Khó trong truy thu nợ đọng phí vệ sinh môi trường

(Baonghean) - Tình trạng nợ đọng phí VSMT không truy thu được, nhiều trường hợp cố tình không nộp giá dịch vụ VSMT nhưng chưa có chế tài xử lý, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và mất công bằng xã hội... Đó là một trong những vấn đề được người dân thành phố Vinh quan tâm.

Nợ đọng lớn, khó truy thu

Từ năm 2017, phí VSMT trên địa bàn thành phố Vinh được thay thế bởi giá dịch vụ thu gom xử lý rác thải (gọi tắt là phí VSMT). Tuy nhiên tình trạng nợ đọng phí, thất thu đang là bài toán đặt ra đối với thành phố.

Theo thống kê, đối với hộ không kinh doanh (mức thu căn cứ theo Quyết định 74/2016/QĐ- UBND của UBND tỉnh là 8.000 khẩu/tháng đối với cấp phường, 6000 đồng/khẩu/ tháng đối với cấp xã), toàn thành phố hụt gần 40.000 nhân khẩu so với bộ phí VSMT năm 2016 (tương đương 4 tỷ đồng mỗi năm).

Đối với các hộ kinh doanh, toàn thành phố có trên 22.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng con số thu phí VSMT đạt thấp. Chỉ tính riêng năm 2017 giao chỉ tiêu lập bộ 3.300 hộ và kết quả chỉ thu được trên 2.300 hộ; có 28 chợ trên địa bàn thành phố với gần 9.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chưa đưa vào lập bộ giá dịch vụ VSMT. Tổng nợ đọng phí VSMT khoảng 9,5 tỷ đồng trong đó năm 2015 là 3 tỷ đồng, năm 2016 là 2,6 tỷ đồng, nợ giá dịch vụ năm 2017 là 3,9 tỷ đồng.

Công nhân vệ sinh TP.Vinh xử lý lượng rác thải lớn mỗi ngày. Ảnh: Quang An
Công nhân vệ sinh TP. Vinh xử lý lượng rác thải lớn mỗi ngày. Ảnh: Quang An

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có một phần xuất phát từ việc lập bộ giá dịch vụ VSMT hiện nay còn nhiều bất cập. Theo bà Thái Thị Thùy Giang - chuyên viên phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND thành phố  Vinh) việc lập bộ thường căn cứ vào số liệu phường, xã lập lên dựa trên số nhân khẩu trên địa bàn nhưng số liệu nhân khẩu bên công an cung cấp và số liệu phía bên dân số thường không khớp nhau, nên việc chốt số liệu từ phường, xã gặp khó. Bên cạnh đó là sự “biến động” về nhân khẩu, bởi có tình trạng khẩu ở đó nhưng người  không sinh sống trên địa bàn. Hoặc đối với người ở trọ theo quy định sau 6 tháng mới được đưa vào bộ nhưng nhiều khi họ chỉ trọ vài tháng lại chuyển đi chỗ khác dẫn tới tình trạng lập bộ ban đầu so với thời điểm thu có sự chênh lệch.

Còn theo bà Tô Thị Thành - Trưởng phòng thu ngân (Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An): Khó nhất là thu phí VSMT của các hộ kinh doanh cá thể, vì hộ kinh doanh nhiều đối tượng, phân cấp nhiều với mức thu khác nhau. Đối với các hộ kinh doanh lập bộ trong khối xóm (vừa kinh doanh vừa tính nhân khẩu). Nếu số khẩu nhiều cộng phí cả phần kinh doanh với khẩu thì họ không chịu nộp. Còn nếu hộ kinh doanh có 5 - 6 khẩu nhưng họ không nộp theo khẩu mà nộp theo phần kinh doanh thì lại thấp hơn nhà đông khẩu nhưng không kinh doanh. Vấn đề này chưa biết giải quyết thế nào, vì trong Quyết định 74/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa nói rõ điều này. Hiện nay, công ty đang tự vận dụng, có nghĩa là hộ nào có 4 khẩu mà có kinh doanh thì trừ bớt một khẩu. Thế nhưng phần lớn các hộ không đồng tình.

Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thu gom rác thải sau Tết. Ảnh: Gia Huy
Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thu gom rác thải sau Tết. Ảnh: Gia Huy

Còn phía các công ty, các doanh nghiệp việc lập bộ giá dịch vụ VSMT căn cứ vào số liệu cơ quan Thuế cung cấp, nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp chỉ lập giấy đăng ký kinh doanh để vay vốn, đăng ký mã số thuế để mua bán hóa đơn chứ không hoạt động... Bên cạnh đó, một số công ty, doanh nghiệp tìm đủ lý do để chây ỳ ví dụ mới chuyển đến, làm ăn khó khăn... Nhiều trường hợp chỉ nộp một nửa thậm chí nộp cho có hoặc cố tình không nộp. Ví dụ, lập bộ giá dịch vụ VSMT của họ là 17 - 18 triệu đồng họ chỉ nộp 3 - 5 triệu đồng.

“Thực tế, nếu người sử dụng điện, nước không đóng sẽ bị cúp điện hoặc cắt nước nên buộc họ phải nộp tiền, còn không đóng tiền thu gom rác cũng chưa có chế tài nào để xử phạt. Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An chỉ có thể nhắc nhở chứ không có thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền xử phạt thuộc UBND các phường, xã; cũng có giải pháp khác là khống chế rác, nhưng khống chế nơi này thì họ đổ nơi khác. Năm 2018, Công ty đã tổ chức 3 tổ đi truy thu nợ đọng được 43 triệu đồng nhưng họ nộp như thế nào thì thu được thế ấy chứ không thu được đúng như bộ giá đã lập. Còn việc nợ giá dịch vụ là kết quả của việc giao chỉ tiêu. Ví dụ, thu được hơn 24 tỷ đồng nhưng giao chỉ tiêu 28 tỷ đồng, lấy chỉ tiêu trừ phần thu thì còn phần nợ”

Bà Tô Thị Thành - Trưởng phòng thu ngân (Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An

Về phía các phường xã, nhiều nơi việc thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn không đạt chỉ tiêu lập bộ hàng năm. Như ở xã Hưng Đông - địa bàn có 14 đơn vị xóm với 11.335 nhân khẩu, 2.654 hộ. Trên địa bàn có 38 công ty, doanh nghiệp với khoảng 4.000 công nhân; 81 hộ kinh doanh sản xuất dịch vụ, 3 trường công lập, 12 trường tư thục ở bậc học mầm non. Kết quả thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải hàng năm chỉ đạt từ 77 - 88%.

Lý giải điều này, UBND xã Hưng Đông cho rằng, nguyên nhân do địa phương là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, số con em trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, biến động thường xuyên. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và người dân có lúc, có nơi chưa chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đó có chỉ tiêu thu phí vệ sinh môi trường. Mặt khác, các đơn vị khối xóm thường triển khai thu trùng vào dịp thu nghĩa vụ thuế phí nên việc thu gặp khó...

Giải pháp nào?

Để tránh tình trạng thất thu, nợ đọng phí VSMT không truy thu được, ngày 01/10/2018, UBND thành phố Vinh đã ban hành Quyết định số 5779/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra, rà soát công tác lập bộ thu và tổ chức thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường năm 2017, 2018 trên địa bàn thành phố. Đồng thời yêu cầu UBND các phường, xã báo cáo số liệu dân số tại các thời điểm 30/3/2017, 30/3/2018 và số tiền thu năm 2017, 2018 của từng khối, xóm trên địa bàn; Chi cục Thuế thành phố Vinh báo cáo danh sách các doanh nghiệp cá thể đóng trên địa bàn; Chi cục Thống kê thành phố cập nhật thống kê số cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh có mặt trên địa bàn từng phường, xã để làm cơ sở lập bộ thu giá dịch vụ VSMT.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm tốt công tác rà soát phân loại thật cụ thể từng đối tượng phải nộp phí trước khi lập bộ để đảm bảo cho người dân nộp đúng, nộp đủ và Nhà nước cũng thu đúng, thu đủ. Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố tình chây ý không nộp đủ hoặc không đóng phí; đưa việc thu phí, nộp phí  VSMT vào nội dung bình xét thi đua của các đơn vị phường, xã; xét gia đình, làng văn hóa".

Nhân viên vệ sinh thu gom rác thải tại khối Châu Hưng, Phường Vinh Tân ( TP Vinh). Ảnh: G.H
Nhân viên vệ sinh thu gom rác thải tại khối Châu Hưng, phường Vinh Tân (TP Vinh). Ảnh: G.H

“Hướng sắp tới khi lập bộ giá dịch vụ VSMT sẽ yêu cầu niêm yết công khai tại nhà văn hóa khối xóm để người dân đối chiếu, rà soát, qua đó kịp thời ghi nhận các ý kiến để bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý. Đồng thời thu xong phí đợt nào sẽ công khai đợt đó, gia đình nào chưa nộp cũng công khai tại nhà văn hóa và loa truyền thanh khối xóm để người dân giám sát. Đối với một số chợ thuộc UBND phường quản lý, một số chợ thuộc các HTX, trước đây tự thỏa thuận thu với các hộ kinh doanh và ký trực tiếp với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thu gom rác, nay cũng rà soát đưa vào bộ chung”

Bà Thái Thị Thu Giang - chuyên viên Phòng TCKH (UBND thành phố Vinh) 

Một giải pháp quan trọng nữa, đó là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc nộp phí vệ sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm, góp phần tạo nguồn thu chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường, từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.

Tin mới