"Khó" nguồn nhân lực ngành y tế

(Baonghean) - Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, đào tạo đội ngũ bác sỹ, dược sỹ đại học cho các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều cơ sở rất khó thu hút cán bộ về làm việc nhất là các cơ sở y tế đặc thù hoặc tuyến huyện.

Bác sỹ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Nghệ An thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sỹ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Nghệ An thăm khám cho bệnh nhân.

 “22 năm tuyển được 3 bác sỹ”

Câu chuyện này diễn ra tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, một đơn vị đặc thù của ngành Y tế. Hiện nay, bệnh viện có 7 khoa với quy mô 245 giường bệnh nhưng con số thực kê lên đến hơn 300 giường. 
Chính vì vậy, chính sách cho những cán bộ y tế công tác tại đây cũng có những điểm ưu đãi đặc thù như thời gian làm việc trong ngày ngắn hơn so với quy định giờ hành chính, mức lương được trả cao khoảng gấp rưỡi so với các bệnh viện công lập không đặc thù. Tuy nhiên, đơn vị này rất khó tuyển dụng được bác sỹ, dù tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế ưu đãi.
Clip Giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An nói về vấn đề nhân lực:
.
Theo Nghị quyết số 34/2011 của HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bác sỹ, dược sỹ tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, loại khá đến nhận công tác tại Bệnh viện Tâm thần từ 5 năm trở lên được hỗ trợ kinh phí tương đương 16 lần mức lương tối thiểu;... 
Hiện nay, trong tổng số biên chế được giao là 195 thì bệnh viện mới có 166, trong đó có 24 bác sỹ, 3 cử nhân điều dưỡng, 13 cao đẳng điều dưỡng, 54 trung cấp điều dưỡng, 17 y sỹ, 7 hộ lý. Số bác sỹ còn thiếu khoảng hơn 20 người nếu căn cứ theo tỷ lệ giường bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện rất cần các hộ lý để chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, mỗi khoa chỉ có một hộ lý nên rất vất vả, trong khi nguồn hộ lý lại không được tuyển thêm.

Bác sỹ Phan Kim Thìn - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho hay, phải mất 22 năm, cụ thể là từ năm 1993 cho đến 2015, đơn vị mới tuyển được 3 bác sỹ học đại học chính quy. Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, đơn vị đã cử 3 cán bộ là y sỹ đi đào tạo lên bác sỹ nay đã ra trường và đang cử tiếp 7 y sỹ đi học lên bác sỹ.

Thời gian gần đây số lượng bác sỹ nộp hồ sơ ứng tuyển vào bệnh viện đã có tăng lên. “Bây giờ bệnh viện đang có 5 đến 6 hồ sơ xin tuyển dụng. Nguồn bác sỹ tiếp nhận vì thế cũng không quá bức bách như mấy chục năm qua. Tuy nhiên, nếu muốn tuyển bác sỹ đa khoa và tốt nghiệp loại khá trở lên lại rất khó khăn. Vì các hồ sơ xin tuyển dụng chúng tôi đang có chủ yếu là y học cổ truyền và y tế dự phòng”.

Bác sỹ Phạm Thị Hà mới được tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa Hưng Nguyên đang thăm khám cho bệnh nhân
Bác sỹ Phạm Thị Hòa mới được tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa Hưng Nguyên đang thăm khám cho bệnh nhân.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nguyên, xác định tuyển dụng nguồn bác sỹ rất khó nên ngoài các chính sách thu hút của tỉnh, huyện, bệnh viện còn chủ động đề ra các cơ chế “động viên” cho bác sỹ nếu về làm việc như: ngay khi làm việc sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng, bố trí phòng ở nội trú không tính tiền điện, nước, được hưởng các chế độ phúc lợi đầy đủ dù thời gian công tác ngắn; bệnh viện trực tiếp cử người làm thủ tục tiếp nhận chỉ trong vòng một tuần;...
Clip giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nguyên nói về vấn đề nhân lực:
.
Vì thế, năm 2015, đơn vị này tuyển được 4 bác sỹ, trong đó có 2 bác sỹ đa khoa và 2 bác sỹ y học cổ truyền sau nhiều năm không tuyển được bác sỹ.  Tuy nhiên, với quy mô 100 giường bệnh và thực kê là 135 giường bệnh, mới chỉ có 22 bác sỹ. 
Chưa đáp ứng định mức tối thiểu
Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 34/2011 về một số chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh với nhiều cơ chế ưu đãi cho thu hút và đào tạo bác sỹ, dược sỹ. Và, Quyết định số 370/2012 phê duyệt Đề án: “Phát triển nguồn nhân lực bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020 (Đề án 370).
Qua 4 năm thực hiện Đề án 370, việc tuyển dụng bác sỹ đạt 100% mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo phân tích của ngành Y tế lại có sự chệnh lệch giữa các tuyến. Trong khi tuyển dụng bác sỹ ở tuyến tỉnh đạt 173,8% kế hoạch thì tuyến huyện chỉ đạt 66% kế hoạch, tuyến xã đạt 64% kế hoạch. Còn tuyển dược sỹ đại học chỉ đạt 60% kế hoạch, trong đó tuyến tỉnh chỉ đạt 54%, tuyến huyện đạt 68%.
Ông Lê Giang Nam - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) cho biết, bản chất của việc mất cân đối trong tuyển dụng theo Đề án 370 là do nguồn cung vẫn còn thấp, đặc biệt là nguồn bác sỹ đa khoa. Do đó, lượng bác sỹ mới ra trường thường lựa chọn các bệnh viện tuyến tỉnh vì có điều kiện làm việc tốt hơn; còn tuyến huyện và các bệnh viện đặc thù gặp khó khăn. Về tuyển dụng dược sỹ chưa đạt cũng có nguyên nhân là số lượng biên chế cho dược sỹ không còn nên các đơn vị chủ yếu tự đào tạo. “Nên chăng tập trung chính sách thu hút vào cấp huyện, xã và các bệnh viện đặc thù để tăng sức hút các bác sỹ về làm việc”, ông Nam đề xuất.

Về tổng thể nguồn nhân lực của ngành Y tế tỉnh, trong văn bản gửi Sở Nội vụ và UBND tỉnh về việc lập kế hoạch biên chế, số người làm việc năm 2016, Sở Y tế cho biết, số lượng người làm việc được giao trong toàn ngành chưa đáp ứng đủ so với định mức tối thiểu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo đó, nhân lực ngành Y tế đã giao, tính đến tháng 4/2015 có 10.637 người. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu ở mức tối thiểu nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao (tính theo giường bệnh, quy mô dân số) thì tổng số lượng người làm việc cần phải có là 13.142 người. Như vậy, ngành y tế còn thiếu tối thiểu 2.515 người.

Hiện nay, các loại bệnh tật và các hình thái dịch bệnh luôn biến đổi và có chiều hướng gia tăng phức tạp. Nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, Do đó, trước thực trạng trên, cần có hướng đi phù hợp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực của ngành Y tế, nhất là đối với các đơn vị đặc thù, tuyến huyện, xã.
Nhật Lệ

Tin mới