Khó khăn về vốn trong duy tu, bảo dưỡng giao thông

(Baonghean) - Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông do tỉnh quản lý không ngừng được mở rộng, tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc đi lại cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy vậy, vốn quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa mới chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu, ảnh hưởng lớn đến giao thông phát triển kinh tế vùng miền.

Nỗ lực xã hội hóa 

Do không nằm trong cực phát triển kinh tế, và là vùng trũng nên Yên Thành được đánh giá là huyện có hệ thống đường giao thông nông thôn thiếu đồng bộ, nhiều tuyến xuống cấp. 

Trước thực trạng trên, thời gian qua, địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa để duy tu, nâng cấp giao thông nông thôn nên trong năm 2016; đã bê tông hóa mặt đường với chiều dài trên 80km, bù phụ mặt đường với hơn 5 vạn m3 thải lèn, hơn 15 vạn m3 sỏi đồi...

Bên cạnh đó, huyện đã cân đối nguồn vốn và huy động các nguồn vốn của cấp trên, nguồn đóng góp để đầu tư xây dựng hệ thống đường huyện, như: Duy tu đường thị trấn - Đức Thành, đoạn Hậu Thành; duy tu đường Bảo Thành - Đại Sơn, đoạn Bảo Thành; đường đi trụ sở UBND xã Tiến Thành; đường bệnh viện huyện - Hợp Thành...; tổng giá trị thực hiện gần 150 tỷ đồng (trong đó ngân sách xã hơn 15 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 50 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác). UBND huyện đã giao các xã, thị trấn tiếp tục vận động nhân dân để huy động đóng góp làm đường GTNT, trong đó có huy động cả đóng góp của cán bộ, công nhân viên cư trú tại địa phương.

Duy tu bảo dưỡng Quốc lộ 48.
Duy tu bảo dưỡng Quốc lộ 48.

Huyện Anh Sơn cũng làm tốt công tác duy tu đường nông thôn từ tập trung huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, tăng cường quản lý và giám sát đầu tư..., tạo dấu ấn rõ nét về kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn nói chung. Từ Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn về tăng cường công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn đã thực sự tạo chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân. Năm 2016, toàn huyện Anh Sơn đã duy tu bảo dưỡng được 500 km; người dân tiến hành nạo vét hàng chục ngàn km mương, rãnh thoát nước và khơi thông 2.589 cầu, cống thoát nước.

Gỡ khó về kinh phí 

Năm 2016, Nghệ An đã được Bộ GTVT chấp thuận chuyển một số tuyến đường địa phương (tổng chiều dài là 620,45km) lên quốc lộ; đồng thời, tỉnh cũng chuyển một số tuyến đường huyện (với tổng chiều dài 470 km) lên đường tỉnh. Đây là nỗ lực của tỉnh nhằm giảm áp lực lên ngân sách về kinh phí duy tu bảo dưỡng giao thông. Theo số liệu tổng hợp, hiện nay, Sở GTVT thực hiện quản lý, bảo trì 36 tuyến đường bộ (tổng chiều dài 1.737,5 km); 8 tuyến đường sông với tổng kinh phí thực hiện trong năm là 244,58 tỷ đồng.

Một trong những tuyến đường ở huyện Yên Thành đang xuống cấp cần liên tục bảo dưỡng.
Một trong những tuyến đường ở huyện Yên Thành đang xuống cấp cần liên tục bảo dưỡng.

Tuy vậy, công tác duy tu, bảo dưỡng giao thông còn nhiều bất cập mà nguyên nhân lớn nhất là thiếu kinh phí. Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó phòng kinh tế hạ tầng huyện Yên Thành cho hay: Hiện nay, để phục vụ đi lại của người dân, chúng tôi tiếp tục bù phụ mặt đường đảm bảo ATGT dịp cuối năm. Tuy nhiên, về lâu dài cần sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, bởi hiện nay trên địa bàn còn trên 30 cây cầu yếu, trong đó có 5 cầu đặc biệt nghiêm trọng cần được đầu tư nâng cấp, làm mới. Ngoài ra, hệ thống đường cứu hộ cứu nạn cũng dở dang nhiều năm nay, như tuyến đường cứu hộ cứu nạn nhưng cũng là trục đường chính từ huyện Diễn Châu đi Đô Lương, thi công từ năm 2011 đến nay mới thi công được 14/21km do thiếu kinh phí.

Ông Vương Đình Nhuận - Giám đốc Ban QLDA vốn sự nghiệp (Sở GTVT) cho biết: Sở GTVT hiện quản lý 840 km đường tỉnh, so với đầu năm 2016 tăng 100km. Tuy nhiên, năm 2016 kinh phí bảo dưỡng thường xuyên chỉ đạt mức 30 triệu đồng/km, so với định mức chỉ đạt 25-30%. Với mức kinh phí đó chỉ đủ để phát cây, vét rãnh, khơi thông công trình cầu cống, sơn kẻ, thay thế cột tiêu, biển báo,... 

Trao đổi về những bất cập trong công tác duy tu bảo dưỡng giao thông, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT chia sẻ: Khó khăn đặt ra hiện nay là trong bối cảnh phương tiện giao thông tăng cả về số lượng và tải trọng đã gây ùn tắc tại các nút giao thông vào giờ cao điểm; hoạt động của các phương tiện quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong khi đó, vốn quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa mới chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu. Vì thế, đề nghị UBND tỉnh cần sớm bố trí nguồn ngân sách giao thông địa phương; bổ sung kinh phí sự nghiệp giao thông để có kinh phí sửa chữa các đoạn tuyến, hạng mục công trình hư hỏng. Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp để khai thác các nguồn đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đối với công tác này.

Trong năm 2016, Nghệ An đã thu được 140 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô. Từ đó, phân bổ kinh phí để duy tu, sửa chữa 45 công trình với tổng kinh phí là 94,14 tỷ đồng; trong đó có 6 công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư và 39 công trình do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư.


Thu Huyền 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới