Khơi nguồn lực từ khối đại đoàn kết

(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đô Lương lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Để có thành công đó, một trong những yếu tố quan trọng đó là sự đồng thuận từ cấp uỷ, chính quyền địa phương cho đến từng người dân và huy động tốt nguồn lực xã hội hoá trong xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Từng được biết đến là xã tốp sau trong các phong trào của huyện, bước vào xây dựng NTM, xã Hiến Sơn mới chỉ đạt tiêu chí 11/19, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 9%); tỷ lệ thiết chế nhà văn hóa đạt chuẩn còn thấp. Trong khi đó, địa bàn rộng với 20 km đường liên thôn, 40 km đường nội thôn cần được đầu tư xây dựng. Trong điều kiện khó khăn, Đảng ủy xã Hiến Sơn xác định huy động xã hội hóa, phát huy nội lực trong nhân dân nhất là đầu tư các công trình phúc lợi.

Theo đó, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo huy động nội lực nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Để người dân hiểu và có sự nhận thức đúng đắn về công tác xã hội hóa, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp với các chi bộ và các thôn tổ chức họp và tuyên truyền đến nhân dân, trong đó, nhấn mạnh đến những phần việc, những hạng mục công trình xây dựng cần đến sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Đổi thay ở xã Hiến Sơn (Đô Lương). Ảnh: Lê Thanh
Đổi thay ở xã Hiến Sơn (Đô Lương). Ảnh: Lê Thanh


Nhiều xóm đã vận động nhân dân cùng doanh nghiệp, con em xã đóng góp. Ví như ở xóm Hòa Thiện, trước đây nhà văn hóa cũ không đủ chỗ ngồi nên trong năm 2016, chi bộ xóm vận động nhân dân đóng góp 230 triệu đồng để tu sửa, mở rộng, đầu tư trang thiết bị trong nhà văn hóa xóm.

Tiếp đó, năm 2017, xóm tiếp tục huy động nhân dân đóng góp xây dựng khuôn viên, bờ rào với diện tích khuôn viên trên 1.000 m2 với kinh phí 280 triệu đồng. Đến nay, xóm đã đầu tư đồng bộ để người dân có địa điểm vui chơi giải trí, thể dục thể thao, tạo mối gắn kết giữa những người dân trong xóm.

Đặc biệt, nhờ “khéo” tuyên truyền vận động, người dân trong xóm đồng thuận, 32/32 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến hơn 600 m2 đất và 700m bờ rào, mở rộng đường liên xã theo tiêu chí mới. 

Ở xã Quang Sơn, bên cạnh vận động nhân dân làm tốt phong trào xã hội hóa xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền xã cùng huyện Đô Lương vận động con em doanh nghiệp xa quê về đầu tư tại quê hương. Một trong những dự án đang được huyện tập trung triển khai tại Quang Sơn đó là Dự án Nhà máy May Minh Anh với quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Hiện nhà máy đang đào tạo nghề miễn phí cho hơn 600 lao động. Từ đây, sẽ cho ra những sản phẩm may mặc đa dạng, phục vụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, châu Âu...

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 6.000 - 7.000 lao động không chỉ huyện Đô Lương mà các huyện lân cận như Yên Thành, Anh Sơn, Thanh Chương. Đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các xã trong vùng.

Đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp ở xã Quang Sơn (Đô Lương). Ảnh: Lê Thanh
Đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp ở xã Quang Sơn (Đô Lương). Ảnh: Lê Thanh

 Một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc, được rút ra từ phong trào xã hội hóa xây dựng NTM ở Đô Lương là coi trọng và phát huy tối đa nội lực, nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là nội lực trong nhân dân và từ doanh nghiệp. 

Trong những tháng đầu năm 2017, tổng nguồn lực huy động của huyện Đô Lương đạt 109.365 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp bằng tiền 20.548 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp 18,4 km đường giao thông nông thôn, 36,5km giao thông nội đồng; tu sữa 32 nhà văn hóa các xóm; huy động được 6400 ngày công xây dựng nông thôn mới; người dân hiến 7.168 m2 đất xây dựng nông thôn mới. 

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới