Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thế Phong:

Khoảnh khắc và sứ mệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trần Thế Phong có 33 năm cầm máy với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước ước tính lên đến hàng trăm giải. Tuy nhiên, nhắc đến tên người nghệ sĩ nhiếp ảnh này, giới mộ điệu lại ấn tượng hành trình của anh với cơn đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trần Thế Phong có 33 năm cầm máy với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước ước tính lên đến hàng trăm giải. Tuy nhiên, nhắc đến tên người nghệ sĩ nhiếp ảnh này, giới mộ điệu lại ấn tượng hành trình của anh với cơn đại dịch Covid-19 vừa qua. Còn nhớ khi thành phố Hồ Chí Minh đi vào đỉnh dịch, anh chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất ghi lại được nhiều khoảnh khắc giá trị mang tính lịch sử.

Người ghi khoảnh khắc ý nghĩa trong cơn đại dịch

Tôi nhớ có lần mình ngồi cùng anh ở quán cà phê cóc giữa một chiều thành phố trở gió. Dòng người và xe vẫn miệt mài chảy ngang chiều tan tầm. Chỉ hai người ngồi ngắm thành phố cùng câu chuyện của anh chàng nghệ sĩ ruổi rong. Nếu có một thống kê nào đó, tin chắc Trần Thế Phong là người đi rong khắp Sài Gòn nhiều nhất. Hang cùng ngõ hẻm hoặc bất cứ ngóc ngách nào đó của thành phố này, anh thuộc như trong lòng bàn tay của mình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, hơn 50 năm gắn phận đời mình với đô thành hoa lệ, Trần Thế Phong thương mảnh đất này chính sinh mệnh mình. Lăn lộn từ cậu trai của những tháng ngày thanh xuân mê đắm thành phố, cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ anh chán chụp ảnh Sài Gòn. Bởi như chính anh nói, mảnh đất này mỗi góc phố, mỗi con đường, mỗi phận người đều mang trong mình một câu chuyện. Mỗi một câu chuyện chính là một mảnh ghép. Ghép những mảnh ấy lại mới có được một bức ảnh tổng thể của Sài Gòn chính xác nhất.

Trong lần triển lãm sách ảnh Sài Gòn Covid vào năm nay, Trần Thế Phong đã gây một cảm xúc lắng đọng với 155 bức ảnh được chọn lọc từ 6.000 bức ảnh anh đã chụp trong 6 tháng Sài Gòn gồng mình kiên cường chống dịch. Buổi triển lãm như một lễ tưởng niệm với nến và những cành hoa trắng. Dòng người về chiều càng đổ về buổi triển lãm càng đông. Lẫn trong đó là nhân vật của anh, là những chiến sĩ áo xanh, là những thiên thần áo trắng… Rất nhiều người đã đứng chôn chân tại chỗ với cặp mắt đỏ hoe nhìn từng bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc mãi chẳng thể nào quên. Trần Thế Phong cũng chọn riêng cho mình một góc, lẫn vào dòng người và lặng lẽ quan sát. Với anh, bao giờ cũng là sự lắng đọng nhìn sự dịch chuyển. Sự dịch chuyển trong mắt người nghệ sĩ đó chính là sự sống. Tập sách ảnh ngay tức thì tái bản liên tục, bởi chí ít với thị dân thành phố này, đó chính là lịch sử, một giá trị mãi sau này có khi đi qua thăng trầm đời người, ai đó cũng muốn nhìn lại. Nhìn như từ trong gian nguy vẫn luôn có sự tái sinh nảy nở những tin yêu.

Tôi ấn tượng nhất chính là tấm ảnh những ổ bánh mì treo trước cửa nhà dân. Đơn giản bố cục, ánh sáng vừa đủ và bối cảnh cực kỳ tự nhiên nhưng đó chính là sự nhắc nhớ một thời bánh mì treo cửa đã cứu đói thị dân lúc thành phố phong tỏa. Bánh mì ở Sài Gòn nơi nào cũng có, ngang qua một góc phố đã thấy xe bánh mì. Bánh mì từ dân lao động bình dân, cho đến người có thu nhập cao vẫn “ghiền” như thể một tuần chẳng ăn lại thèm thuồng nhung nhớ nơi miệng mình. Bánh mì treo cửa giữa thời dịch chính là một sự nhắc nhớ Sài Gòn luôn ấm áp nghĩa nhân, luôn thấu đáo tận tâm.

Sài Gòn còn hiện hữu rất nhiều trong quá trình chụp ảnh của anh. Đó là thời khắc thành phố hoạt động trở lại, người dân một con hẻm mừng rỡ khi lệnh phong tỏa dỡ ra, hàng rào kẽm gai được mang đi. Hình ảnh các chiến sĩ áo xanh tình nguyện ngược xuôi khắp các con hẻm nhỏ chia rau cho người Sài Gòn. Đó còn là nụ cười của một cụ bà móm mém, đuôi mắt xếp ly in hằn vết chân chim, trước hiên nhà nhìn thành phố hồi sinh sau những ngày vắng lặng. Sài Gòn trong Trần Thế Phong chính là một cuộc đời. Ở góc máy của người nghệ sĩ ruổi rong này, Sài Gòn chân phương, mộc mạc nhưng thân gần nhất. Ngoại trừ là một phóng viên ảnh, Trần Thế Phong còn là một đứa con của Sài Gòn, nên chụp ảnh về Sài Gòn là chụp bằng tất cả những niềm thương, nỗi nhớ và cả những đắng đót cho sự quá vãng của thời gian phủ bóng lên nhịp đời hối hả phồn hoa. Nhiều người thưởng lãm ảnh của anh đều chung một nhận xét gói gọn chỉ bằng một chữ “Tình”. Chính cái tình đã cho những bức ảnh của anh cái hồn cốt nhất để người xem luôn thấy một sự đồng điệu và thương tưởng từ các tấm ảnh của anh.

Nhiếp ảnh tạo ra những nhịp cầu nối

Hơn 17 cuộc triển lãm trong quãng đời cầm máy của mình, cùng hàng loạt giải thưởng uy tín như 12 lần đoạt giải thưởng xuất sắc quốc gia (HNSNA.VN), 15 lần đoạt giải thưởng ảnh báo chí trong nước, 1 giải thưởng lớn (Grand prix) Nhật Bản, 3 lần đoạt HCV- Trierenberg Super Circuit (Áo), 5 lần đoạt Huy chương Asahi Shimbun (Nhật Bản)… Thế nhưng, khi nói về giải thưởng Trần Thế Phong chỉ cười nhẹ nhàng: “Cá nhân tôi, giải thưởng ấn tượng nhất là khi nhìn thấy những dự án, các tác phẩm ảnh của mình đi vào lòng công chúng, đọng lại nhiều cảm xúc và mang lại hữu ích cho đời. Đó mới chính là phần thưởng danh giá, ấn tượng với người nghệ sĩ đúng chất”.

Trần Thế Phong là vậy, rất nhẹ nhàng, thấu đáo và luôn nghĩ mọi điều trong tâm thế bình an. Ngay cả người lần đầu tiếp xúc với anh, cũng dễ dàng nhận thấy từ trong gương mặt đã toát lên nét hồn hậu và chất phát. Giới nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn nhắc chuyện anh ăn chay trường đã mấy chục năm nay. Thoảng khi trong các cuộc chụp ảnh, sự kiện hay tham gia hội họp anh vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho mình món đồ chay riêng để không phiền hà đến ai cả. Thậm chí trong đợt tác nghiệp mùa dịch, ra đường từ tờ mờ sáng theo các đoàn chống dịch hay thiện nguyện để chụp ảnh gửi về tòa soạn, anh vẫn tự chuẩn bị bánh mì không và nước để chủ động bữa ăn.

Lắm lúc chạy ngang qua các hẻm nhỏ hay các con đường phát hiện người vô gia cư hoặc thiếu khó, những đồ ăn anh chuẩn bị lại được chia cho mọi người. Chừng hết đồ ăn thì anh biếu họ chút tiền. Vậy đó, rồi rời đi nhanh chóng với tấm lòng phơi phới. Anh bảo lúc đó nhìn ai cũng thấy muốn giúp, trong túi có gì cho đó. Không có gì để cho là lòng cứ ray rứt. Anh cũng là một trong số ít nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Sài Gòn luôn chia sẻ lòng thảo thơm với nhiều mảnh đời khó khăn. Trần Thế Phong cứ gặp là cho, cho vô tư hồn nhiên bằng tất cả những gì mình có mà chưa một lần kể lể cho ai biết.

Chụp ảnh với anh là cơ duyên hạnh ngộ cho những nhịp cầu kết nối mà như anh chia sẻ: “Lúc còn tuổi thơ, thỉnh thoảng tôi hay dõi theo thân phận của những mảnh đời được thay đổi từ những câu chuyện, hình ảnh được đăng tải trên các tạp chí, trang báo… Tôi thầm nghĩ một bức ảnh có thể làm thay đổi cuộc đời, số phận của một nhiếp ảnh gia hay nhân vật nào đó trong ảnh. Chẳng hạn như “Em bé Napalm” của phóng viên ảnh Nick Út và nhân vật Phan Thị Kim Phúc… Cộng với sở thích tự do, nên nhiếp ảnh đã đến với tôi như cái duyên, cái nghiệp, cái nghề mưu sinh làm chủ bản thân. Tôi mong và hy vọng những hình ảnh của mình sau này sẽ mang lại những hữu ích với xã hội”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong tặng quà cho người khó khăn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong tặng quà cho người khó khăn.

Có lẽ duyên từ nhiếp ảnh đã nối dài những yêu thương mà anh dành cho cuộc đời này. Người trong giới vẫn đồn rằng, chắc anh đại gia lắm khi không biết tiền đâu cứ âm thầm giúp người nghèo hay những ai thiếu thốn trên đường mình gặp phải. Có lần tôi đem câu hỏi này hỏi thẳng anh. Anh cười tỉnh queo bảo mình giàu chi đâu, chỉ may mắn gia đình ổn định, công việc đủ nuôi bản thân, tiền thưởng từ các bức ảnh được giải anh xem như một cái lộc mà trời đất ban tặng, anh đem chia cho những người khó khăn để như tấm lòng của người Sài Gòn với xứ này. Mảnh đất Sài Gòn bao năm nay vẫn hào sảng và trượng nghĩa. Anh ngấm cái máu ấy vào trong mình cả quãng đời, thì chuyện giúp người này, chia sẻ với người kia, kỳ thực như một lẽ thường tình ở đời giữa người với người.

Nhiếp ảnh chính là nhịp cầu nối cảm xúc với nhau, nối con người với nhau và nối những yêu thương lan tỏa đi khắp muôn phương. Với Trần Thế Phong, từ những bức ảnh, câu chuyện tự khắc mang một sứ mệnh ý nghĩa trong cuộc sống.

Tin mới