Khơi dậy lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương Nghệ An, vững tin, quyết tâm ở chặng đường phía trước

(Baonghean.vn) - Hội thảo khoa học “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển” là hoạt động khoa học có ý nghĩa về nhiều mặt; khơi dậy trong cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, nhân dân trong toàn tỉnh, lòng tự hào truyền thống vẻ vang của quê hương, vững tin, quyết tâm ở chặng đường phía trước.
Hội thảo khoa học 'Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển'

Hội thảo khoa học 'Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển'

(Baonghean.vn) - Sáng 30/11, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển". Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An (1030 - 2020).

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã có bài phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo khoa học “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển" nhấn mạnh những nội dung quan trọng được làm sáng rõ và khẳng định qua Hội thảo; đồng thời nhấn mạnh quyết tâm vươn lên của tỉnh xứng đáng với bề dày truyền thống hào hùng 990 năm với vị thế chính trị - xã hội của tỉnh. Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển". Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển". Ảnh: Thành Cường

- Kính thưa GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí chủ trì Hội thảo!

 - Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các nhà khoa học!

Sau hơn một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tình cảm và trách nhiệm cao, Hội thảo “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển” đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 70 báo cáo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Nghệ An, giảng viên các trường đại học, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về khảo cổ, địa lý, lịch sử, văn hóa, di sản, du lịch;…

Các báo cáo gửi tới Hội thảo đã tiếp cận nhiều tư liệu mới, cách nhìn khá toàn diện, đầy đủ, sâu sát về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tầm vóc, vị thế của Nghệ An trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, theo từng vấn đề cụ thể liên quan đến tỉnh Nghệ An trong suốt quá trình hình thành và phát triển và sẽ trở thành tài liệu rất có giá trị cho nghiên cứu sau này.

Tại Hội thảo hôm nay, chúng ta đã trực tiếp nghe 7 tham luận, với nội dung phong phú, có ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn cao, đáp ứng mục đích Hội thảo đã đề ra. Đặc biệt, Hội thảo đã được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo định hướng rất quan trọng, sâu sắc, đầy tình cảm và trách nhiệm của đồng chí Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. 

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia nhiệt tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đang công tác ở các cơ quan Trung ương và ở địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai đơn vị đồng chủ trì Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Nghệ An, các đơn vị đầu mối triển khai thực hiện: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, các phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình, góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo. 

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Cường

Kính thưa các đồng chí!

Các tham luận gửi đến Ban Tổ chức và những ý kiến trình bày tại Hội thảo hôm nay, góp phần làm sáng rõ và khẳng định một số nội dung sau:

Thứ nhất, Nghệ An là vùng đất xuất hiện sớm, có quá trình phát triển lâu dài, tạo nên những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Qua Hội thảo hôm nay, chúng ta biết đến hệ di tích khảo cổ học và lịch sử xa xưa trên đất Nghệ An như hang Thẩm Ồm (ở Quỳ Châu); Di tích làng Vạc (thuộc thị xã Thái Hòa); Di tích luyện đồng cổ Quỳnh Văn (thuộc Quỳnh Lưu); Di tích luyện sắt sớm Đồng Mỏm (ở huyện Diễn Châu)... Đây là các trung tâm văn hóa cổ trên đất Nghệ An, góp phần vào sự ra đời của nền văn minh Việt cổ, hợp lưu vào dòng chảy dân tộc Việt.

Thứ hai: Nghệ An có đặc điểm tự nhiên, địa lý, địa thế độc đáo, có vị trí chiến lược trong giao thương, đảm bảo ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, quản lý lãnh thổ. Nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, có núi cao, sông sâu, cách xa kinh thành Thăng Long xưa, Nghệ An là đất "phên dậu", "trọng trấn" của quốc gia, "tiến có thế công, lui có thế thủ", các triều đại xưa kia thường dựa vào vùng đất này để chống giặc, giữ nước và dựng lên đại nghiệp. 

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 14, mặt khắc 2 ghi chép về Danh xưng Nghệ An được xuất hiện vào năm Canh Ngọ (1030) Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 14, mặt khắc 2 ghi chép về Danh xưng Nghệ An được xuất hiện vào năm Canh Ngọ (1030) Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

Nghệ An được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc sơn thủy hữu tình "non xanh nước biếc như tranh họa đồ", nhưng cũng đặt con người nơi đây thường xuyên phải đối mặt, chống chọi với thiên tai, giặc dã. Trong điều kiện đó, đã tôi luyện và hun đúc nên con người Nghệ An vừa có những phẩm chất tốt đẹp chung của con người Việt Nam, vừa có những nét tính cách riêng biệt ấn tượng: đức tính cần cù, nhẫn nại, ý chí và nghị lực phi thường, anh dũng, kiên cường, bất khuất, truyền thống yêu nước nồng nàn; tận trung với nước, tận hiếu với dân; giàu lòng nhân ái và lao động, sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quá trình khai cơ lập nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, không ngừng đấu tranh để tồn tại và phát triển đi lên, cùng với sự tiếp nhận, giao thoa văn hóa của các vùng, miền trong và ngoài tỉnh đã bồi lắng một trầm tích văn hóa xứ Nghệ đậm đà bản sắc, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, có sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ. Nghệ An có nhiều làng nghề truyền thống còn được bảo tồn, phát triển, trở thành sinh kế làm giàu của nhiều vùng trong tỉnh hiện nay như: Nghề rèn sắt, đúc đồng, chế biến nước mắm; ươm tơ dệt lụa; dệt thổ cẩm…

Có kho tàng văn hóa dân gian đa dạng, độc đáo, đóng góp vào văn hóa dân tộc với rất nhiều di sản quý báu như: ca dao, tục ngữ, hò vè, ví, giặm, múa sạp, múa nón… Đặc biệt, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghệ An là quê hương của nhiều di tích, danh thắng gắn với các huyền tích, nhân vật lịch sử của dân tộc và quê hương với hơn 2.500 di tích, danh thắng đã được kiểm kê, phân cấp quản lý, trong đó hơn 400 di tích đã được xếp hạng, đặc biệt, đã có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Nghệ An là vùng đất học nổi tiếng không chỉ vì số lượng người đỗ đạt, ghi danh bảng vàng, mà đặc biệt là ở tinh thần hiếu học, khổ học, cần học, thông minh, trí tuệ trong sáng, có nghĩa khí, trọng đạo lý làm người. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp này vẫn tiếp tục được phát huy và tỏa sáng cho đến mãi ngày nay, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn trên mảnh đất này.

Thứ ba: Qua Hội thảo, chúng ta đã biết đến những trang sử hào hùng, khẳng định những đóng góp to lớn của quân và dân Nghệ An qua hành trình 990 năm kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Ngay thời kỳ chống Bắc thuộc, nhân dân Nghệ An đã hưởng ứng mạnh mẽ các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng. Trong đó, ghi dấu ấn đậm nét là cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cách đây 1.300 năm đã lật đổ ách thống trị của nhà Đường, lập nên thành Vạn An - của một quốc gia độc lập. 

Hoàng đế Quang Trung đã chọn Nghệ An để lập kinh đô của triều đại mới (thành Phượng Hoàng Trung Đô).
Hoàng đế Quang Trung đã chọn Nghệ An để lập kinh đô của triều đại mới (thành Phượng Hoàng Trung Đô).

Trong giai đoạn tự chủ của quốc gia Đại Việt, Nghệ An là nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, đồng thời là chiến trường, tiền tuyến của các cuộc chiến tranh chống các thế lực xâm lược ở phía Nam và phía Tây. 

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, trước thái độ bạc nhược, đầu hàng của triều đình phong kiến đương thời, các văn thân yêu nước cùng nhân dân Nghệ An vẫn khẳng khái quyết tâm “đánh cả triều lẫn Tây”. Phong trào Cần Vương dấy lên, nhân dân khắp tỉnh Nghệ An hưởng ứng sôi nổi. Khi dân tộc trong đêm tối nô lệ dưới ách thực dân, phong kiến, nhiều người con quê hương Nghệ An đã nuôi chí lớn, vượt trùng dương để tìm con đường đưa đất nước đến với tự do, độc lập, tiêu biểu như Chí sỹ Phan Bội Châu khởi xướng và thực hiện phong trào Duy Tân. Đặc biệt là hành trình cứu nước vĩ đại của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. 

Trong thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước của những con người Nghệ An kiên trung, bất khuất càng được khơi dậy và thăng hoa, lòng yêu nước của Nhân dân được hun đúc và phát huy cao độ trở thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhiều người con Nghệ An ưu tú đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, trở thành những chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của Đảng và dân tộc ta như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu… Nhân dân Nghệ An “đứng đầu dậy trước” làm nên một Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng, trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên đưa đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Nghệ An làm hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của bằng tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc và làm trọn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một Nghệ An tiền tuyến của những “tọa độ lửa”, chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc với những chiến công hào hùng, bi tráng, trở thành biểu tượng cao đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như: Truông Bồn, Cầu Cấm, Bến Thủy… 

Thứ tư: Chúng ta phân tích và khẳng định vị trí chiến lược và những đóng góp quan trọng của đất và người xứ Nghệ trong hành trình dài xây dựng kinh tế - phát triển xã hội Việt Nam, bất luận là dưới các triều đại phong kiến hay ở thời điểm hiện nay. Chúng ta nhìn thấy rõ hơn về bức tranh kinh tế, sự năng động giao thương và hội nhập của các nhóm cư dân trên đất Nghệ An hôm nay; những tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội cần phải tập trung tận dụng, thách thức cần phải vượt qua.   

Đặc biệt, với tinh thần “ôn cố - tri tân”, chúng ta nhìn lại 990 năm hình thành, xây dựng và phát triển của Nghệ An trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Khẳng định Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên đặc sắc của đất nước, nơi kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Qua đó, hướng đến những mục tiêu, chiến lược phát triển trên mọi phương diện trong chặng đường sắp tới. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thành Cường.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thành Cường.

Kính thưa các đồng chí!

Với bề dày truyền thống hào hùng 990 năm hình thành và phát triển liên tục, với vị thế chính trị - xã hội hiện tại, đặc biệt, với tầm nhìn xa hơn trong tiến trình phát triển của tỉnh theo đường lối đổi mới của Đảng, đã được cụ thể hóa thành các quan điểm phát triển trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, các lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn để phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá trong cả nước. 

Phấn đấu khi Nghệ An long trọng kỷ niệm 1.000 năm danh xưng - vị thế chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, hội nhập quốc tế của tỉnh sẽ được nâng lên một tầm cao mới, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời, đáp lại sự quan tâm của Trung ương, nguyện vọng của đồng chí, đồng bào trong tỉnh và trong cả nước.

Kính thưa các đồng chí!

Với những kết quả đã đạt được, Hội thảo khoa học Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển” là hoạt động khoa học có ý nghĩa về nhiều mặt, đồng thời là hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An; khơi dậy trong cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, Nhân dân trong toàn tỉnh, lòng tự hào truyền thống vẻ vang của quê hương, vững tin, quyết tâm ở chặng đường phía trước.  

Cuối cùng, kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, cùng toàn thể các đồng chí tham dự Hội thảo mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi!

Tôi tuyên bố bế mạc Hội thảo tại đây!

Xin trân trọng cảm ơn!

(Đầu đề do Báo Nghệ An đặt).

Tin mới