Khó khăn khi bỏ cộng điểm học nghề cho học sinh thi vào lớp 10

(Baonghean.vn) - Vấn đề này được nêu tại cuộc làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo sáng 9/5, theo chương trình giám sát công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng.
Bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, bà Trương Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An cho biết, một trong những chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là mở các lớp dạy công nghệ, kỹ thuật, dạy nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, trong đó có dạy nghề cho học sinh THCS.

Thời gian qua, nhờ có chủ trương cộng điểm cho học sinh THCS học nghề khi thi vào lớp 10, nên số học sinh THCS học nghề tăng; tuy nhiên bắt đầu từ năm học 2018-2019 tới sẽ bỏ cộng điểm, chắc chắn sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trung tâm.

Bà Hương khẳng định, dạy nghề cho học sinh THCS nhằm hướng nghiệp, tư vấn học nghề cho học sinh, từ đó phân luồng học sinh. Đây là hoạt động có vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm lãng phí trong công tác đào tạo, đồng thời khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.

Bởi vậy, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An đề nghị UBND tỉnh và Sở GD&ĐT quan tâm phát triển giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp chuyên sâu cho học sinh phổ thông; từ đó sắp xếp lại tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ để hoạt động hiệu quả.

Bà
Bà Trương Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An cho rằng, tỉnh cần quan tâm phát triển giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp chuyên sâu cho học sinh phổ thông. Ảnh: Minh Chi

Qua tìm hiểu, đoàn công tác đánh giá Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An đã quan tâm sắp xếp tổ chức bên trong của đơn vị, như Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An đã giảm từ 8 xuống còn 6 phòng, tổ chuyên môn, nghiệp vụ; Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh hiện có 5 phòng, tổ chuyên môn.

Việc quản lý và sử dụng biên chế ở các đơn vị đảm bảo theo đúng quy định, với 41 biên chế thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và 31 biên chế tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An. Chính vì vậy, nhân lực tại 2 trung tâm đều mang tính đa năng, 1 người thực hiện nhiều nhiệm vụ hoặc vượt định mức tiết dạy.

Tại cuộc làm việc, thành viên đoàn giám sát quan tâm nhiều vấn đề, trong đó làm rõ chức năng, nhiệm vụ và việc tuyển dụng đã gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị hay chưa; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; tình hình tự chủ ở đơn vị sự nghiệp; sự chủ động sắp xếp và sẵn sàng sáp nhập các đơn vị chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh khẳng định tổ chức bộ máy của đơn vị đã được sắp xếp tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Ảnh: Minh Chi
Ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh khẳng định tổ chức bộ máy của đơn vị đã được sắp xếp tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Ảnh: Minh Chi

Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Nguyễn Thị Anh Hoa đặt ra một số vấn đề mang tính gợi mở cho các đơn vị: Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An đang hưởng 100% nguồn từ ngân sách cần nghiên cứu để thực hiện tự chủ, còn Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cần tăng tỷ lệ tự chủ, từ đó giảm nguồn chi, giảm người hưởng lương từ ngân sách.

Gắn với đó, theo bà Hoa, các đơn vị cũng cần nghiên cứu mở rộng lĩnh vực, đối tượng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chuyên môn, hoạt động hiệu quả hơn.

Kết luận cuộc làm việc, bên cạnh ghi nhận sự nghiêm túc trong sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng biên chế, hợp đồng của các đơn vị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền khẳng định, yêu cầu sắp xếp, sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là chủ trương chung để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, các đơn vị cần chủ động và quan tâm làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, người lao động.

Bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Song song với đó, các đơn vị cần chủ động nghiên cứu, tính toán, xây dựng đề án riêng để tiếp tục sắp xếp, giảm ít nhất 1 phòng, tổ chuyên môn theo chủ trương của tỉnh.

Đồng thời, các đơn vị cần sàng lọc lại đội ngũ, chọn ra những người có năng lực, tâm huyết để sắp xếp, bố trí phù hợp và xác định những đối tượng không đáp ứng để tinh giản dần, đảm bảo giảm 10% biên chế ở mỗi đơn vị.

Tin mới