Khiếu kiện, tranh chấp đất đai ngày càng phức tạp

(Baonghean) - Tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai hiện đang ngày càng tăng; và điều đáng nói nữa là những mâu thuẫn, xung đột thường ngày giữa quyền và nghĩa vụ sử dụng đất nảy sinh không kém phần gay gắt. 

Vì đất mất tình

Đã có nhiều câu chuyện buồn xảy ra liên quan đến tranh chấp đất đai khiến tình cảm anh em, hàng xóm, láng giềng bị rạn nứt, thậm chí có người mất mạng, người rơi vào vòng lao lý. Vào ngày 10/8/2017, do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, ông Phan Văn Việt trú xóm Đồng Hạ, xã Tân Hợp (Tân Kỳ) và ông Phan Đình Bình cùng con trai là Phan Đình Quảng, trú cùng xóm đã xảy ra ẩu đả khiến ông Việt chết tại chỗ, ông Bình bị thương nặng. 

Mới đây, ngày 22/9, cho rằng người hàng xóm là ông Nguyễn Duy Hữu (thôn 5, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương), xây nhà sang phần đất của mình, ông Trần Đình Bắc (51 tuổi), đã thuê máy xúc đến phá nát một phần của căn nhà này.

Theo ông Phạm Xuân Lực - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, nguyên nhân là do tranh chấp đất đai. “Hai nhà này liền kề nhau, tranh chấp khoảng 40 cm đất mặt đường với chiều sâu khoảng 20m. Việc tranh chấp đã kéo dài từ nhiều năm nay. Thời gian gần đây, anh Hữu từ nước ngoài về đã xây nhà lấn sang phần đất tranh chấp này nên dẫn đến vụ việc”.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều câu chuyện mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra trong thời gian gần đây. Một số vụ người dân cho rằng chính quyền địa phương giải quyết chưa hợp tình, hợp lý nên xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài.

Hầu hết các trường hợp vi phạm về lấn chiếm lòng kênh Vách Bắc đều đã mua đất từ UBND xã Đô Thành (Yên Thành).
Hầu hết các trường hợp vi phạm về lấn chiếm lòng kênh Vách Bắc đều đã mua đất từ UBND xã Đô Thành (Yên Thành).

Vì sao đơn thư tập trung ở lĩnh vực đất đai?

Theo số liệu từ thanh tra tỉnh, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2017 là 6.030 đơn, gồm: khiếu nại 513 đơn, tố cáo 393 đơn; kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai 5.124 đơn (tăng 3,1%). 

Từ tháng 1/2015 đến hết tháng 6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 772 đơn (riêng 6 tháng đầu năm 2017 là 159 đơn) chủ yếu là khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. Trong đó, đơn vị đã tham mưu giải quyết quyền lợi cho 57 công dân được xem xét bồi thường về giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. 

Cán bộ thanh tra tỉnh phân loại tổng hợp đơn thư liên quan đến đất đai.
Cán bộ thanh tra tỉnh phân loại tổng hợp đơn thư liên quan đến đất đai.

Nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo là do trong thời gian gần đây, trước hết là khi chính quyền các cấp tiến hành thu hồi nhiều đất của dân để giao cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị, thương mại, dịch vụ... nhưng vấn đề chính sách liên quan đến lợi ích của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, giá đất chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi; cơ chế đền bù, hỗ trợ chưa nhất quán nên khó thực hiện.

Hiện nay, chính sách bồi thường vẫn thực hiện theo 2 cơ chế: Nhà nước thu hồi đất và thỏa thuận bồi thường nên có chênh lệch với giá trị bồi thường tại các khu vực tương đương, dẫn tới sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế, gây tâm lý so sánh cho người khiếu kiện.

Mặt khác công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, thể hiện: Thứ nhất, việc thu hồi, định giá, kiểm đếm, kiểm kê tài sản trên đất, xác định diện tích, loại đất, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có lúc, có nơi làm chưa tốt, dẫn đến công dân không chấp nhận, phát sinh khiếu nại đòi quyền lợi. 

Ông Trần Đình Bắc (thôn 5, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) dùng máy xúc múc luôn móng nhà hàng xóm. 	Ảnh: T.H
Ông Trần Đình Bắc (thôn 5, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) dùng máy xúc múc luôn móng nhà hàng xóm. Ảnh: T.H

Thứ hai, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn xảy ra sai sót, không theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Nhiều dự án thu hồi đất của dân rồi để hoang hóa; khả năng sử dụng đất ít nhưng thu hồi với diện tích lớn gây lãng phí đất đai khiến công dân bức xúc đòi lại đất.

Thứ ba, nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hòa giải ngay từ cơ sở, coi trọng các biện pháp hành chính (mệnh lệnh, cưỡng chế), nóng vội, chủ quan, áp đặt, quan tâm nhiều đến mục tiêu phát triển KT-XH, thiếu quan tâm đến đời sống dân sinh dẫn tới người dân bức xúc khiếu kiện đông người.

Thứ tư, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai của chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa cao. Nhiều vụ việc do lịch sử để lại nhưng chính quyền qua các thời kỳ không giải quyết dứt điểm, gây bất bình trong nhân dân như tình trạng hàng trăm hộ dân tự ý chuyển nhượng, san lấp mặt bằng, xây dựng nhà kiên cố trên kênh Vách Bắc xảy ra ở xã Đô Thành (Yên Thành); hay tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp kéo dài hơn chục năm ở Quỳnh Lưu, tập trung ở các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Đôi...Thế nhưng, chính quyền các cấp chưa có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để xử lý các hộ vi phạm, lập lại kỷ cương, khiến người dân mất niềm tin. 

Siết chặt công tác quản lý

Dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bồi thường, GPMB tại các địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, đòi lại đất cũ của một số tổ chức có xu hướng gia tăng, tính chất nhạy cảm bởi có sự can thiệp của các thế lực phản động, lợi dụng dân chủ kích động lôi kéo khiếu kiện đông người.

Ngôi nhà mới xây (trái) của ông Nguyễn Duy  Hữu ( thôn 5 xã Thanh Mỹ, Thanh Chương)  lấn sang phần đất tranh chấp. Ảnh: Tiến Hùng
Ngôi nhà mới xây (trái) của ông Nguyễn Duy Hữu ( thôn 5 xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) lấn sang phần đất tranh chấp. Ảnh: Tiến Hùng

Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân (nhất là khu vực xã, phường, thị trấn). Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê, nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến đất đai của cán bộ, công chức.

Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN

Tin mới