Khó giải quyết bài toán dôi dư, thiếu hụt giáo viên ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tại phiên thảo luận tổ 7 trong khuôn khổ kỳ họp HĐND tỉnh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo phản hồi ý kiến các đại biểu, thừa nhận vấn đề dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở, nhưng thiếu giáo viên cấp mầm non và tiểu học hiện là bài toán nan giải.
Chiều 10/12, đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu tiến hành phiên thảo luận. Tham dự có bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Ông Nguyễn Như Khôi - Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An điều hành phiên. Ảnh: Thu Giang
Chiều 10/12, đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử các huyện: Diễn Châu và Quỳnh Lưu tiến hành phiên thảo luận. Tham dự có bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Ông Nguyễn Như Khôi - Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Thu Giang

Cần chấn chỉnh lối vận động tài trợ giáo dục “cào bằng”

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh thuộc tổ 7 phản ánh, trong quá trình tiếp xúc cử tri ở các địa phương, ghi nhận thực tế ở một số nơi vẫn tồn tại lối vận động tài trợ giáo dục kiểu cũ, “cào bằng” và bắt giáo viên tại các cuộc họp phụ huynh yêu cầu cha mẹ học sinh đóng góp.

Các đại biểu nêu quan điểm ủng hộ xã hội hóa giáo dục nhưng để loại bỏ áp lực của giáo viên trước các cuộc họp phụ huynh, hay lo lắng không đủ “chỉ tiêu” nhà trường giao vận động, ý kiến đại biểu cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các nhà hảo tâm, thì cũng cần đề cao trách nhiệm của phụ huynh, để tránh thực trạng giáo viên phải làm những thứ đáng lẽ không phải việc của họ.

Cùng với đó, đại biểu Tô Văn Thu (đơn vị bầu cử Quỳnh Lưu) cũng phản ánh việc Sở Nội vụ chậm giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục, dẫn đến thực tế thường sử dụng chỉ tiêu của năm học trước cho năm học sau nêu không đúng và sát thực.

Các ý kiến mong muốn ngành chủ quản có tính toán để giao kịp thời hơn, góp phần giải quyết câu chuyện thừa - thiếu giáo viên, cân đối giữa các ngành học.

Giờ học của học sinh mầm non huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu minh họa: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh mầm non huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu minh họa: Mỹ Hà

Tiếp thu các nội dung này, ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy định mới, đối tượng vận động tài trợ giáo dục không phải chỉ riêng phụ huynh mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp..., nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận việc một số nơi vẫn thực hiện vận động tài trợ theo cách cũ, định ra cơ sở vật chất và kêu gọi tài trợ, một số nơi thực hiện theo kiểu “cào bằng”, đề ra định mức tối thiểu, giáo viên về kêu gọi phụ huynh đóng góp. “Sở đã chỉ đạo Thanh tra sở vào cuộc, thanh tra đồng loạt để kịp thời có chấn chỉnh trong thời gian tới”, ông Sơn khẳng định.

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, đại diện ngành Giáo dục cho biết, đây là thực trạng chung cho các cấp học, đặc biệt là ở cấp tiểu học và mầm non. Chiếu theo Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, ở Nghệ An mới chỉ bố trí bình quân được 1,78 giáo viên so với con số theo quy định là tối đa 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày và 2,5 giáo viên/nhóm trẻ đối với nhóm trẻ.

“Dôi dư giáo viên ở cấp trung học cơ sở, trong khi cấp mầm non và tiểu học lại thiếu, nhưng không thể nào biệt phái giáo viên trung học cơ sở xuống mầm non được. Đây là bài toán đang rất khó giải quyết, nhất là trong giai đoạn tinh giản biên chế hiện nay”, ông Sơn cho hay, nói thêm rằng Sở Giáo dục và Đào tạo đang tích cực tham mưu, và trước mắt có thể đề xuất chuyển một số trường mầm non có mức xã hội hóa cao sang tự đảm bảo chi thường xuyên, dành ngân sách cho những nơi khó khăn hơn.

Báo cáo kinh tế - xã hội cần làm rõ hơn một số nội dung

Đa số các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tổ bày tỏ thái độ phấn khởi trước những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh. Song một số đại biểu, đơn cử ông Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, báo cáo của UBND tỉnh cần nêu rõ hơn phần hạn chế, khuyết điểm.

“Cần viết lại rõ hơn, ngành nào, lĩnh vực nào đang vướng, chứ không phải nêu chung chung là "đã vào cuộc quyết liệt nhưng kết quả chưa cao”, đại biểu Phương nêu quan điểm, nhấn mạnh rằng nội dung này sẽ gắn với việc đánh giá, kiểm điểm ở các ngành, các địa phương nên càng cụ thể càng tốt.

Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ 7. Ảnh: Thu Giang
Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ 7. Ảnh: Thu Giang

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan, để từ nội dung này các đơn vị, địa phương tự nắm rõ mình cần phải làm gì. Đặc biệt, 2019 được chọn là Năm Cải cách hành chính, nhưng còn có đại biểu chưa thỏa mãn với nội dung liên quan trong báo cáo tổng thể kinh tế - xã hội, cần đánh giá kỹ hơn, nhấn mạnh đến chuyển động rõ hơn.

Ngoài ra, các ý kiến tại phiên thảo luận tổ cũng bàn nhiều đến vấn đề bổ sung biên chế cho Sở Du lịch để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; làm rõ chế độ, chính sách dành cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; hoàn trả lưới điện nông thôn, cấp điện cho các xã chưa có điện; đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đốt pháo nổ...

Tổng hợp, có 12 lượt ý kiến từ các đại biểu và giải trình các ngành liên quan làm rõ vấn đề cử tri quan tâm được tiếp thu đầy đủ và trình phiên làm việc ngày mai (11/12) của HĐND tỉnh.

Tin mới