Khơi những ‘mạch nguồn’ cho ví, giặm Nghệ Tĩnh

P.V: Thưa NSND Hồng Lựu, đến hẹn lại lên, năm nay Hội thi Hát dân ca trong trường học sẽ được tổ chức. Với chị, sau nhiều năm trong ban tổ chức, liên hoan này có ý nghĩa như thế nào? Và chị trăn trở gì sau những kỳ liên hoan?

NSND Hồng Lựu: Từ năm 1994 ngành Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc thi Tiếng hát Tuổi hồng và sau này là Hội thi Hát dân ca trong trường học. Đã gần 30 năm trôi qua, tôi không thể nhớ mình đã tham dự hội thi này bao nhiêu lần nữa, nhưng đây là năm thứ 3 tôi được tham gia trong ban tổ chức của cuộc thi.

Nhớ về các hội thi, tôi nhớ nhất những ngày các thành viên trong ban giám khảo và các nghệ sĩ trong Nhà hát Dân ca tham gia chấm thi từ cấp cụm, cấp huyện. Có những liên hoan, tôi vẫn trích một phần kinh phí của gia đình để khen thưởng cho các cháu xuất sắc ở các vòng thi và xem đây là cơ hội để mình tìm kiếm những hạt nhân xuất sắc về hát dân ca của tỉnh nhà.

Qua nhiều năm tham gia các liên hoan, không chỉ Liên hoan Hát dân ca trong nhà trường mà cả liên hoan câu lạc bộ hát dân ca, điều mà chúng tôi trăn trở nhất đó là thiếu hụt rất nhiều lời mới, dù chúng tôi vẫn thường tổ chức nhiều cuộc “thầy gà thầy bày” để bổ sung vào kho tàng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Dân ca Nghệ Tĩnh “ý tại ngôn ngoại”, vì vậy để tìm được người viết dân ca Nghệ Tĩnh rất khó, dân ca cho học trò lại càng khó hơn và không phải ai cũng có thể viết được. Chưa kể viết dân ca cho lứa tuổi học đường.

Chúng ta cũng biết rằng, dân ca ví, giặm xứ Nghệ có rất nhiều ưu điểm, nhiều lợi thế, nhưng có hạn chế đó là gần như tất cả các lời của dân ca Nghệ Tĩnh đều là hát giao duyên và của người lớn. Trong khi đó dân ca Nghệ Tĩnh lại không có bài hát dành cho lứa tuổi học trò. Vì lẽ đó, bắt buộc thầy cô và những người làm chuyên môn phải viết lời trên cơ sở những bài học các con học ở trường như viết về chị Võ Thị Sáu, về câu chuyện Cây tre trăm đốt, về các nhân vật lịch sử…

Hiện nay, chúng tôi biết có những trường có nhiều giáo viên viết dân ca cho học sinh rất khá. Vì lẽ đó, Liên hoan Hát dân ca trong trường học được tổ chức 5 năm/một lần được chúng tôi rất mong chờ và kỳ vọng rất nhiều. Đó là ngoài việc phát hiện được những năng khiếu, tài năng nhỏ tuổi để bồi dưỡng cho các cháu, nối tiếp công tác bảo tồn và phát huy di sản.

Hội thi hát dân ca trong trường học được tổ chức năm 2018.
Hội thi hát dân ca trong trường học được tổ chức năm 2018.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn phát hiện ra được những tác giả có năng khiếu viết lời cho dân ca Nghệ Tĩnh trong cộng đồng cũng như trong trường học. Đây có lẽ là mong muốn lớn nhất hiện nay của tôi. Nếu không chúng ta sẽ vẫn vay mượn, “ăn sẵn” của quá khứ hoặc của một số tác giả.

P.V: Như chị đã chia sẻ, liên hoan là nơi để phát hiện và bồi dưỡng những nghệ sĩ “nhí” cho dân ca xứ Nghệ. Chắc hẳn trong nhiều năm tham gia chương trình, có rất nhiều gương mặt để lại ấn tượng với chị?

NSND Hồng Lựu: Có rất nhiều nhân tố điển hình. Gần đây nhất là cháu Hà Quỳnh Như, cháu Mai Uyên, cháu Ngọc Trâm, cháu Thanh Xuân, cháu Lê Thanh Phong, cháu Công Phước… đều là những gương mặt rất xuất sắc được phát hiện qua các kỳ liên hoan hát dân ca trong nhà trường. Hiện nay, trong số này có những người đã trở thành nghệ sĩ, diễn viên, có những người đang tiếp tục học để theo đuổi con đường chuyên nghiệp, làm công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hát dân ca của Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn).
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hát dân ca của Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn).

Quá trình được đi cùng các cháu, tôi cảm thấy rất vui. Rất nhiều những học sinh, sau này vẫn theo học tại lớp năng khiếu do tôi tổ chức. Tôi vẫn thường dạy các cháu rằng, muốn hát được dân ca xứ Nghệ, trước tiên phải hiểu dân ca xứ Nghệ. Người hát một câu dân ca, không phải để nó bay đi mà hát là để đọng lại, hát để mỗi người ngấm được mình có điều gì ở trong câu hát này… Tôi nghĩ rằng, những học sinh hát dân ca, những liên hoan hát dân ca trong trường học chính là những “bảo tàng sống”, là “di sản sống” trong cộng đồng.

P.V: Chị là một người có nhiều năm gắn bó với dân ca ví, giặm, là giáo viên của nhiều thế hệ học trò. Vậy điều chị băn khoăn hiện nay trong việc dạy và hát dân ca trong nhà trường, trong việc bồi dưỡng những nghệ sĩ trẻ là gì?

NSND Hồng Lựu: Qua nhiều năm làm trong nghề và tham gia công tác bồi dưỡng, tôi khẳng định liên hoan chỉ là nơi phát hiện, là bước khởi đầu. Còn để theo được nghề, gắn bó với nghề cần rất nhiều yếu tố khác. Như kỳ liên hoan gần đây, chúng tôi đã phát hiện và chọn 7 học sinh để bồi dưỡng, nhưng hiện chỉ còn 3 – 4 em tiếp tục được với nghề và hướng theo con đường nghệ thuật.

Hội thi hát dân ca cấp cụm tại huyện Diễn Châu.
Hội thi hát dân ca cấp cụm tại huyện Diễn Châu.

Để bồi dưỡng cho các em, như tôi đã chia sẻ trước đây, tôi có mở một lớp dân ca cho các em ở nhà và đã duy trì được gần 7 năm, gọi là lớp năng khiếu Chồi Xanh. Từ lớp học này, tôi đã phát hiện được rất nhiều nhân tố có năng khiếu thực sự. Nhưng 4 năm trở lại đây, khi chuyển sang làm công tác quản lý, tôi không có thời gian dành cho lớp học này nữa. Thỉnh thoảng các con, các cháu tham gia các cuộc thi, có bài hát lại thu âm và gọi điện cho tôi nhờ tôi góp ý, tham khảo ý kiến kể cả những cháu ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Những lần như vậy, tôi lại chỉnh sửa lời, hướng dẫn cách luyến láy.

Tôi cũng rất tiếc không duy trì được lớp học như xưa nữa và cũng không nhiều người làm được. Nếu tôi nói dùng từ cống hiến cũng không đúng, dùng từ hy sinh cũng không phải nhưng để có được những lớp học cho học trò phải có sự tâm huyết thực sự. Bởi lẽ, chúng tôi mở lớp cho học trò dường như chẳng có gì. Nếu dạy cho các em hát dân ca mà đòi hỏi vật chất thì có lẽ là không làm được.

Ngày trước thi hào Nguyễn Du đã từng nói với người con gái đánh đàn: Nàng cần có vàng để sống, Không thể hát bằng hơi mà ăn cũng bằng hơi…”. Câu nói này rất hay, rất sâu với người nghệ sĩ hiện nay… Điều tôi lo lắng nhất hiện nay đó là có rất nhiều nghệ sĩ, nhiều nghệ nhân đã lớn tuổi nhưng họ không còn nhiều thời gian để truyền dạy. Người trẻ tâm huyết cũng không nhiều. Trong khi đó, trên mạng xã hội lại có khá nhiều clip dạy hát dân ca nhưng lại không đúng, không chính xác và nếu dạy cho con trẻ sai là một điều đáng tiếc. Vậy nên, cần phải có một cơ chế, cần phải có một chính sách để động viên, khuyến khích những người nghệ sĩ tham gia vào công tác truyền dạy để phát hiện, để bồi dưỡng năng khiếu. Rõ ràng, để có một tiết dạy, các nghệ sĩ phải viết bài, phải bỏ công sức và phải có sức khỏe mới có thể làm được công việc đặc thù này. Cá nhân tôi lâu nay, vẫn lấy nghiệp dư để nuôi chuyên nghiệp, lấy kinh phí làm ngoài để nuôi dưỡng đam mê của mình.

Tôi cũng thấy rằng, để phát hiện, để bồi dưỡng một năng khiếu rất dày công, không thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong quá trình đó, chúng ta không chỉ đơn thuần dạy các em hát mà còn phải nuôi dưỡng tư tưởng, phải định hướng cho học sinh để các em yêu và gắn bó dân ca. Điều này, cũng không thể trong một thời gian ngắn mà cần thời gian để “ngấm”, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này sang năm khác… Vì vậy, cá nhân tôi mong tỉnh nhà cần có cơ chế để bồi dưỡng những nhân tố này trong một thời gian dài. Chẳng hạn, hàng năm tỉnh cần có khuyến khích, động viên cho những em có năng khiếu về hát dân ca, ví như các em được học văn hóa tập trung tại trường năng khiếu thể dục thể thao như các vận động viên khác. Song song với đó, các em hàng ngày sẽ đến trung tâm nghệ thuật để học hát dân ca, kiên trì trong một thời gian dài thì các em mới có thể tập trung và chúng ta mới có thể đào tạo được những năng khiếu hát dân ca cho tỉnh nhà. Những năm qua, ngành văn hóa cũng có mở một số lớp hát dân ca cho học sinh tại các địa phương trong thời gian từ 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, hình thức này, theo tôi vẫn chưa hiệu quả.

Học sinh Trường THCS Cửa Nam (TP Vinh) trong giờ học âm nhạc.
Học sinh Trường THCS Cửa Nam (TP Vinh) trong giờ học âm nhạc.

P.V: Thưa NSND Hồng Lựu, cứ 5 năm lại diễn ra hội thi hát dân ca trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Văn hóa tổ chức một lần và là một chương trình thực sự ý nghĩa. Dù vậy, phải chăng hiện nay chúng ta có quá ít hội diễn, có quá ít những sân chơi dành cho dân ca ví, giặm ở lứa tuổi học trò?

NSND Hồng Lựu: Quả thực người Nghệ, học trò Nghệ cứ 5 năm mới thi hát dân ca trong trường học một lần là quá ít, quá thưa. Theo tôi, nếu có điều kiện các trường cần một năm tổ chức một lần và thi cụm, thi huyện có thể định kỳ từ hai đến ba năm và xem đây là một sinh hoạt cộng đồng.

Cá nhân tôi, đã tham dự rất nhiều kỳ liên hoan, trong đó rất nhiều liên hoan chuyên nghiệp. Tuy vậy, mỗi một lần đến với Liên hoan Hát dân ca trong trường học vẫn đem đến những cảm xúc riêng và niềm vui riêng. Đó là niềm vui khi nhìn thấy tương lai cho dân ca ví, giặm xứ Nghệ, vì vậy niềm hạnh phúc cũng nhân lên rất nhiều.

P.V: Xin cảm ơn NSND Hồng Lựu đã tham gia trò chuyện!