Khó khăn trong kêu gọi người lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài về quê

(Baonghean.vn) - Nội dung này được đưa ra tại cuộc làm việc của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh với UBND huyện Nam Đàn vào chiều 2/10 theo kế hoạch giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện một số chính sách XKLĐ trên địa bàn tỉnh.
 
Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo UBND huyện Nam Đàn, qua khảo sát, nhu cầu học nghề trên địa bàn lớn, mỗi năm có khoảng 700 đến gần 1.000 người. Gắn với khảo sát, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các đối tượng, kể cả học sinh THCS; cũng như mở các lớp nghề, chủ yếu đào tạo trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng.

Tuy nhiên, số lao động học nghề có trình độ cao, hệ cao đẳng, đại học còn hạn chế; từ thực tiễn đó, huyện Nam Đàn đề xuất tỉnh cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ học nghề có trình độ cao cho con em thuộc diện kinh tế khó khăn để giải quyết việc làm bền vững.

Về công tác xuất khẩu lao động, điều được đoàn giám sát ghi nhận là huyện đã có nhiều biện pháp quản lý nhà nước và lựa chọn các đơn vị tuyển dụng, đưa người đi lao động ở nước ngoài có truyền thống, uy tín.

Do vậy, mặc số lượng người ở Nam Đàn đi XKLĐ lớn, hiện có khoảng hơn 7.000, chiếm 10 - 12% tổng lao động toàn huyện (riêng 8 tháng đầu năm 2018 gần 1.000 lao động) và chưa có lao động nào bị lừa đảo trong XKLĐ.

Bí
Bí thư Huyện ủy Bùi Đình Long thông tin huyện có chính sách hỗ trợ thông qua các mô hình kinh tế mới nhằm giải quyết việc làm bền vững. Ảnh: Minh Chi 

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp kêu gọi người lao động cư trú bất hợp pháp về nước; việc thực hiện các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo…

Giải trình về giải pháp đưa người lao động bất hợp pháp về nước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Sơn thừa nhận, mặc dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền, phân công cán bộ cơ sở trực tiếp đến từng hộ để vận động kêu gọi người thân về, nhưng không hiệu quả và cũng không thể áp dung biện pháp hành chính đối với vấn đề này.

Phó
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Sơn thừa nhận khó áp dụng biện pháp hành chính đối với việc kêu gọi người lao động cư trú bất hợp pháp về nước. Ảnh: Minh Chi.

Liên quan đến chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn Bùi Đình Long, cho rằng, hiện tại các chính sách trong lĩnh vực này đã tác động đến các đối tượng. Cho nên, chính sách của huyện không hỗ trợ trực tiếp cho người học mà thông qua hỗ trợ theo mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất như sản xuất rau nhà lưới, phát triển kinh tế trang trại…

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan đề nghị huyện Nam Đàn tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của huyện.

Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị huyện tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, gắn với xác định rõ các ngành nghề trọng điểm, trong đó chú trọng các ngành nghề phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương để đào tạo, đảm bảo các lao động đều có việc làm bền vững sau đào tạo.

p
Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Về vấn đề XKLĐ, bà Nguyễn Thị Lan cho rằng, bên cạnh chú trọng khâu kiểm tra hồ sơ pháp lý của đơn vị tuyển dụng người đi lao động ở nước ngoài, công khai đến người dân, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra trong XKLĐ… huyện cần chú ý kiểm soát hoạt động tư vấn du học từ các doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi và cơ hội học tập của người học.

Tin mới