177 vận tải cơ hạng nặng và hạng trung, đứng thứ hai thế giới và chỉ xếp sau Mỹ. Hiệu quả từ phi đội vận tải cơ Nga trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria cho thấy lực lượng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong tham vọng toàn cầu của Moskva, theo War Is Boring.

Động lực chính để quân đội Nga, vốn tập trung nhiều vào tác chiến trên bộ, biên chế phi đội vận tải cơ lớn là sự tồn tại của Lực lượng đổ bộ đường không (VDV). Đây là binh chủng đặc biệt, chuyên triển khai binh sĩ và khí tài chiến đấu bằng đường không.

Mô hình tác chiến của VDV tương tự với Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC). Cả hai đều đóng vai trò là lực lượng viễn chinh, có khả năng triển khai chớp nhoáng tới những vùng xa xôi, nhằm đánh chiếm và củng cố trận địa trong lúc chờ các đơn vị bộ binh chủ lực tới hỗ trợ. Điểm khác biệt là USMC cơ động bằng tàu hải quân Mỹ, trong khi VDV dựa vào phi đội vận tải cơ hạng nặng.

Phương tiện di chuyển chủ lực của VDV là vận tải cơ chiến lược Ilyushin Il-76, được thiết kế cho nhiệm vụ chuyển hàng hóa quy mô lớn hoặc thả quân bằng dù. Il-76 đi vào biên chế từ năm 1974 với tổng số 960 chiếc được chế tạo. Il-76 có khả năng cất hạ cánh trên nhiều loại địa hình khác nhau, kể cả đường băng đất nện và sông băng tại địa cực.

Khí tài chủ lực giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu  ảnh 1

Máy bay Il-76 diễn tập đổ quân năm 2016. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Để thực hiện nhiệm vụ đổ quân chớp nhoáng, VDV thường triển khai các đơn vị bộ binh cơ giới hạng nhẹ từ vận tải cơ Il-76. Mỗi máy bay có thể chở theo ba xe chiến đấu bộ binh BMD, đủ để trang bị cho một trung đội lính dù. Nga đang biên chế phiên bản Il-76MD-90A với khung thân được gia cố và động cơ mạnh mẽ hơn, giúp tăng trọng tải để có thể mang những xe thiết giáp BMD-4 hiện đại.

Các vận tải cơ này đều được trang bị hệ thống phòng thủ uy lực, gồm thiết bị cảnh báo chiếu xạ radar (RWR), bộ gây nhiễu, hệ thống phóng mồi bẫy và hai pháo cỡ nòng 23 mm dẫn bắn bằng radar ở phía đuôi để đối phó tiêm kích đối phương, cũng như bắn yểm trợ lính dù sau khi đổ quân.

Hệ thống đảo chiều lực đẩy động cơ giúp Il-76MD-90A hạ cánh trên đường băng chỉ dài 450 m, cho phép nó vận hành ở những khu vực xa xôi, không có cơ sở hạ tầng hỗ trợ các máy bay cùng loại.

VDV cũng thực hiện các nhiệm vụ truyền thống như chi viện và phục vụ chiến dịch chống nổi dậy. Ở vai trò này, binh sĩ và một số trang bị được nhanh chóng được triển khai bằng vận tải cơ, trong khi xe tăng và xe chiến đấu bộ binh (IFV) hạng nặng được vận chuyển bằng tàu hỏa.

Khí tài chủ lực giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu  ảnh 2

Vận tải cơ An-124 tham gia lễ Duyệt binh Chiến thắng năm 2011. Ảnh: Gennady Misko

Nga đang sở hữu phi đội An-124, vận tải cơ lớn nhất thế giới hiện nay, với khả năng chở cả xe tăng chiến đấu chủ lực và tiêm kích. Tuy nhiên, không quân Nga hầu như chỉ dùng An-124 để vận chuyển hàng tiếp tế và khí tài phòng không tới những căn cứ ở xa lãnh thổ nước này.

Sự linh hoạt và khả năng vận chuyển lớn khiến phi đội vận tải cơ trở thành khí tài chủ lực giúp Nga triển khai quân tới các địa điểm xa xôi trong thời gian ngắn, một trong những yêu cầu trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Moskva trong tương lai, chuyên gia Beckhusen nhấn mạnh.

Ngược lại, năng lực đổ bộ đường không của Mỹ bị giới hạn ở bộ binh và xe chiến đấu hạng nhẹ. Quân đội Mỹ không có mẫu xe tăng thả dù nào kể từ khi loại biên dòng M551A1 Sheridan từ giữa thập niên 1990. Những năm gần đây, Lầu Năm Góc bắt đầu quan tâm đến việc hồi sinh lực lượng thiết giáp đổ bộ đường không, nhưng nỗ lực này chưa đem lại kết quả rõ ràng.

Tin mới