Khơi dậy tiềm năng du lịch nông thôn ở Thanh Chương

(Baonghean.vn) - Thanh Chương có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 11 xã. Quốc lộ 46 và các tuyến đường khác đã nối Thanh Chương với các điểm du lịch từ Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On của nước bạn Lào với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), qua thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Với những thuận lợi đó, Thanh Chương rất có tiềm năng về phát triển ngành Du lịch - Dịch vụ.

Thanh Chương có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 11 xã. Quốc lộ 46 và các tuyến đường khác đã nối Thanh Chương với các điểm du lịch từ Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On của nước bạn Lào với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), qua thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Với những thuận lợi đó, Thanh Chương rất có tiềm năng về phát triển ngành Du lịch - Dịch vụ.

Đảo Chè ở xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Đảo Chè ở xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Thanh Chương nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và hiếu học. Huyện có dày dặn hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với 66 công trình di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh; 244 di tích đã được tỉnh rà soát.

Lễ rước thần trong Lễ hội đền Bạch Mã.. Ảnh tư liệu: Trung Hà
Lễ rước thần trong Lễ hội đền Bạch Mã.. Ảnh tư liệu: Trung Hà

Đền Bạch Mã được Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 24/3/1994. Đền Bạch Mã trở thành điểm văn hóa tâm linh, có nhiều tiềm năng khai thác du lịch đặc sắc của địa phương. Lễ hội truyền thống đền Bạch Mã được tổ chức từ ngày 9-10 tháng 2 âm lịch hàng năm. Tại đây mỗi năm thu hút từ 30.000 - 60.000 người dân và du khách thập phương đến chiêm bái.

Địa hình Thanh Chương phức tạp, nhiều đồi núi và sông, suối. Đặc điểm đó đã tạo nên một Thanh Chương có đan xen những khó khăn, thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp mê lòng người.

Đập thủy lợi Cầu Cau ở xã Thanh An là biểu tượng cho sự kết hợp giữa bàn tay lao động của con người với vùng nước non hùng vĩ. Năm 2017, đập Cầu Cau được biết đến với một tên mới, lan rộng khắp cả nước đó là “Đảo Chè”. Năm 2018, “Đảo Chè” đón hơn 15.000 lượt khách đến tham quan.

Du lịch trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp nông thôn mới đang là xu hướng hút khách ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy thư
Du lịch trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp nông thôn mới đang là xu hướng hút khách ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy thư

Cách Đảo Chè không xa, có Thác Liếp được nhắc đến nhiều trên cộng đồng mạng. Câu chuyện về “Nàng tiên Thác Liếp” chờ đợi người yêu hóa thành dòng suối Lý ngọt ngào nơi vùng đất heo hút của xã Thanh Sơn đã thu hút hàng ngàn đôi bạn trẻ về đây. Vào mùa Hè, mỗi ngày, Thác Liếp đón không dưới 300 người dân và du khách về đây tắm mát và trải nghiệm. Dịch vụ ẩm thực mang nét đặc sắc của đồng bào Thái, dù còn đơn sơ, nhưng đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Vùng sinh thái Thác Liếp như một “cô gái ngủ trong rừng” vừa được đánh thức, mang theo giấc mơ làm bừng sáng vùng biên ải cùng không gian văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Thái Nậm Nơn.

Bên cạnh Đảo Chè, Thác Liếp, Thanh Chương còn có nhiều danh lam, thắng cảnh khá nổi tiếng chưa được đầu tư khai thác, như: thác Mưa ở xã Thanh Sơn, thác Cối, thác Cây Trám ở xã Thanh Hà, đập Sông Rộ ở xã Thanh Thủy... dạng tiềm năng đang cần đánh thức, đầu tư.

“Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn” là một khái niệm mới khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Trào lưu du lịch trải nghiệm, học tập đã phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Có thể kể đến các sản phẩm du lịch điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở Nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)... đã đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương không nhỏ.

Đồng hoa cải ở xã Thanh Long (Thanh Chương) thu hút du khách. Ảnh: Sách Nguyễn
Đồng hoa cải ở xã Thanh Long (Thanh Chương) thu hút du khách. Ảnh: Sách Nguyễn

Thanh Chương là huyện có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, sản phẩm du lịch cũng gắn liền với nông nghiệp, nông thôn bản địa, như nhút mít, trám, gà đồi. Nhút và trám được sản xuất ở nhiều cơ sở cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài. Các thương hiệu như “Nhút Liễu Văn”, “Nhút Hiếu Thuận” ở thị trấn Thanh Chương, “Nhút Bà Quế” ở Hạnh Lâm, “Trám Trọng Anh” ở xã Thanh Lương và nhiều cơ sở nhỏ khác đang từng bước được người tiêu dùng biết đến. Các trang trại chăn nuôi gà và các hộ gia đình chăn nuôi ở các xã Thanh An, Thanh Thủy, Thanh Xuân, Thanh Phong, Cát Văn,... đang đem đến thương hiệu tập thể “Gà Thanh Chương” với các chuỗi nhà hàng khá ấn tượng trên cả nước. Sản phẩm “Gà đồi Thanh Chương” đang được khách hàng ưa chuộng trong thực đơn ở các nhà hàng sang trọng.

Nếu lấy điểm du lịch sinh thái Đảo Chè làm trung tâm, du khách có thể mở đến để trải nghiệm về quy trình làm nhút, chế biến nhút ở cơ sở sản xuất “Nhút Bà Quế” nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, cách Đảo Chè và cam Tổng đội không xa. Từ đây du khách có thể lên tham quan mô hình sản xuất chè sạch, thưởng thức các sản phẩm chè xanh của địa phương, đặc biệt là thưởng thức sản phẩm “Chè đâm” của người Thái ở 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm.

Cam Tổng đội Thanh Chương nổi tiếng không thua kém nhiều với thương hiệu Cam Vinh hay cam Hương Sơn của Hà Tĩnh. Điểm đặc biệt là sản phẩm cam sạch do người dân và đơn vị chăm sóc cam bằng phương pháp “Phủ màn” để thay thế thuốc bảo vệ thực vật trong mùa cam ra quả. Phương pháp này đã trở thành một mô hình sáng tạo cần nhân rộng trong nông nghiệp.

Cam mắc màn ở xã Thanh Đức. Ảnh: Hữu Thịnh
Cam mắc màn ở xã Thanh Đức. Ảnh: Hữu Thịnh

Cuộc khảo sát của Ban Chỉ đạo nông thôn mới Trung ương trong tháng 11/2020 ở Thanh Chương, các chuyên gia đã đánh giá rất cao về “Chuỗi điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn Đảo Chè - Thác Liếp - Nhút mít - Cam sạch” của huyện. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo nông thôn mới Trung ương cũng chỉ ra rằng, những khu vực có đủ các điều kiện khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Các hoạt động du lịch mang tính tự phát và nhỏ lẻ. Địa phương chưa có đề án chiến lược xâu chuỗi các sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Đa số người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Một số “sản phẩm du lịch nông nghiệp” còn rất giản đơn, chưa tận dụng được lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch. Đó là những vấn đề cốt lõi mà huyện Thanh Chương cần tập trung giải quyết.

Các đại biểu tìm hiểu quy trình chế biến trám đen. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
 Các đại biểu tìm hiểu quy trình chế biến trám đen. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Với việc đi tắt, đón đầu, Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, mong rằng, cấp ủy, chính quyền sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá thực trạng, từ đó đưa ra giải pháp, cơ chế, chính sách tạo ra động lực phát triển cho du lịch nông thôn Thanh Chương phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, xây dựng chuỗi giá trị du lịch góp phần đạt mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới bền vững trong các giai đoạn tiếp theo.

Tin mới