Khó khăn trong giải tỏa vi phạm hành lang ATGT ở địa bàn miền núi

(Baonghean.vn) - Nội dung này được nêu ra tại cuộc làm việc của Ban Pháp chế HĐND tỉnh với UBND huyện Quế Phong sáng 2/11 theo chương trình khảo sát một số Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực giao thông – vận tải.
Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu

Triển khai Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh quy định về một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, huyện Quế Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Theo đó, qua rà soát các tuyến Quốc lộ 48, Quốc lộ 16, Quốc lộ 48D và Tỉnh lộ 544B có tổng 637 trường hợp vi phạm hành lang ATGT và đến nay, sau gần 2 năm triển khai đã giải tỏa được 452 trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, hiện tại có 185 trường hợp chưa giải tỏa được. Thông qua trao đổi, ý kiến của UBND huyện và chính quyền một số cơ sở, cho thấy nổi lên là do việc mở rộng, nâng cấp đường nhưng không mở rộng hành lang ATGT, trong khi đó một số trường hợp chưa đồng thuận để giải tỏa.

Theo ông Sầm Bá Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện, vẫn đang còn 185 trường hợp vi phạm chưa giải tỏa. Ảnh: Minh Chi
Theo ông Sầm Bá Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng UBND huyện, huyện Quế Phong vẫn còn 185 trường hợp vi phạm chưa giải tỏa. Ảnh: Minh Chi

Mặt khác, do đặc thù địa bàn miền núi, việc giải tỏa nhiều trường hợp nằm trong hành lang ATGT là nhà ở, cộng trình kinh doanh kiên cố gặp khó khăn do  không có mặt bằng khác thay thế

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đang chững lại và chưa có biện pháp hiệu quả để chống tái lấn chiếm. Mặc dù ở cấp huyện, cấp xã đều thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, nhưng việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo chưa thường xuyên, quyết liệt.

Một số cán bộ, đảng viên vi phạm, hoặc có người thân vi phạm hành lang ATGT nhưng chưa gương mẫu chấp hành giải tỏa; việc xử lý các vi phạm về biển quảng cáo, các vật dụng phục vụ kinh doanh, xây dựng trái phép..., chưa hiệu quả.

Đoàn khảo sát tại khu vực ngã 3 Phú Phương, nơi thường có hoạt động chợ và dừng, đỗ các phương tiện giao thôn, gây ách tắc và nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Minh Chi
Đoàn khảo sát tại khu vực ngã 3 Phú Phương, nơi thường có hoạt động buôn bán và dừng, đỗ các phương tiện giao thông gây ách tắc. Ảnh: Minh Chi

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 114/2013/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng bến xe khách và bãi đỗ xe vận tải đường bộ, hiện nay trên địa bàn huyện có bến xe thị trấn Kim Sơn nhưng chưa phát huy hiệu quả, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư xây dựng các trạm, bến dừng, đỗ.

Phân loại vi phạm để xử lý

Trên cơ sở khảo sát thực tế, đồng thời nghe ý kiến từ huyện và cơ sở, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị huyện Quế Phong tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, từ đó xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị và cá nhân.

Để giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang ATGT hiện nay, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị huyện quá trình rà soát, thống kê và phân loại vi phạm cần làm rõ và chi tiết để xác định phạm vi và trường hợp nào phải tập trung giải tỏa; đồng thời huy động các lực lượng và sử dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết.

Ở thị trấn Kim Sơn, vẫn còn trường hợp công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông chưa giải tỏa. Ảnh: Minh Chi
Ở thị trấn Kim Sơn, vẫn còn trường hợp công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông chưa giải tỏa. Ảnh: Minh Chi

Gắn với đó, huyện cần triển khai các biện pháp chống tái lấn chiếm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND. Huyện cũng cần kiên quyết xử lý việc dừng đỗ để đón, trả khách của các phương tiện trên lòng, lề đường, góp phần đảm bảo ATGT, đồng thời phát huy hiệu quả bến xe Kim Sơn.

Tin mới