Không có dấu hiệu cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Triều sẽ sớm diễn ra

(Baonghean.vn) - Mặc dù trong năm nay, Triều Tiên đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với các nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc cũng như Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không cho thấy dấu hiệu sẽ sớm gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Không có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sớm gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP
Không có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sớm gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP
Thay vì không lưu tâm tới việc bắt đầu đối thoại với Nhật Bản, Bình Nhưỡng còn chỉ trích mạnh mẽ đối thủ lâu đời của mình, với ý định thổi bùng tâm lý chủ nghĩa dân tộc trong nước và tăng cường quan hệ với Seoul. 

Một nguồn thạo tin cho rằng, trong bối cảnh quan hệ Nhật-Triều được xem là xuống mức thấp chưa từng có, Tokyo “không nên kỳ vọng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước diễn ra trong tương lai gần”.

Trong khi cải thiện quan hệ với các nước khác như Hàn Quốc và Mỹ, thời gian gần đây Triều Tiên lại gia tăng các tuyên bố chỉ trích đối với chính quyền Thủ tướng Abe, đề nghị Nhật Bản chuộc lỗi vì hành động xâm lược quân sự trong quá khứ và cai trị thực dân trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Stephen Nagy - Phó giáo sư cao cấp nghiên cứu chính trị tại Đại học Công giáo Quốc tế (ICU) ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) nhận xét: “Những bình luận gay gắt nhằm vào Nhật Bản là một chất keo gắn kết người dân Triều Tiên lại với nhau và thể hiện tinh thần dân tộc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhật Bản tượng trưng cho kinh nghiệm lịch sử, giúp hình thành nên một quốc gia Triều Tiên, sự chia cắt Bán đảo Triều Tiên và bất đồng hạt nhân ngày nay”.

Ông Nagy, cũng là chuyên gia từ Quỹ châu ÁThái Bình Dương của Canada, cho biết thêm: “Đây là tất cả những gì tạo nên bản sắc của Triều Tiên ngày nay, bởi chúng đã ăn sâu và bị phóng đại qua nhiều thế hệ của người Triều Tiên. Sẽ rất khó để thay đổi quan điểm này của Bình Nhưỡng đối với Nhật Bản, cho dù hai bên đã tách bạch với nhau”.

Triều Tiên muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc. Ảnh: Getty
Triều Tiên muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc. Ảnh: Getty
Trong khi đó, một chuyên gia thuộc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), cho rằng Triều Tiên không thể nỗ lực sớm hòa hợp với Nhật Bản, căn cứ vào việc Thủ tướng Abe tiếp tục có quan điểm cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

Chuyên gia này nhận xét: “Trong khi Hàn Quốc, Nga, và Trung Quốc đều có cách tiếp cận linh hoạt hơn khi can dự vấn đề Triều Tiên, thì Nhật Bản đương nhiên trở thành "một quả hạch" để Triều Tiên nghiền nát”.

Chuyên gia Malcolm Cook từ Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng, quan hệ Nhật-Triều “có thể không cải thiện chừng nào Nhật Bản duy trì toàn bộ lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên”. 

Tokyo và Bình Nhưỡng còn bất đồng về vấn đề công dân Nhật Bản bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ.

Một nhà ngoại giao một nước châu Âu ở đại sứ quán Bắc Kinh cho biết: “Tôi đang băn khoăn lý do tại sao Nhật Bản không nỗ lực giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc sau khi bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Nếu chính phủ Nhật Bản không thay đổi chính sách của mình, nước này không thể phá băng tình hình hiện nay”.

Tin mới