Khoan dung để gắn kết

(Baonghean.vn) - Xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng, phát triển bền vững không chỉ đòi hỏi những nỗ lực chính trị và kinh tế to lớn mà cũng rất cần những thiện chí gắn kết được xây dựng từ lòng khoan dung giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia.

Cách đây 21 năm, ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO) thông qua Ngày Quốc tế Khoan dung (International Day of Tolerance) và lấy ngày này hàng năm làm Ngày Quốc tế Khoan dung. Đại diện của 185 quốc gia đã ký vào bản Tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO.

Tượng
Tượng "khoan dung".

21 năm nhìn lại có thể thấy Ngày Quốc tế Khoan dung chưa thật sự đi vào cuộc sống. Rất nhiều người dân còn chưa biết tới ngày quốc tế này chứ chưa nói tới những ý tưởng cao đẹp của nó.

Chính vì thế mà cuộc đấu tranh hướng tới sự khoan dung, chống lại mọi hình thức phân biệt, kỳ thị vẫn còn rất nan giải. Việc con người dễ bị tổn thương trước mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, ngôn ngữ, giới tính… vẫn là một thực trạng nhức nhối và phổ biến trên thế giới.

Xung đột sắc tộc, phân biệt đối xử, kỳ thị... là nguồn cơn của biết bao bạo lực, khổ đau, thiệt thòi đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thế giới. Hiện hàng triệu người trên thế giới vẫn đang phải hàng ngày đấu tranh chống lại tệ phân biệt đối xử, nhằm giành quyền tiếp cận công bằng về giáo dục, y tế và việc làm.

Khoan dung giúp hiểu biết và gắn kết với nhau hơn.
Khoan dung giúp hiểu biết và gắn kết với nhau hơn.

Việc thực hiện các quyền con người, kể cả các quyền xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự và chính trị, đang bị ngăn cản do phân biệt đối xử. Trong đó, phụ nữ vẫn là những người bị phân biệt và thiệt thòi nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mặc dù thực hiện 2/3 số giờ lao động của toàn thế giới và tạo ra một nửa lượng lương thực cho toàn cầu nhưng phụ nữ chỉ nhận được 10% thu nhập của toàn thế giới và sở hữu ít hơn 1% tài sản của hành tinh. 

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là xu hướng gia tăng xung đột vì mâu thuẫn sắc tộc. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm nóng xung đột, bạo lực từ châu Âu tới Nam Á, Trung Đông và châu Phi mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc.

Ngày nay, khoan dung là một vấn đề mang tính thời sự toàn cầu. Nó được đặt ra trong bối cảnh tính đa dạng ở từng quốc gia và trên toàn thế giới đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi các quan điểm chính trị, tôn giáo cực đoan, hẹp hòi. Thực tế cho thấy, việc mù quáng từ chối hay triệt tiêu tính đa dạng chỉ càng làm cho các xã hội trở nên đơn điệu hơn, cạn kiệt hơn, bất ổn hơn và bần cùng hơn.

Hãy giáo dục lòng khoan dung từ thế hệ trẻ.
Hãy giáo dục lòng khoan dung từ thế hệ trẻ.

Bởi vậy, vì  hòa bình, hạnh phúc và tự do của con người, khoan dung trở thành một cam kết quốc tế. Ngày 16/11/1995, tại hội nghị toàn thể lần thứ 28, UNESCO đã khởi xướng Ngày Khoan dung Quốc tế với chữ ký đồng thuận của 185 nước thành viên. Hội nghị cũng thông qua bản Tuyên bố về các nguyên tắc khoan dung.

Trong bản Tuyên bố, khoan dung được định nghĩa là “tôn trọng, chấp nhận và cảm thông đối với tính đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, các hình thức biểu hiện và các cách thức tồn tại của con người. Lòng khoan dung được nuôi dưỡng bởi kiến thức, sự cởi mở, sự giao tiếp, sự tự do tư tưởng, khả năng nhận thức và đức tin. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị” .

Rõ ràng, định nghĩa của UNESCO hàm chứa một ý niệm mới mẻ về lòng khoan dung. Theo UNESCO, khoan dung không chỉ là một lối hành xử có văn hóa giữa các cá nhân trong một cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Quan trọng hơn, khoan dung còn là một nghĩa vụ chính trị mà tất cả các nhà nước đều phải có trách nhiệm thực hiện.

Cựu chiến binh Mỹ Roy Mike Boehm kéo bản nhạc
Cựu chiến binh Mỹ Roy Mike Boehm kéo bản nhạc "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" tại lễ tưởng niệm 48 năm đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát. Ông muốn dùng âm nhạc làm cầu nối giữa hai đất nước sau bao năm chiến tranh ác liệt, cùng với thông điệp mọi người trên thế giới hãy sống nhân ái, hòa bình.

Từ góc độ nhà nước, khoan dung có nghĩa là xây dựng một không gian pháp lý dân chủ và nghiêm cẩn, công khai và minh bạch nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể khác nhau cùng bình đẳng tham gia vào quá trình kiến tạo xã hội, cùng tiếp cận các cơ hội phát triển và cùng thụ hưởng các giá trị văn hóa. Trong môi trường chính trị khoan dung, mọi người dân đều được công khai, bình đẳng bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ công cộng của xã hội.

Ở đó, không một quyết định lớn nào được đưa ra mà không trải qua một quá trình tham vấn, đối thoại giữa nhà nước với người dân nhằm lựa chọn các phương án chính sách khả thi nhất. Nhờ vậy, con người có điều kiện vượt ra khỏi kiếp sống luẩn quẩn với những nhu cầu, những mối bận tâm vụn vặt, tầm thường để tồn tại trong tâm thế năng động, tự chủ của một người công dân hiện đại.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới